21:58 15/08/2018 Bão số 4 dự bão sẽ đi vào đất liền từ Hải Phòng đến Nghệ An Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn TW, đến 16h ngày 15-8, vị trí tâm bão số 4 ở vào khoảng 20,9 độ Vĩ Bắc; 111,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 110km tính từ tâm bão.
Bão số 4 dự bão sẽ đi vào đất liền từ Hải Phòng đến Nghệ An
Dự báo trong 24h tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10km. Đến 16 giờ ngày 16-8, vị trí tâm bão ở khoảng 20,3 độ Vĩ Bắc; 109,0 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông vịnh Bắc Bộ, cách Móng Cái 210km, cách Thái Bình 270km, cách Vinh 410km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 110km tính từ tâm bão.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6; phía Tây Bắc khu vực Bắc Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 11. Biển động mạnh.
Từ sáng sớm 16-8, ở phía Đông vịnh Bắc Bộ gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 11. Biển động rất mạnh.
Trong 24 đến 48h tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi vào đất liền các tỉnh từ Hải Phòng đến Nghệ An và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới...
Từ đêm 15 đến ngày 18-8, ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa to đến rất to (lượng mưa 250-350mm/đợt).
Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét ở vùng núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; ngập úng tại các vùng trũng, thấp và các đô thị thuộc khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An.
Sẵn sàng ứng phó
Để chủ động phòng chống, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất về người, tài sản do bão số 4 gây ra, sáng 15-8, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Xuân Bình đã chủ trì cuộc họp đột xuất Ban Chỉ huy PCTT & TKCN TP và các địa phương khẩn trương thực hiện công tác phòng chống bão.
Và ngay trong chiều cùng ngày, Chủ tịch UBND TP, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN TP và các ngành đã tiến hành kiểm tra, đôn đốc việc phòng chống bão số 4 tại huyện Cát Hải.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Xuân Bình chỉ đạo tại cuộc họp đột xuất sáng 15-8
Tính đến 18h ngày 15-8, theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng, toàn thành phố đã phối hợp kiểm đếm, thông báo cho: 3.099 phương tiện/11.458 lao động; 450 lồng bè/1.239 lao động; 299 chòi canh/290 lao động đang hoạt động và neo đậu để chủ động phòng tránh. Trong đó, có 317 phương tiện/668 lao động đang hoạt động, 2.636 phương tiện/9.060 lao động đang neo đậu tại bến;130 phương tiện/1.730 lao động đang neo đậu tại cảng.
Đối với công tác sơ tán dân, các địa phương đã rà soát, thống kê có 1.969 hộ/7.729 người ở các khu vực nguy hiểm cần được sơ tán khi có tình huống phát sinh. Công tác chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện đã được các ngành, địa phương, LLVT trên địa bàn thành phố có kế hoạch, phương án sẵn sàng huy động tham gia PCTT&TKCN.
Hiện, các Sở, ngành, đơn vị, địa phương đang tích cực triển khai công tác phòng chống bão số 4.
Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng yêu cầu các đơn vị thi công khẩn trương di chuyển 62 phương tiện đang thi công các công trình đến khu vực an toàn.
Công ty Điện lực Hải Phòng đã chỉ đạo, tổ chức biện pháp phòng chống bão cho hệ thống điện.
Các quận: Hồng Bàng, Lê Chân, Dương Kinh đẩy mạnh iệc đôn đốc các phường thực hiện nghiêm túc Công điện chỉ đạo của UBND TP, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để chủ động ứng phó, xử lý kịp thời các tình huống.
Tại Huyện Tiên Lãng, địa phương đã tiến hành thông báo cho 341 tàu/550 lao động đang hoạt động ở cửa sông, ven biển biết diễn biến bão; sẵn sàng phương án di chuyển 451 hộ dân/1.200 người ngoài đê, các hộ nuôi trồng thủy sản vào trong đê; chủ động hạ thấp mực nước đệm trên hệ thống khi có yêu cầu; thông báo cho 162 trang trại gia súc, gia cầm để chủ động phương án phòng chống.
Quận Đồ Sơn đã tiến hành kêu gọi 208 phương tiện/853 người, 9 chòi nuôi ngao/6 lao động về nơi neo đậu, tránh trú; chủ động tiêu thoát nước phòng chống ngập úng bảo vệ sản xuất; xây dựng phương án sơ tán tại chỗ 1.834 người, sơ tán khỏi địa bàn là 427 người; ban hành lệnh cấm biển từ 12h ngày 15-8.
Huyện An Lão đã lập kế hoạch sơ tán dân ở khu vực bãi sông, khu vực có nguy cơ sạt lở núi 216 hộ/669 người.
Huyện Vĩnh Bảo đã tổ chức kiểm tra đê điều, thủy sản, bảo vệ sản xuất; chủ động tiêu nước chống úng.
Huyện An Dương đã xây dựng kế hoạch di dời 428 hộ/1.515 người đến khu vực an toàn.
Quận Hải An đã thông báo diễn biến bão cho 109 phương tiện/230 lao động; 40 chòi nuôi ngao/41 lao động đã được Đồn Biên phòng Tràng Cát thông báo để chủ động về bờ.
Huyện Kiến Thụy đã thông báo diễn biến bão cho 185 phương tiện/618 lao động hoạt động ven bờ, 159 chòi canh ngao/161 lao động về nơi tránh trú.
Tại Huyện đảo Cát Hải, địa phương đã tiến hành kiểm đếm, thông báo cho 1.207 phương tiện/3.373 lao động; sắp xếp neo đậu cho 425/454 bè nuôi trồng thủy sản, di dời bè tại vị trí xung yếu 29 lồng bè tại khu vực vịnh Cát Bà...
KC
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024