10:07 19/02/2019 Núi Voi thuộc quần thể vòng cung Đông Triều, tách riêng thành một vùng độc đáo nằm giữa hai xã Trường Thành và An Tiến của huyện An Lão, cách trung tâm thành phố chừng hơn chục cây số. Dù cảm quan dựa nhiều vào trí tưởng tượng của con người, nhưng quả thực nhìn từ hướng nào, núi cũng giống như một con voi đang chìm vào lòng đất.
Khu danh thắng lịch sử Núi Voi uy nghi giữa vùng đồng bằng huyện An Lão
Xứng danh một thủa
Xuôi theo quốc lộ 10 về phía Nam, vượt qua cầu Trạm Bạc là tới ngay xã Trường Thành. Về giá trị lịch sử, từ thời Hai Bà Trưng, nữ tướng Lê Chân đã chọn núi Voi dựng căn cứ, chiêu tập binh mã, tích trữ lương thảo đánh giặc. Đến thế kỷ thứ 18 nhà Mạc lấy núi Voi làm nơi duyệt binh, thiết lập căn cứ tiền tiêu bảo vệ vùng cửa ngõ phía Đông. Thời Pháp thuộc, núi Voi là căn cứ khởi nghĩa của Lãnh Tư, Cử Bình. Trong kháng chiến chống Pháp trường kỳ, núi Voi là một trong những chiến khu quan trọng nhất của bộ đội cách mạng Hải Phòng. Còn về giá trị văn hóa, từ năm 1930 các nhà khảo cổ Pháp đã khám phá và khẳng định rằng núi Voi là một di tích khảo cổ học, cái nôi của người tiền sử và sơ sử cuối thời đại đồ đồng đầu thời đại đồ sắt, cách đây trên 2.500 năm.
Nhưng giá trị trường tồn từ hàng nghìn năm nay, có lẽ chính là dáng vẻ kỳ vĩ thiên nhiên ban tặng cho núi Voi, chả thế mà quần thể này đã được xếp hạng danh thắng lịch sử cấp quốc gia thuộc diện sớm nhất Hải Phòng, kể từ năm 1962. Từ hướng xã Trường Thành, bước vài chục nhịp chân lên tới đình Chi Lai, thấy ngay cảnh sơn thuỷ hữu tình, kề bên là ngôi chùa cổ kính ẩn dật dưới những gốc cổ thụ hàng trăm năm tuổi, tiền cung hướng xuống sông Lạch Tray, hậu cung mở vào vách núi, cái thế tích tụ vượng khí muôn đời. Thắp một nén hương cầu phuớc, hồn trầm ngâm lạc vào cõi hư không, thảnh thơi trên con đường bậc thang uốn lượn, lúc tĩnh lặng giữa gió rừng vi vu, khi vươn ra ngan ngát những vạt chè, ngắt mấy búp non nhấm nháp, mới thấm thía hết câu “chè Chi Lai – khoai Tiên Hội”.
Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông trong quần thể chùa Long Hoa (Núi Voi – An Lão)
Đi hết vạt chè đến hang Già Vị, xoáy dựng như chiếc giếng sâu, hang có lạch nước chảy thông xuống làng, hạ âm vài bậc đã cảm được hương đá mát lạnh toát ra từ thạch nhũ. Nơi đây gắn liền với tên tuổi người du kích Ôn Như Vị, một mình trụ dưới lòng hang chống trả hàng trung đội lính Pháp, cảm phục ông nên từ ấy người ta gọi tên là hang già Vị. Lui lên trên là “Đấu đong quân”, trải mấy trăm năm vẫn còn vương vấn dấu chân quân nhà Mạc, vây quanh là vô số hang không tên, miệng chỉ đủ một người trườn, nhưng vào trong cao rộng thênh thang, kéo dài vài chục mét, từng đàn dơi bậu thành chùm kêu lít chít.
Tưng bừng mùa lễ hội
Mấy chục năm trở về đây, quần thể núi Voi được quan tâm đầu tư nhằm khai thác nguồn tài nguyên du lịch phong phú, nhiều tuyến đường được mở rộng viền quanh chân núi. Một số công trình văn hóa cũng được phục dựng, điển hình là đền thờ nữ tướng Lê Chân thuộc địa bàn xã An Tiến, chùa Long Hoa đang triển khai tại vách núi phía xã Trường Thành, nơi có tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông cao hơn 10 mét. Hàng năm, lễ hội núi Voi được mở vào dịp rằm tháng Giêng, đã được nâng tầm thành lễ hội cấp vùng của đồng bằng Bắc Bộ.
Thể thao truyền thống thu hút đông du khách ở lễ hội Núi Voi
Trở lại với những điểm nhấn cảnh quan, nhìn từ hướng Nam, giữa lưng vách đá dựng đứng có một chiếc hang cực lớn hình con cá được gọi là hang Cá Chép, đồn rằng hang này thông ra đến bến đò Trạm Bạc cũ, các cụ kể rằng chỉ ném vào đáy hang một quả bưởi đã đánh dấu, mấy ngày sau sẽ thấy bưởi nổi lên ngoài sông. Hư thực chưa được kiểm chứng, nhưng hang Cá Chép hiện nay vẫn là một trong những nơi chứa đựng nhiều điều bí ẩn nhất của núi Voi. Đến vãn cảnh núi Voi từ đường này, du khách đi qua xóm Núi của xã An Tiến, ngay dưới chân ngọn Đầu Ngựa, qua ngọn Chu ngọn Độn là hầm Thành uỷ. Đây là cơ quan được bộ đội công binh đào sâu vào lòng núi, hệ thống gồm hàng chục “phòng” lớn nhỏ, có cả hội trường, đường thông hơi, trạm bơm thoát nước… Gần đó có động Nam Tào - Bắc Đẩu, cũng xem như đền Trình để cầu an trước khi lên thăm vàn chúa Cả, chúa Hai.
Ngược lên đầm Sen, nơi chia cắt núi Voi thành 3 đỉnh lớn, trước kia cây dáy đá mọc ngập từng lớp tàu lá, trông như một đầm sen nên có tên gọi như vậy. Ẩn ngay gần lối xuống đầm Sen có một miệng hang, nếu không nói thì rất ít người nhận thấy. Đấy là hang Thóc, kho chứa lương thực của nhà Mạc ngày xưa, đáy hang sâu vài chục mét, lòng hang rộng chia thành nhiều khoang như tàu biển vồng trong núi, mỗi khoang lại lắt léo có một vài ngách thông ra ngoài nhưng ngách nào cũng ẩn. Trong ba đỉnh, thì đỉnh núi phía nam hồ Sen cao nhất có hình chân choãi, mặt ngọn phẳng như bàn cờ, được gọi là đỉnh Bàn Cờ Tiên. Đứng trên đỉnh bàn cờ, giữa ngạt ngào gió bay mây phủ, khó ai không cảm được sự thanh thoát phiêu bồng, với tay lên đến trời, phóng mắt xuống nhìn phương Nam có sông Đa Độ, sông Văn Úc… phương Bắc có dòng Cấm, Lạch Tray uốn lượn như những dải lụa, bao quanh các thửa ruộng phân ô tăm tắp từng đường kẻ chỉ.
Đỉnh đối diện với “bàn cờ tiên” về hướng Đông có hang “cửa vuông” vốn là trạm quan sát tiền tiêu thời chiến tranh, gần đấy lại có hang giếng miệng tròn như tên gọi cắm thẳng xuống thăm thẳm, sâu chưa ai biết đến chừng nào. Đặc biệt ấn tượng là động Họng Voi, nơi có “cổng lên trời”, có giếng khơi “xuống địa phủ”, lung linh trong hàng trăm hàng ngàn thạch nhũ biến hình hoá vẻ, thảnh thơi giữ thời gian ngưng đọng tự nghìn xưa. Núi Voi có cấu trúc thật lạ, phần đầu toàn đá vôi xanh ngăn ngắt, phần lưng xuôi dần hàng nghìn mét lại là khoảng đồi được phủ rờm rợp bóng cây keo tai tượng, thông, tràm… đủ sức cho mấy mươi vạn người dừng chân hóng gió.
Lãnh đạo huyện An Lão cho biết, theo thông lệ hội núi Voi thường kéo dài ba ngày, hội năm nay kéo dài 5 ngày, được khai mạc từ ngày 15 đến ngày 20-2 (tức các ngày 11, 12, 13, 14 và 15 tháng Giêng năm Kỷ Hợi). Dịp này, du khách sẽ được chứng kiến những chương trình văn hóa, nghệ thuật, thể thao… được dàn dựng công phu, xen quyện không gian hội chợ sản vật vùng miền. Du khách đến đây cũng thoả sức tang bồng trong các hội trại với những trò chơi dân gian, tái hiện những phong tục đậm đà bản sắc dân tộc. Đấy là chưa kể đến những anh hào của các phường võ cổ truyền cứ hàng năm dịp hội lại rủ nhau về đây tỉ thí thượng đài.
Đầu xuân trảy hội núi Voi, lúc day chân nhoi nhoi trên từng nhíp nhọn đá tai mèo, khi vuốt mềm tay hứng từng giọt nước cầu may ban từ thạch nhũ, rồi thả bước nhẩn nha dạo chơi trong rừng thông, tràm ríu rít tiếng chim kêu, chẳng phải đi đâu xa, núi Voi cũng xứng là niềm tự hào cho non nước Hải Phòng lắm chứ.
Gia Lê
14:29 23/11/2024