Tọa đàm chuyên đề kỹ năng, nghiệp vụ giáo viên chủ nhiệm: Để giáo viên chủ nhiệm thực sự là “linh hồn” của lớp học

    17:11 10/06/2020

    Không phải giáo viên chủ nhiệm nào cũng có phương pháp giáo dục tốt để quản lý lớp học. Giáo viên chủ nhiệm khó bắt kịp thời đại 4.0 trong khi sự hợp tác, phối hợp từ gia đình trong giáo dục con cái ngày càng ít đi và hầu như giao hết cho nhà trường… là những nội dung trọng tâm chuyên đề thứ 3 vừa khép lại của Chương trình tọa đàm trực tuyến nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ giáo viên chủ nhiệm do Sở GD-ĐT Hải Phòng phối hợp với ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức trong 3 tuần liên tiếp…

    PGS.TS Đinh Kim Thoa là diễn giả của chuyên đề thứ 3

    Tự đổi mới mình để đáp ứng yêu cầu thời đại

    Trong nhà trường phổ thông, giáo viên chủ nhiệm không chỉ thực hiện nhiệm vụ quản lý lớp học mà còn giữ vai trò chủ chốt, là “linh hồn” của lớp. Tuy nhiên, hiện có một thực tế là chế độ và công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ để giáo viên đáp ứng được nhiệm vụ này còn nhiều bất cập. Một cán bộ quản lý giáo dục cho rằng, đòi hỏi về năng lực giáo viên chủ nhiệm ngày càng cao trong khi lỗ hổng giáo dục nhiều thập kỷ nay chưa được lắp đầy. Thế hệ giáo viên 8x, 9x vẫn còn nhiều người yếu về chuyên môn và thiếu hụt kỹ năng.

    Thực tiễn luôn đòi hỏi đội ngũ giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp cùng lúc phải có năng lực về chuyên môn; năng lực lãnh đạo, quản lý; biết xây dựng mối quan hệ gắn bó với học sinh; biết tư vấn, tổ chức các hoạt động giáo dục; biết phối hợp các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường… Bên cạnh đó, để làm tốt công tác chủ nhiệm, giáo viên còn phải rèn luyện, bồi dưỡng để phát triển năng lực xử lý và giải quyết các tình huống sư phạm; biết ứng dụng công nghệ thông tin, giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh…

    Tọa đàm chuyên đề kỹ năng, nghiệp vụ giáo viên chủ nhiệm tại điểm cầu trường THPT Hồng Bàng

    Chính vì vậy, trước khi trông chờ vào các cơ chế, chính sách mới thì bản thân mỗi giáo viên chủ nhiệm lúc này phải trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết, trong đó quan trọng nhất là phải có đạo đức nghề nghiệp, có tấm lòng nhân ái yêu thương học trò; tạo được niềm tin, sự sẻ chia từ các học sinh của mình.

    Hãy là người tạo ra động lực học tập

    Chiều 6-6, chuyên đề thứ 3, cũng là chuyên đề tổng kết lại Chương trình tọa đàm trực tuyến về kỹ năng, nghiệp vụ giáo viên chủ nhiệm do Sở GD-ĐT phối hợp cùng ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức đã đem đến hơi thở mới trong công tác giáo viên chủ nhiệm của hàng nghìn giáo viên tại thành phố Hải Phòng.

    Với sự tham gia của các chuyên gia giáo dục, chuyên gia tâm lý hàng đầu Việt Nam hiện nay, trong đó có PGS.TS Trần Thành Nam (Chủ biên bộ tài liệu SGK Đạo đức theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới; thành viên nhóm chuyên gia của Bộ GD-ĐT về trường học hạnh phúc và phòng chống bạo lực học đường); PGS.TS Đinh Kim Thoa (Tổng Chủ biên về hoạt động trải nghiệm của Chương trình Giáo dục phổ thông mới) và PGS.TS Phạm Mạnh Hà, Chương trình đã mang đến hàng loạt nội dung bổ ích như: tư vấn tâm lý học đường, hướng nghiệp mùa thi, đồng thời cung cấp cho các giáo viên chủ nhiệm các kỹ năng để tạo động lực, tạo niềm tin, giúp học sinh khám phá bản thân và hoạch định, xây dựng kế hoạch cuộc đời.

    Đến với chương trình, giáo viên chủ nhiệm còn có thể nắm rõ những khó khăn tâm lý thường gặp của học sinh để thực hiện tốt công tác tư vấn tâm lý cho các em; quy trình hỗ trợ tâm lý đó diễn ra như thế nào để từ đó nắm bắt được những thời điểm mấu chốt nhất giúp học sinh vượt qua khó khăn. Đặc biệt, trong bối cảnh thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, người giáo viên chủ nhiệm sẽ được nắm chắc hơn những điểm nổi bật, quan trọng của hoạt động giáo dục thời điểm hiện tại.

    Các cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên chủ nhiệm tại điểm cầu Phòng GD-ĐT quận Hồng Bàng

    Bên cạnh đó, Đại học ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội và Sở GD-ĐT còn ban hành các tài liệu hỗ trợ công tác giáo viên chủ nhiệm như: Cẩm nang tổ chức dạy học trực tuyến, Cẩm nang chăm sóc sức khoẻ tâm thần; Cẩm nang tư vấn hướng nghiệp dành cho học sinh THPT. Ngoài ra, các diễn giả còn cung cấp cho người học các công cụ, phương pháp đánh giá tâm lý học sinh; tư vấn định hướng nghề nghiệp...

    Lần đầu tiên tổ chức chương trình trực tuyến miễn phí với số lượng hơn 20.000 lượt giáo viên tham dự các chuyên đề, sau tọa đàm, các diễn giả còn tiếp tục hỗ trợ, giải đáp các câu hỏi theo hình thức trực tuyến, hình thành kênh kết nối giữa giáo viên - chuyên gia giáo dục trong việc tư vấn, giải quyết các vấn đề phức tạp trước yêu cầu thực tế công tác giảng dạy. Hiện, các bài giảng vẫn đang tiếp tục được chia sẻ và nhận được sự tiếp cận của hàng ngàn lượt người xem mỗi ngày cho thấy nội dung tọa đàm vô cùng cần thiết với nhu cầu xã hội.

    HẢI HẬU

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông

    Liên kết hữu ích