Trạm Khuyến nông Kiến Thuỵ: Chung tay “biến” ruộng hoang thành vùng sản xuất tập trung

14:55 08/09/2023

Là huyện ven đô, trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo, sản xuất nông nghiệp vẫn được Kiến Thuỵ xác định là ngành kinh tế quan trọng cần ưu tiên dành nhiều nguồn lực đầu tư phát triển. Tuy nhiên, những năm gần đây, do tốc độ đô thị hóa nhanh, sự phát triển của các ngành công nghiệp, dịch vụ nên sản xuất nông nghiệp của địa phương cũng chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Diện tích đất canh tác dần bị thu hẹp, lực lượng lao động thiếu hụt, kéo theo đó là tình trạng nông dân bỏ ruộng có xu hướng ngày càng gia tăng.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT thăm mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao tại xã Kiến Quốc, Kiến Thuỵ 

Khẳng định rõ vai trò chủ chốt trong hoạt động sản xuất nông nghiệp

Thực tế trên đã đặt ra yêu cầu cần phải thay đổi nhận thức, có chủ trương, chính sách, giải pháp phù hợp nhằm tạo nền tảng, động lực cho sự phát triển nông nghiệp của huyện đáp ứng tốt yêu cầu đặt ra trong thời kỳ mới. Xác định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, thời gian qua, Trạm Khuyến nông Kiến Thụy đã tích cực tham gia đồng hành cùng cấp uỷ, chính quyền và bà con nông dân địa phương khắc phục những khó khăn, bất cập vấp phải, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp.

Đội ngũ cán bộ của trạm luôn là lực lượng xung kích, khẳng định rõ vai trò chủ chốt trong hoạt động sản xuất nông nghiệp của huyện, có nhiều đóng góp vào thành tích chung mà ngành nông nghiệp địa phương đạt được. Trong đó, phải kể đến vai trò của cán bộ Khuyến nông trong việc tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khắc phục tình trạng ruộng bỏ hoang trên địa bàn huyện.

Theo chia sẻ của ông Vũ Thành Lân, cán bộ Trạm Khuyến nông Kiến Thụy, từ năm 2019, UBND huyện Kiến Thụy đã ban hành quyết định về việc phê duyệt Kế hoạch thí điểm hỗ trợ kinh phí thực hiện mô hình tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao đạt chứng nhận hữu cơ gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm tại xã Ngũ Quốc, Kiến Thuỵ

Theo đó, huyện hỗ trợ 50% kinh phí thuê đất ruộng trong 5 năm với mức giá không quá 3 triệu/ha/năm; hỗ trợ 1triệu/ha cho công tác tuyên truyền vận động tích tụ ruộng đất của UBND các xã; hỗ trợ 50% giống cây trồng vụ đầu tiên. Bám sát các quy định, chính sách hỗ trợ của huyện, cán bộ trạm đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con nông dân tham gia tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Nhờ có sự vào cuộc tích cực của các cán bộ Khuyến nông, ngay trong năm đầu thực hiện kế hoạch, trên địa bàn huyện đã triển khai thí điểm được 11 mô hình. Trong đó, có 3 mô hình trồng lúa chất lượng cao, 4 mô hình trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản; 3 mô hình cây hàng năm, 1 mô hình cây ăn quả với tổng diện tích 86,6 ha.

Đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Đáng chú ý, nhận thức rõ việc tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng là xu hướng tất yếu trong phát triển sản xuất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đội ngũ lãnh đạo, cán bộ Khuyến nông phụ trách địa bàn đã chủ động tham mưu cho chính quyền các xã trên địa bàn huyện đẩy mạnh tuyền truyền đến từng hộ dân, kết nối, kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp tham gia vào tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khắc phục diện tích ruộng bỏ hoang.

Nhờ đó, đến năm 2023, huyện Kiến Thụy đã xây dựng được 47 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với tổng diện tích trên 751 ha. Đặc biệt, địa phương đã có 35 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP, nhiều vùng sản xuất tập trung được công nhận VietGAP; năng suất lúa và giá trị cây trồng đều tăng cao so với trước.

Mô hình sản xuất giống lúa TBR225 có gen kháng bạc lá

Cơ cấu cây trồng cũng được chuyển dịch theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị hiệu quả, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng địa phương và đáp ứng nhu cầu của thị trường. Trong số đó, có rất nhiều mô hình, sản phẩm tiêu biểu, mang lại hiệu quả kinh tế cao tại các xã có sự tham gia tư vấn và hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông.

Tiêu biểu có thể kể đến hàng loạt các mô hình như: trồng lúa hữu cơ của 2 xã Ngũ Phúc, Kiến Quốc; trồng hoa của 2 xã Du Lễ, Hữu Bằng; trồng cây ăn quả 2 xã Thụy Hương, Đông Phương; trồng rau của 2 xã Tú Sơn, Thụy Hương; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của 2 xã Tú Sơn, Kiến Quốc…

Theo chia sẻ của anh Nguyễn Văn Hưng-chủ mô hình ruộng rươi - lúa tại xã Ngũ Phúc thì mô hình nuôi rươi kết hợp cấy lúa theo hướng hữu cơ cho hiệu quả cao gấp nhiều lần cấy lúa đơn thuần. Trung bình mỗi vụ, sau khi trừ các khoản chi phí sản xuất đi, anh còn lãi từ 100-150 triệu đồng/ha.

Cũng là người thực hiện thành công mô hình tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, anh Phạm Văn Điệp-chủ mô hình trồng lúa kết hợp nuôi cá ở xã Hữu Bằng chia sẻ: Với hơn 13 ha cấy lúa, thả cá của gia đình, trung bình mỗi năm anh thu hoạch được từ 70- 80 tấn lúa và 25-30 tấn cá, trừ chi phí sản xuất đi cho lãi từ 400-500 triệu đồng/năm. Hay mô hình sản xuất rau màu ứng dụng công nghệ cao tại xã Tú Sơn cho doanh thu 450-500 triệu đồng/ha/năm, hiệu quả kinh tế cao gấp 5-7 lần so với sản xuất truyền thống…

Đặc biệt, năm 2023, triển khai kế hoạch của thành phố về tích tụ ruộng đất, khắc phục tình trạng ruộng bỏ hoang để sản xuất giống lúa ĐS1 có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, Trạm Khuyến nông Kiến Thụy đã tích cực vào cuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các cá nhân, doanh nghiệp, HTX phối hợp với các địa phương và bà con nông dân tích tụ được trên 37 ha ruộng bỏ hoang tại các xã: Ngũ Phúc, Đại Đồng, Ngũ Đoan để triển khai 4 mô hình sản xuất giống lúa ĐS1. Theo dự kiến, các mô hình trên sẽ mang lại lợi nhuận trung bình đạt khoảng 20 triệu đồng/ha/vụ.

Cùng với đó, nhằm phát huy và nhân rộng hơn nữa các mô hình tích tụ ruộng đất, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng và khắc phục diện tích ruộng bỏ hoang, thời gian qua, Trạm Khuyến nông Kiến Thụy đã làm tốt công tác tham mưu cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện xây dựng đề án của UBND huyện, trình Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Nghị Quyết số 08-NQ/HU ngày 25-4-2023 về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất và xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2023 – 2025, định hướng đến năm 2030.

Nông dân huyện Kiến Thuỵ vui niềm vui thu hoạch từ mô hình tích tụ rộng đất

Theo đó, Nghị quyết đã xác định tích tụ, tập trung ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và khắc phục diện tích ruộng bỏ hoang là mục tiêu và giải pháp quan trọng, đột phá để chuyển đổi nền sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị kinh tế, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của huyện.

Và để thực hiện thắng lợi mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2023-2025, toàn huyện tích tụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với 500ha đất hoang hoá hoặc sử dụng kém hiệu quả sang mục đích sử dụng khác, vừa qua, Trạm Khuyến nông huyện đã tham mưu, đề xuất một số giải pháp liên quan đến công tác quản lý, cải cách thủ tục hành chính liên quan đến tích tụ, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, quy hoạch các vùng tích tụ, sản xuất theo thế mạnh, đặc trưng của mỗi địa phương trên địa bàn huyện; tăng cường ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, phát triển các HTX, xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm gắn với quảng bá thương hiệu; khuyến khích, hỗ trợ cho hoạt động tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng…

Có thể khẳng định, với tinh thần, trách nhiệm, trình độ chuyên môn và tâm huyết dành cho nghề, thời gian qua, đội ngũ lãnh đạo, cán bộ Trạm Khuyến nông Kiến Thuỵ luôn tích cực tham gia, triển khai hiệu quả mọi hoạt động của ngành, nhất là công tác tham mưu và hoạt động tư vấn kỹ thuật. Từ đó, khẳng định rõ vai trò là cầu nối giữa ý Đảng và lòng dân, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển KT-XH của địa phương.

Bình Huệ

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích