Trải nghiệm Buôn Ma Thuột

23:16 19/09/2016

 

 

Cưỡi voi là hoạt động không thể thiếu khi tới buôn Đôn
Cưỡi voi là hoạt động không thể thiếu khi tới buôn Đôn

Trước khi đặt chân tới Buôn Ma Thuột, tôi đã mường tượng về mảnh đất này là nơi núi non đại ngàn hùng vĩ, hoa café nở trắng muốt trải dài trên những triền đồi của đất trời Tây Nguyên. Vậy mà khi tới nơi, Buôn Ma Thuột còn đem lại nhiều xúc cảm chân thực hơn cả, có lẽ bởi nắng, gió và sinh khí mạnh mẽ đậm chất hoang sơ của nơi hội tụ văn hóa vùng Tây Nguyên. Chỉ vỏn vẹn 2 ngày ghé thăm Buôn Ma Thuột theo lời mời của người bạn thân nhưng với chúng tôi, đó là cơ hội tuyệt vời để được trải nghiệm cảm giác mới mẻ chưa từng có tại vùng đất này.

Về phương tiện đi lại, có lẽ chưa bao giờ việc thực hiện “giấc mơ Tây Nguyên” với người Hải Phòng lại đơn giản đến thế. Từ khi Hải Phòng mở đường bay thẳng giá rẻ tới tỉnh Đắk Lắk, chúng tôi đặt vé máy bay khá ngẫu hứng, chỉ trước khi bay một vài hôm mà vẫn có được giá rẻ “giật mình”. Lững thững bước lên khoang máy bay, chưa đầy một tiếng đồng hồ sau, chúng tôi đã bị đánh thức bởi giọng nói của cơ trưởng thông báo máy bay sắp hạ cánh.

Qua ô cửa sổ máy bay, không chỉ tôi mà rất nhiều hành khách ồ lên kinh ngạc bởi tầm mắt được mở rộng trước khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ đúng như trong tưởng tượng, trong sách vở. Từ trên cao, núi rừng Tây Nguyên trập trùng hùng vĩ ẩn hiện dưới làn sương nhàn nhạt, xa xa hơn, những ngọn đồi trồng café, hồ tiêu trải dài tít tắp nối đuôi nhau như chạm tới đường chân trời.

Phía sau những rặng núi, những đồn điền café hiện lên rất nhiều hồ nước trong vắt, rộng thênh thang, đẹp đến nao lòng. Tới gần hơn nữa, thành phố Buôn Ma Thuột nhỏ xinh hiện ra đầy ắp màu sắc xanh tươi của cỏ cây, hoa lá, giúp bất kì ai ghé thăm nơi đây cũng cảm thấy dễ chịu khi được hít thở khí trời trong lành ngày thu.

Thác Dray Nur với vẻ đẹp lung linh huyền ảo dưới tiết thời thu
Thác Dray Nur với vẻ đẹp lung linh huyền ảo dưới tiết thời thu

Đón chúng tôi ngay cửa sân bay, Mỹ Dung - cô gái xinh đẹp của mảnh đất Buôn Mê, người bạn đồng hành sẽ cùng chúng tôi rong ruổi khắp các cung đường trong những ngày tới hào hứng lên danh sách những địa danh thú vị và lạ lẫm. Đó là làng café Trung Nguyên - nơi có thể khám phá hàng trăm loại café khác nhau với bảo tàng café ấn tượng; là Buôn Đôn nổi tiếng với hoạt động cưỡi voi vượt sông SerePok, băng rừng quốc gia Yok Don; hay đắm mình nơi những con thác hùng vĩ như Dray Sap, Dray Nur, Gia Long, Trinh Nữ, Bảy Nhánh, Krong Kmar, Bìm Bịp… với dòng nước mát lạnh bọt tung trắng xóa ngày đêm…

Tôi vẫn nhớ trước ngày cả nhóm lên đường khám phá những địa danh nổi tiếng và hùng vĩ đó, Mỹ Dung dành thời gian đưa chúng tôi ghé thăm một vòng "bản đồ" ẩm thực nổi tiếng của thành phố Buôn Ma Thuột. Lạ miệng nhất vẫn là bánh canh cá dằm - món ăn khoái khẩu của nhiều người dân bản địa. Sợi bánh canh dài, trong như sợi bún nhưng nhỏ, mềm hơn và dính chặt vào nhau. Nước dùng thì trong vắt, ngọt đậm đà, có vị cay xè của ớt xộc lên mũi. Và điểm nhấn của món ăn này chính là những loại chả cá chiên thơm ngon “đặc biệt” làm từ nhiều loại cá khác nhau như cá thu, cá ngừ… được trộn lẫn với tương cay, hành tây giòn sần sật…

Trước khi thưởng thức món ăn, chúng tôi loay hoay nhìn nhau ngạc nhiên bởi cả quán ăn không hề có một đôi đũa nào, chỉ có toàn thìa. Cho tới khi Mỹ Dung hướng dẫn cách ăn, tất cả chúng tôi mới bật cười hiểu ý nghĩa tên gọi của món ăn. Đó là phải dùng thìa “dằm” thật kĩ, để những sợi bánh canh mềm mại được giã nhỏ, sau đó dùng thìa xúc, ăn kèm chả cá đậm vị ngọt thơm nước dùng.

Một đặc sản trứ danh khác của thành phố Buôn Ma Thuột không thể không kể tới là món bánh ướt thịt nướng nổi tiếng. Cũng chỉ là bánh cuốn tráng mỏng kèm nhân thịt nướng, dưa chua, xoài xắt sợi, rau thơm, chấm mắm chua ngọt hoặc mắm nêm đậm đà, nhưng điều đặc biệt của món ăn này là nhà hàng chỉ phục vụ từng lá bánh cuốn trên từng đĩa một, mỗi người ăn một lần chỉ được… “phát” cho một lá tráng mỏng và tự cuốn đồ ăn kèm. Vậy là cứ ăn xong một đĩa, chúng tôi thong thả ngồi chờ nhà hàng tráng bánh nóng hổi “phát” cho thực khách mới ăn tiếp. Chờ lâu là vậy nhưng thực khách kéo tới ăn đông vô kể. Cứ ngồi lai rai chờ đĩa bánh cuốn tới từng bàn, chúng tôi ăn tới tận khuya, lúc ra về thì chồng đĩa đã chất cao ngất gần bằng đầu người…!

Có khám phá mới biết Đắk Lắk giữ trong mình một nền văn hóa ẩm thực phong phú vô cùng, nơi đây hội tụ những tinh hoa văn hóa của các dân tộc anh em cùng sinh sống ở mọi vùng miền. Những món đặc sản hấp dẫn chúng tôi còn có gà sa lửa, gà nấu lá giang, cơm lam, bò nhúng me, canh chua nấu cá lăng đặc sản của dòng Serepork, rượu cần, gỏi rau rừng, gỏi cà đắng... Có cả “bún đỏ” - một đặc sản ngon tuyệt của thành phố cao nguyên. Tên gọi của món ăn bắt nguồn từ một tô bún với màu đỏ đặc trưng của nước dùng, được kết hợp nhiều nguyên liệu như: gạch cua, trứng cút, các loại rau...

Tạm xa "bản đô" ẩm thực vô cùng hấp dẫn, sực nhớ ra chỉ có vỏn vẹn hai ngày để khám phá, tận hưởng không gian núi rừng Tây Nguyên nên chúng tôi cố gắng thăm quan, trải nghiệm nhiều nhất có thể qua những điểm đến nổi tiếng. Theo sự hướng dẫn của Mỹ Dung, buổi sáng ngày đầu tiên, chúng tôi có cơ hội đi dã ngoại ở khu du lịch sinh thái thác Dray Nur. Nằm trong hệ thống 3 thác nổi tiếng: Gia Long - Dray Nur - Dray Sap thuộc sông Serepôk, thác Dray Nur nằm cách thành phố Buôn Ma Thuột 25km đi theo quốc lộ 14, qua thủy điện Buôn Kôp gần 3km. Khi tới nơi, chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước vẻ đẹp hùng vĩ của ngọn thác mà thiên nhiên đã ban tặng cho Đắk Lắk. Dưới nắng thu vàng dịu nhẹ, thác nước đổ ào ạt mang sắc màu xanh trong, mát rượi, cùng với hàng cây ven hồ tạo nên một hình ảnh vô cùng nên thơ.

Cũng như nhiều người dân khác, chúng tôi trải thảm ven hồ dã ngoại, cùng nhau ngắm cảnh núi rừng, cùng nhau thưởng thức những món đồ nướng bản địa hấp dẫn như gà sa lửa, thịt heo nướng cay, cơm lam…

Tới buổi chiều, chúng tôi có cơ hội ghé thăm Buôn Đôn, bởi nhiều vị khách du lịch nhất định cho rằng, đến Đăk Lăk mà chưa đến Buôn Đôn thì coi như chưa lên Đăk Lăk. Quả thực tại đây, những du khách như chúng tôi được trải nghiệm nhiều cảm giác vô cùng thú vị như lắc lư trên lưng voi và tham quan cuộc sống buôn làng, nếu ai muốn có “cảm giác mạnh” thì cưỡi voi vượt sông Sêrêpốk để đến với vườn Quốc gia Yok Đôn. Ghé thăm Buôn Đôn còn là dịp hiếm có để tham quan nhà trưng bày các vật dụng sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số và các dụng cụ săn bắt voi; được nghe thuyết trình về lịch sử hình thành Buôn Đôn, các phong tục tập quán và nghệ thuật săn bắt và thuần dưỡng voi rừng nổi tiếng.

Cùng với đó nhiều hoạt động thú vị như đi thuyền độc mộc trên hồ Ea Rông, giao lưu văn hóa cồng chiêng với người dân tộc bản địa, cùng nhau ngây ngất trong men rượu cần và thưởng thức đặc sản núi rừng như cơm lam, gà nướng…

Thời gian không còn nhiều, ngày cuối ở Đaklak, chúng tôi thăm quan một vài điểm đến gần thành phố Buôn Ma Thuột, đó là trải nghiệm không gian độc đáo ở làng café Trung Nguyên, tham quan Biệt điện Bảo Đại, và nhất là có trải nghiệm ở Buôn Ako Dhong (thường gọi là Cô Thôn). Người bạn của chúng tôi - Mỹ Dung tận tình giải thích: “Ở đây gọi “Ako” theo tiếng Ê-đê có nghĩa là đầu nguồn, “Dhong” là lũng. Ako Dhong là lũng đầu nguồn. “Buôn lũng đầu nguồn” ăn nước con suối Ea Nhôn, có tiếng là buôn giàu có, còn được gọi là “Buôn nhà ngói” hay “Buôn Ama Rin”. Nơi đây các lễ hội được già làng Ama Rin tổ chức thường xuyên với lời ca, điệu nhạc, múa truyền thống luôn vang lên dưới mái nhà dài”.

Chuyến đi ngắn ngủi kết thúc trong sự nuối tiếc, nhưng với chúng tôi, thành phố Buôn Ma Thuột xinh đẹp và những người con hiền hòa, thân thiện nơi đây đã thực sự để lại những ấn tượng sâu lắng khó phai. Mảnh đất ấy không chỉ có rừng, có núi, mà còn ẩn chứa những vẻ đẹp tiềm tàng mang giá trị văn hóa, lịch sử sâu rộng của đại ngàn Tây Nguyên mà ta chưa khám phá hết…

Thu Ninh


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích