Tổng kết hoạt động ủy thác giai đoạn 2015-2020: Các tổ chức chính trị - xã hội đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng tín dụng chính sách

11:19 01/10/2020

Sáng 1/10, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết hoạt động ủy thác giai đoạn 2015-2020. Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam: Nguyễn Lam – Phó trưởng ban Dân vận trung ương, Thào Xuân Sùng – Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, Đỗ Thị Thu Thảo – Phó chủ tịch Hội phụ nữ Việt Nam, trung tướng Nguyễn Văn Đạo - Phó Chủ tịch Trung ương Hội CCB Việt Nam, Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Dương Quyết Thắng – Tổng giám đốc NHCSXH Việt Nam; lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước Việt Nam...

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Thành chủ trì tại điểm cầu Hải Phòng. Cùng dự có lãnh đạo UBMTTQ thành phố, Ban Dân vận, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Thành đoàn, Hội Cựu chiến binh; lãnh đạo các Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) thành phố, phòng chuyên môn nghiệp vụ...

Thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, NHCSXH thực hiện phương thức ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên).

Giai đoạn 2015-2020, các chương trình tín dụng và khối lượng tín dụng NHCSXH thực hiện cho vay ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng tăng với 18 chương trình tín dụng ủy thác. Đến 31-8-2020, tổng dư nợ chương trình tín dụng thực hiện theo phương thức ủy thác là 220.545 tỷ đồng, chiếm 99,56% tổng dư nợ, tăng 90.491 tỷ đồng so với năm 2014, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 11,8%.

Việc thực hiện ủy thác một số nội dung công việc cho các tổ chức chính trị - xã hội đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng tín dụng: nợ quá hạn giảm dần từ 4% khi nhận bàn giao đến nay xuống còn 0,25%, tỷ lệ thu hồi nợ đến hạn đạt 94%, tăng 23% so với 31/12/2014; tỷ lệ thu lãi tăng đều qua từng năm, đảm bảo thu đúng, thu đủ, giảm thiểu lãi tồn đọng; đến hết tháng 8/2020, trên 99,9% tổ tiết kiệm và vay vốn có số dư tiền gửi đạt 11.190 tỷ đồng...

Thông qua hoạt động ủy thác đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng chung tay giúp đỡ người nghèo và các đối tượng chính sách. Cùng với cán bộ CSXH, hàng vạn cán bộ tổ chức chính trị xã hội từ trung ương đến cơ sở đã phối hợp chuyển tải nhanh chóng, kịp thời nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đến hàng triệu người nghèo, đối tượng chính sách trên cả nước. Không chỉ tạo điều kiện cho các đối tượng thụ hưởng tiếp cận vốn tín dụng một cách thuận lợi mà còn hướng dẫn, phổ biến kiến thức sản xuất, kinh doanh nhằm sử dụng vốn vay hiệu quả. Qua đó tạo sinh kế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng sống của nhân dân, góp phần hạn chế, đẩy lùi tệ cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Tại hội nghị, đại diện các tổ chức chính trị xã hội cũng trình bày tham luận về những mô hình, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong quá trình đưa tín dụng chính sách tới người dân. 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó trưởng ban Dân vận trung ương Nguyễn Lam ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà NHCSXH cùng các tổ chức chính trị xã hội đã phối hợp trong việc đưa tín dụng chính sách đến với người dân thời gian qua. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng sống của các đối tượng chính sách, hộ nghèo, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng an ninh, tăng niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, nhà nước...

Quang cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Hải Phòng

Phó trưởng ban Dân vận trung ương Nguyễn Lam cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại hạn chế cần phải khắc phục trong công tác phối hợp giữa NHCSXH với các tổ chức chính trị - xã hội. Đồng thời nhấn mạnh thời gian tới, tín dụng chính sách tiếp tục được khẳng định là công cụ kinh tế hữu hiệu của nhà nước trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, nhanh, bền vững; góp phần thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Do vậy thời gian tới cần tập trung triển khai 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục tham mưu và tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách của Đảng, nhà nước về tín dụng chính sách; Chỉ đạo tổ chức chính trị các cấp thực hiện tốt nội dung công việc ủy thác, kịp thời chấn chỉnh, xử lý những tồn tại, hạn chế phát sinh; phối hợp với NHCSXH tronng việc nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội; nhân rộng các mô hình điển hình, hiệu quả, nhất là tại các vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số...

Bùi Hạnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích