Trên 2.500 người bị lừa tiêm vaccine giả tại Ấn Độ

21:45 04/07/2021

Cảnh sát Ấn Độ ngày 25/6 cho biết khoảng 2.000 người tại Mumbai và 500 người, chủ yếu là người khuyết tật, ở Kolkata đã bị lừa tiêm vaccine ngừa COVID-19 giả.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, cảnh sát Mumbai cho biết đã tiến hành điều tra sau khi 2.000 người cho rằng đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 bằng dung dịch nước muối. Cho đến nay, đã có 10 người bị bắt giữ, trong đó có 2 bác sĩ tại một bệnh viện tư nhân. Các đối tượng lừa đảo này đã nhắm tới những người ở các khu nhà cao cấp.

Lực lượng chức năng đã phát hiện các đối tượng này đã thiết lập 8 cơ sở tiêm chủng, đồng thời thu giữ được 1,24 triệu rupee (16.700 USD) tiền mặt.

Trong khi đó, cảnh sát Kolkata cũng đã bắt giữ 1 người đàn ông tự nhận là công chức nhà nước, có bằng thạc sĩ về di truyền học, đã điều hành 8 cơ sở tiêm chủng. Ít nhất 250 người khuyết tật và chuyển giới đã được tiêm vaccine giả tại 1 trong số các cơ sở này. Tổng cộng đã có gần 500 người được cho là đã bị tiêm phải vaccine ngừa COVID-19 giả ở thành phố này.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Guwahati, Ấn Độ, ngày 21/6/2021.

Giới chức Kolkata cho biết các lọ vaccine giả mạo bị thu giữ, được dán nhãn vaccine của AstraZeneca, với tên thương mại tại Ấn Độ là Covishield. Lực lượng chức năng cũng đã phát hiện nhãn vaccine Covishield được dán đè lên thuốc Amikacin Sulphate 500 mg - một loại kháng sinh được sử dụng để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu, xương, não, phổi và máu.

Vụ lừa đảo được đưa ra ánh sáng sau khi nữ diễn viên kiêm chính trị gia, Mimi Chakraborty, được tiêm phòng tại 1 cơ sở, nghi ngờ và báo cảnh sát. Cảnh sát đã thu giữ thẻ căn cước giả của nghi phạm.

Hiện nhiều người đã được tiêm đang rất "hoảng loạn" do lo sợ tác dụng phụ của vaccine giả.

Tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Ấn Độ đã tăng mạnh trong tuần này, sau khi chính phủ nước này triển khai tiêm miễn phí vaccine ngừa COVID-19, sau làn sóng dịch bệnh gia tăng hồi tháng 4 và 5 vừa qua.

* Trong khi đó, Đan Mạch cho biết nước này sẽ vẫn không sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca và Johnson & Johnson trong chương trình tiêm chủng, sau khi xem xét các dữ liệu an toàn mới.

Đan Mạch là quốc gia đầu tiên đình chỉ và loại bỏ hoàn toàn vaccine ngừa COVID-19 của Johnson & Johnson và AstraZeneca vào tháng 4 và 5 vừa qua do lo ngại về độ an toàn của những vaccine này liên quan đến việc hình thành huyết khối, phản ứng phụ hiếm gặp song rất nghiêm trọng.

Thống kê cho thấy 2,4% dân số Đan Mạch đã tiêm đầy đủ các mũi vaccine của Johnson & Johnson, và chỉ 0,1% tổng số người dân nước này đã tiêm đủ 2 mũi vaccine của AstraZeneca.

* Tại Iran, ngày 25/6, Lãnh tụ tinh thần tối cao, Đại giáo chủ Ali Khamenei đã tiêm phòng COVID-19 bằng loại vaccine lần đầu tiên được phát triển và sản xuất trong nước.

Truyền thông Iran đã phát đi hình ảnh ông Khamenei được tiêm vaccine COVIran Barekat gồm 1 mũi, do các nhà khoa học trẻ nước này nghiên cứu, phát triển.

Trước đó, vaccine COVIran Barekat đã trải qua 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, trong đó giai đoạn cuối có sự tham gia của 20.000 tình nguyện viên ở thủ đô Tehran và các thành phố Bushehr, Shiraz, Karaj, Mashhad và Isfahan.

Iran là một trong những quốc gia Trung Đông chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Đến nay, nước này đã ghi nhận trên 3,1 triệu ca mắc, trong đó có 83.500 người không qua khỏi. Hiện Iran đang trong quá trình thử nghiệm 4 loại vaccine ngừa COVID-19 khác.

Theo TTXVN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông