Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới: Nhiều băn khoăn trước giờ G

    16:20 13/01/2020

    Thời gian chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới chỉ còn chưa đầy 1 học kỳ. Vừa gấp rút hoàn tất chương trình để học sinh khối lớp 5 ra trường, vừa chuẩn bị bước vào năm học mới có sự kiện thay sách, các thầy cô giáo dự kiến đón lớp Một năm học tới không ít băn khoăn. Nhiều nhà trường gặp khó khi thiếu cả phòng học và giáo viên để đáp ứng yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày...

    Các thầy cô giáo băn khoăn chọn sách giáo khoa lớp 1 theo Chương trình GDPT mới

    Lo việc học 2 buổi/ngày

    Chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc Tiểu học được thiết kế thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày không quá 7 tiết. Thực tế, số lượng học sinh Hải Phòng tăng hàng năm; riêng bậc Tiểu học ở Hải Phòng hiện có 237 trường, với tổng số 5.058 lớp, tăng 9 lớp so với năm học trước; 192.141 học sinh, tăng so với năm học trước 5.349 học sinh. Để đáp ứng đủ chỗ học cho học sinh, hầu hết các trường đều tăng sĩ số học sinh/lớp, giảm tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày. Thống kê trong năm học này, tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày bậc Tiểu học bình quân toàn thành phố mới đạt tỷ lệ 65,3%, giảm so với năm học trước 3,56%. Tuy nhiên có những quận, huyện đạt tỷ lệ rất thấp, chỉ khoảng 20%. Số học sinh đăng ký ăn bán trú: 50.406 học sinh, đạt tỷ lệ 26,2%. Tổng số trường có bếp ăn bán trú là 106 trường, tương ứng tỉ lệ 44,7%. Số học sinh học ngoại ngữ: 185.723, đạt tỷ lệ 96,83%, tăng so với năm học trước 3,31%. Số học sinh học tin học: 75.373, đạt tỷ lệ 39, 3%, tăng so với năm học trước 7,41%.

    Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học - Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng Trần Thu Hằng lo lắng, để đảm bảo toàn bộ học sinh được học 2 buổi/ngày như yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới là một thách thức không nhỏ với thành phố, nhất là với những quận, huyện đang áp lực về gia tăng dân số cơ học, khó khăn về mạng lưới trường lớp. "Chương trình giáo dục phổ thông mới, nếu dạy 2 buổi thì học sinh học 7 tiết/ngày, tổng cộng 35 tiết/5 ngày/tuần. Nếu chỉ dạy 1 buổi/ngày thì không thể đảm bảo được nội dung kiến thức cho học sinh. Mặt khác, tỷ lệ học sinh/lớp vượt cao so với quy định cũng là thách thức đặt ra", Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học bày tỏ băn khoăn.

    Một trong những địa phương đầu tư mạnh mẽ cơ sở vật chất để bắt kịp tốc độ tăng dân số cơ học nhưng tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày ở bậc Tiểu học của quận Ngô Quyền dù cố gắng hết mức mới chỉ đạt 62,2%. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ngô Quyền Trần Thị Hồng Hiệp cho biết, đến thời điểm hiện tại, 100% các trường tiểu học trên địa bàn quận đã có đủ phòng học đảm bảo học sinh lớp 1 năm học 2020-2021 được học 2 buổi/ngày, đã sẵn sàng tâm thế thực hiện những công việc tiếp theo cho thay sách giáo khoa lớp 1 năm học tới. Tuy nhiên, Trưởng phòng GD-ĐT quận Ngô Quyền cũng khẳng định, do số học sinh đông, quỹ phòng học hạn chế nên việc triển khai dạy học 2 buổi/ngày đối với học sinh từ khối 1 đến khối 5 là không thể thực hiện được và phần lớn các trường đều lo lắng trong việc lựa chọn sách giáo khoa lớp Một năm học 2020-2021.

    Gặp khó trong bố trí giáo viên

    Thiếu và mất cân đối cơ cấu giáo viên là một trong những khó khăn cơ bản khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới tại Hải Phòng. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, thành phố hiện có hơn 7.000 giáo viên Tiểu học, tỷ lệ 1,29 giáo viên/lớp. Số giáo viên này chưa đáp ứng để tổ chức dạy đủ các môn học và dạy học 2 buổi/ngày đối với bậc Tiểu học (1,5 giáo viên/lớp).

    Mặt khác, cơ cấu đội ngũ chưa hợp lý, thành phố thiếu trầm trọng giáo viên các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục (còn thiếu 139 giáo viên Tin học, 122 giáo viên tiếng Anh, 121 giáo viên Thể dục, 48 giáo viên Mỹ thuật, 47 giáo viên Âm nhạc). Đặc biệt, điều này càng trở nên khó khăn khi chương trình giáo dục phổ thông mới yêu cầu 2 môn tiếng Anh và Tin học là môn bắt buộc (từ năm học lớp 3), tạo áp lực lớn đối với thành phố trong việc đáp ứng đủ số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên.

    Nói về thực trạng này, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Kiến An Bùi Thị Tuyết Mai cho hay, quận khó khăn trong bố trí giáo viên. Hiện nay, số giáo viên mới được bổ sung định biên là dựa trên nhu cầu của năm học trước. Còn số giáo viên thiếu của năm học này lại phải đợi đến năm sau mới được bổ sung. Trong khi, theo quy định thì quận, các nhà trường không được ký hợp đồng tuyển giáo viên, mà có ký cũng không thể trả lương. Do vậy, không những khó khăn về cơ sở vật chất do đa phần diện tích các trường tiểu học trên địa bàn quận rất chật hẹp, ngành GD-ĐT quận còn gặp khó về giáo viên, nhất là giáo viên Tin học, Ngoại ngữ.

    Hàng năm, các quận đều có nhu cầu tuyển giáo viên tiếng Anh, Mỹ thuật, Âm nhạc nhưng thực tế rất khó tuyển dụng. Sở dĩ việc tuyển giáo viên một số môn ở bậc Tiểu học khó khăn, nhất là giáo viên tiếng Anh là do quy định tuyển dụng còn bất cập như bắt buộc phải tốt nghiệp sư phạm; đặc biệt, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng là một rào cản lớn, khi giáo viên bộ môn rất dễ tìm kiếm công việc khác với thu nhập cao hơn.

    Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Thị Hòa, để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, Sở đã phối hợp với các đơn vị tập huấn giáo viên cốt cán; chuẩn bị bồi dưỡng đại trà cho toàn bộ giáo viên của thành phố. Mặt khác, trên tinh thần đổi mới, từ chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, các trường đều chủ động xây dựng kế hoạch dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học; qua đó giúp giáo viên làm quen, tránh bỡ ngỡ khi chính thức triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

    Tại cuộc họp triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới tại Hải Phòng, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Khắc Nam chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ UBND các quận, huyện đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và thiết bị dạy học cho cấp tiểu học nhằm đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đề ra. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, đào tạo lại, tập huấn giáo viên bậc tiểu học cần được tổ chức thường xuyên, liên tục để người dạy thành thục các thao tác, kỹ năng mới, góp phần giữ vững vị trí tốp đầu của ngành Giáo dục thành phố. Qua đó đưa Hải Phòng trở thành trung tâm giáo dục - y tế của vùng Duyên hải Bắc bộ theo đúng tinh thần Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

    HẢI HẬU

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông