Tranh dân gian truyền thống Việt Nam: Đậm đà phong vị văn hóa dân tộc

16:15 27/01/2021

Những sinh hoạt đời thường, những lời chúc tốt đẹp đầu Xuân, hay những dị gần gũi, bình dị nhất của cuộc sống như đàn gà, đàn lợn… đều bừng sáng lên với những gam màu tươi tắn của những bức tranh Đông Hồ, Hàng Trống. Phơi phới niềm vui, tin yêu cuộc sống, thêm yêu đất nước, quê hương, đó là những gì mà người xem cảm nhận được khi thăm quan trưng bày triển lãm “Tranh dân gian truyền thống Việt Nam” do Bảo tàng Hải Phòng phối hợp cùng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức vừa qua.

Những bức tranh dân gian được trưng bày tại triển lãm

Trưng bày triển lãm “Tranh dân gian truyền thống Việt Nam” là hoạt động văn hóa  rất kịp thời và có ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (3-2-1930 * 3-2-2021); chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và mừng Xuân Tân Sửu 2021.

 Triển lãm thu hút sự quan tâm yêu mến đông đảo của học sinh

Mỹ thuật dân gian là một thành phần thiết yếu trong nền văn hoá - nghệ thuật dân tộc. Tranh dân gian bao gồm tranh Tết và Tranh Thờ, xuất hiện từ lâu đời.

 Học sinh trải nghiệm làm tranh dân gian

Ngay từ thế kỷ XVI (thời Mạc), tranh Dân gian đã khá phổ biến, hiện diện vào dịp Tết Nguyên Đán tại nhiều gia đình để trang hoàng nhà cửa và trừ tà, cầu phúc.

Qua các thời kỳ lịch sử, đến thế kỷ 18 - 19, tranh dân gian đã có nội dung, hình thức ổn định và tiếp tục phát triển cao cho đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Là sản phẩm của trí tuệ tập thể qua nhiều thế hệ, tranh dân gian không chỉ đáp ứng các nhu cầu về tinh thần, tâm linh và mỹ cảm của nhân dân lao động trong những ngày Tết, mà còn ẩn chứa những nội dung giáo dục đạo đức, nhân cách trong cuộc sống đời thường.

Tranh dân gian truyền thống Việt Nam có một vị trí quan trọng trong kho tàng Di sản văn hóa dân tộc, được nhiều thế hệ cán bộ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam dày công nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị.

Trưng bày giới thiệu những bức tranh tiêu biểu, được chọn lọc từ bộ sưu tập mỹ thuật tranh dân gian truyền thống của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, với nhiều dòng tranh dân gian nổi tiếng như: Đông Hồ (Bắc Ninh), Hàng Trống, (Hà Nội) và tranh thờ Dân tộc Tày, Cao Lan...

Mỗi dòng tranh trên có lối thể hiện riêng biệt, nhưng đều mang đậm bản sắc dân tộc, nội dung, đề tài mang ý nghĩa Tôn giáo tâm linh, hay tranh chúc tụng ngày Tết, tranh sinh hoạt, tranh họa theo thơ, tranh châm biếm… đều thể hiện ước vọng ngàn đời của người dân về cuộc sống tốt đẹp, hòa bình, ấm no, hạnh phúc như: tranh Đại cát, Nghinh xuân, Vinh hoa, Phú quý, Gà đàn, Lợn đàn thuộc dòng tranh Đông Hồ...

Hay mảng tranh đầy màu sắc của dòng tranh Hàng Trống như: Cá chép trông trăng, Chim công, Bà Chúa Thượng Ngàn... hoặc dòng tranh thờ của Dân tộc Tày và các dân tộc thiểu số sống trên miền núi phía Bắc và Nghệ An như: bộ tranh Thập Điện, Phật Bà Quan Âm, ...

Đề tài được thể hiện nhiều trong triển lãm lần này là tranh sinh hoạt, phản ánh cuộc sống lao động, sản xuất của nhà nông, cảnh gieo mạ, cấy lúa ngoài đồng, mục đồng chăn trâu, thổi sáo, những phiên chợ quê...

Hay đề tài thờ cúng mang tín ngưỡng, tâm linh, nhưng mang ý nghĩa giáo dục nhân cách trong cuộc sống thường ngày. Những đề tài thân thuộc này đã tạo cho tranh dân gian Việt Nam một chỗ đứng bền lâu trong lịch sử và truyền thống văn hóa của dân tộc, trở thành nét đặc sắc trong đời sống tinh thần của người Việt.

 Với nội dung đa dạng, phong phú và sâu sắc, bảng màu tự nhiên rực rỡ hy vọng rằng trưng bày "Tranh dân gian truyền thống Việt Nam" sẽ góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc, mang đến cho người xem cách nhìn tổng thể, hiểu thêm về nét đẹp truyền thống văn hóa dân tộc đậm đà bản sắc, đậm chất dân gian nhưng mang tính nghệ thuật cao.

Cô Trần Minh Hải, giáo viên Trường THCS Hồng Bàng chia sẻ: Cá nhân chị là cô giáo dạy văn, từ nhỏ đã yêu văn học, yêu văn hóa dân gian, đặc biệt tranh dân gian chị đã sưu tầm rất nhiều. Hôm nay các cháu học sinh lớp chị làm chủ nhiệm có lịch học bình thường nhưng được sự cho phép của Ban giám hiệu nhà trường, chị đã cho các con đến thăm quan triển lãm. Trong cuộc sống hiện đại hiện giờ học sinh thường bị cuốn vào thế giới của công nghệ, mạng xã hội, nhất là đối với học sinh nam thì hay say mê các trò game mang tính bạo lực, vì vậy, chị hi vọng không gian đầy sắc màu của tranh dân gian trong triển lãm sẽ làm tâm hồn của các con sẽ đẹp đẽ, dịu dàng hơn. Chị mong sẽ có nhiều cuộc triển lãm như thế này để các con được tham gia, thưởng thức nhiều hơn nữa vừa giúp cuộc sống được hài hòa hơn, vừa khơi dậy, hun đúc được tình yêu với văn hóa dân gian truyền thống và tình yêu quê hương, đất nước.

Em Nguyễn Thị Phương Linh, học sinh lớp 8A3 Trường THCS Hồng Bàng: Em rất vui vì được cùng các bạn tham gia thăm quan triển lãm tranh dân gian. Vì quá mải mê cho việc học hành, chúng em rất ít có cơ hội được tham gia các cuộc triển lãm tranh dân gian như thế này. Khi được thăm quan triển lãm, em nhận thấy tranh của ông cha ta quá đẹp. Không chỉ được khám phá những nét đẹp của tranh dân gian mà còn là nét đẹp của văn hóa truyền thống của dân tộc trong đúng dịp Tết đến xuân về là trải nghiệm vô cùng thú vị. Từ đó em cảm thấy thêm yêu văn hóa Việt Nam và chia sẻ với bạn bè quốc tế về nét đẹp văn hóa của đất nước mình.

Xuân Hạ

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích