15:24 25/05/2019 Nếu không có gì thay đổi, thì học sinh các trường phổ thông trên địa bàn thành phố sẽ có 2 tháng nghỉ hè. Như vậy các em sẽ không còn phải mang gánh nặng về học thêm, sau một năm học dường như đã quá tải. Nhưng vấn đề đặt ra là, các em sẽ làm gì, chơi ở đâu, khi vấn đề sân chơi cho trẻ của thành phố vẫn là điều bất cập.
(Ảnh minh họa)
Nghỉ học cũng là chuyện… nan giải
Việc ngành giáo dục – đào tạo ban hành quy định các trường phổ thông không tổ chức học hè trong hai tháng 6 và 7 những năm gần đây, có thể coi là một giải pháp tích cực, trong bối cảnh việc dạy và học thêm vẫn còn nhiều điều đáng bàn.
Thay vào đó là việc định hướng phối hợp tổ chức các hoạt động tập huấn kỹ năng, trải nghiệm thực tế, bồi dưỡng năng khiếu cho thanh thiếu nhi… với mục đích để các em có một mùa hè vui, khỏe.
Nhưng lý thuyết là vậy, còn trên thực tế việc sắp xếp thời gian cho trẻ nghỉ hè lại là một bài toán khó đối với nhiều gia đình. Chị Lan là công nhân của một Công ty may tâm sự: “Cả hai vợ chồng em làm cùng Cty rất ít thời gian nghỉ, ông bà nội ngoại đều ở quê, con em mới 5 tuổi…”.
Vì vậy với chị Lan, giải pháp tốt nhất lại chính là cho con… học thêm ở trường, bởi theo chị Lan chia sẻ, học thêm thực chất là “thuê” trường quản trẻ, hơn nữa tính cả tiền ăn và học phí trả thêm vẫn rẻ hơn rất nhiều so với thuê người giúp việc.
Chị Lan cho biết thêm, cùng hoàn cảnh như vợ chồng chị, có gia đình phải gửi con về quê, xa cách nhớ nhung là một nhẽ, nhưng tâm lý phụ huynh rất lo lắng, bởi môi trường sống thay đổi không những ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ, mà còn nhiều nguy cơ khác rình rập.
Ở trường hợp khác, như vợ chồng anh Dũng đều là cán bộ ở quận Kiến An. Vụ hè năm trước, vợ chồng anh chọn giải pháp giao cậu lớn 10 tuổi quản lý cậu em 6 tuổi, cũng “bày đặt” bắt các con hoàn thành một số bài học do bố mẹ tự soạn. Nhưng chỉ được một tuần, nhìn nỗi khắc khổ của các con mà vợ chồng anh chị Dũng mủi lòng, đành phá bỏ vòng kiềm tỏa, anh Dũng nói: “Các cháu học cả năm rồi, không ép các cháu được nữa”.
Vậy nhưng theo anh Dũng, “nhốt” con trong nhà để rồi đến chỗ làm mà lúc nào cũng lo ngay ngáy, nào lo ti vi, máy tính nhiều điều nhạy cảm, nào lo hiểm nguy từ cháy, nổ, điện, nước… vì ai có thể lường trước được điều gì sẽ xảy ra đối với các cháu đằng sau mấy lớp cửa khóa chặt. Vả lại, như anh Dũng tâm sự, thì áp đặt phương pháp hà khắc quá, rất dễ đẩy các cháu tìm cách đối phó với chính bố mẹ mình.
Về chuyện sinh hoạt hè tập thể, dường như trách nhiệm này hiện Đoàn thanh niên phải gánh cả, nhưng có phải ở đâu cũng có điều kiện tổ chức cho học sinh? Thiếu không gian, thiếu kinh phí đã đành, nhưng giữa thời đại bùng nổ của công nghệ thông tin, chương trình sinh hoạt đủ sức hấp dẫn với trẻ mới là chuyện khó.
Thế nên, như chị Phương – một phụ huynh kể rằng, năm trước cháu lớn nhà chị học THCS đem về tờ giấy giới thiệu, mẹ con chị được cán bộ đoàn phường dặn dò: “Cứ đem về khi nào có sinh hoạt sẽ triệu tập!”, nhưng đợi mãi hết hè cũng chẳng được “gọi” lần nào. Năm nay con chị Phương lại đem về tờ giấy tương tự, chị nói: “Em vẫn phải ra phường, vì không có xác nhận của Đoàn phường thì vào năm học mới nhà trường gây khó khăn lắm…”.
Khó tìm chỗ dịch vụ hợp túi tiền
Mỗi khi hè về một số gia đình thường cho con vào các CLB chuyên đề như thể thao, võ thuật, âm nhạc, bơi lội… Nhưng ngay cơ sở phục vụ như Cung văn hóa thiếu nhi và hệ thống các nhà văn hóa quận, huyện hiện khó đáp ứng hết nhu cầu của học sinh.
Còn các tụ điểm du lịch dù thành phố có khá nhiều, nhưng không thể đáp ứng nhu cầu thường xuyên cho trẻ em, hơn nữa đây cũng chỉ là phân khúc chủ yếu dành cho những gia đình dư dả, còn lại phần lớn các gia đình nghèo đành để con cái mình “trôi tự do”.
Theo khảo sát qua một số gia đình làm nghề lao động phổ thông hoặc viên chức nghèo, hầu như phụ huynh không có kế hoạch vui chơi cho trẻ trong dịp nghỉ hè. Tất cả vì thiếu thời gian và hạn hẹp về kinh tế, vì có dành dụm giỏi đến mấy cũng may ra cũng chỉ đủ cho con đi “dạo” ở các khu du lịch, vườn trẻ, công viên, thậm chí chỉ là siêu thị một đôi lần.
Đã từ lâu, thành phố không còn sân chơi công cộng miễn phí dành cho trẻ, tài sản duy nhất là vườn hoa Kim Đồng đã đi xuyên qua hai thế kỷ, sau một thời gian trở thành tụ điểm dịch vụ tư nhân, giờ cũng đang thực hiện chủ trương cử thành phố chuyển về Cung văn hóa thiếu nhi, đồng nghĩa với việc tạm ngừng trệ các hoạt động dịch vụ?
So với các địa phương lân cận, Hải Phòng từng có cơ sở hạ tầng vui chơi giải trí cho mọi tầng lớp nói chung và trẻ em nói riêng đáng để tự hào. Nhưng mấy năm gần đây, mảng thị trường dịch vụ cho trẻ em cứ co cụm dần, trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt và đang nguy cơ trên đường đi đến chỗ… tự tiêu.
Trao đổi với một số người từng tham gia dịch vụ này, những nguyên nhân chính được đưa ra: thiết bị hầu hết đã qua sử dụng được thải từ các khu vui chơi phía Nam nhưng khối lượng vốn vẫn rất lớn, giá thuê mặt bằng cao, đầu tư manh mún nhưng chủ đầu tư lại muốn thu hồi vốn nhanh… những nguyên nhân này đẩy giá dịch vụ lên cao, nên không đảm bảo được tính thường xuyên cho đại đa số khách hàng.
Bà T.- Một chủ sân chơi than rằng, nghề này chỉ làm ăn theo vụ, mùa rét mướt mưa phùn thì đóng cửa hàng loạt, ngay cả mùa hè thì cũng chỉ đông vào hai ngày cuối tuần và một lát buổi tối. Bởi vậy, bài toàn về đầu tư dịch vụ vui chơi cho trẻ ngày càng gặp khó.
Còn một nguyên nhân rất quan trọng nhưng thuộc về lĩnh vực khác, đó là sự bùng nổ của công nghệ thông tin trong lĩnh vực giải trí, với sức hút của hệ thống khổng lồ đến từ không gan mạng đã góp phần cộng hưởng, bóp chết các ngành dịch vụ truyền thống. Trong khi đó thật khó có thể trông chờ vào sự đầu tư từ nguồn ngân sách, vì việc xã hội hóa các dịch vụ là xu thế tất yếu của kinh tế thị trường.
Nhưng hệ quả tồn tại của Hải Phòng có lẽ do tính chất dở dang trên đường đi theo xu thế này. Việc xã hội hóa trên nền tảng cơ sở hạ lửng lơ giữa bao cấp và tự chủ đã dẫn đến việc tận thu theo tư duy thời gian, mà thiếu hẳn một sự phát triển kết nối. Cùng với đó là sự hạn chế về tầm nhìn chiến lược cũng như văn hóa trong kinh doanh, tự bản thân nó đã “đuổi khéo” khách hàng, không phải người trong cuộc nào cũng nhận ra, làm khổ cho cả người mua và người bán. Đây là điều chưa thể nói đến giải pháp hữu hiệu trong tương lai gần.
Thiết nghĩ, dịch vụ sân chơi trẻ vừa là thị trường những cũng là một ngành khoa học giáo dục, việc quan tâm định hướng có ý nghĩa rất quan trọng cho tương lai của trẻ. Giá như được thỏa mãn, thì các cháu chẳng phải ở nhà cận mắt ôm lấy màn hình xem phim siêu nhân hay các trò trên mạng. Tiếc rằng, trong khi các công trình dành cho người lớn đang tưng bừng, thì sân chơi cho trẻ em ngày càng lâm vào tình cảnh yếu kém. Nhất là vào thời điểm này, khi tiếng trống hè đã điểm.
Lê Minh Thắng
14:29 23/11/2024