Triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị về phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng và xúc tiến đầu tư vùng

17:21 12/02/2023

Sáng 12-2, tại tỉnh Quảng Ninh diễn ra hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết số 30 ngày 23-11-2022 của Bộ Chính trị về phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng và xúc tiến đầu tư vùng với chủ đề "Liên kết phát triển - Đổi mới sáng tạo - Xanh và Bền vững".
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị

         Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì. Cùng dự có các đồng chí: Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Trần Hồng Hà, Phó thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và 11 địa phương Vùng đồng bằng sông Hồng; đại diện các đại sứ quán, tổ chức quốc tế tại Việt Nam cùng các đối tác phát triển, các hiệp hội doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước...

                            

Lãnh đạo thành phố Hải Phòng dự hội nghị

          Về phía thành phố Hải Phòng có các đồng chí: Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy; Nguyễn Văn Tùng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Đỗ Mạnh Hiến, Phó bí thư Thường trực Thành ủy; Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng; lãnh đạo các ngành: Kế hoạch và Đầu tư; Công Thương; Lao động- TBXH; Văn hóa- Thể thao…

                                         Các địa phương xây dựng kế hoạch, chương trình hành động trước 28-2-2023

          Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày nghị quyết số 14 ngày 8-2-2023 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết 30 của Bộ Chính trị về phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng.

          Chương trình hành động của Chính phủ được xây dựng trên cơ sở bám sát quan điểm, mục tiêu nêu trong Nghị quyết số 30-NQ/TW nhằm xây dựng đồng bằng sông Hồng là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái; là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, xã hội số, y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đồng bộ, hiện đại, thông minh; hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới thông minh xanh, bền vững phù hợp với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.  

                            

Quang cảnh hội nghị

           Chương trình hành động cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu tại Nghị quyết số 30 bằng những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực của Chính phủ gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện theo lộ trình cụ thể nhằm đạt được các mục tiêu đề ra; là căn cứ để các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của từng bộ, cơ quan và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, phấn đấu cao nhất đạt được các mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 30. Đồng thời thể hiện được vai trò kiến tạo, điều phối của Chính phủ theo tinh thần đồng hành cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng quyết tâm phấn đấu để sớm đạt được các mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.  

                   

Các đại biểu dự hội nghị

           Chương trình hành động của Chính phủ thể hiện quyết tâm phấn đấu đạt các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030:Tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 9%/năm. Đến năm 2030, GRDP vùng tăng khoảng 3 lần so với năm 2020 (giá hiện hành), trong đó nông, lâm và thủy sản chiếm khoảng 3,5%, công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 47%, dịch vụ chiếm khoảng 41%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm khoảng 8,5%. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 274 triệu đồng/người/năm. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 7%. Đóng góp bình quân của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng giai đoạn 2021-2030 đạt 55%. Kinh tế số đạt khoảng 35% GRDP.

       Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 55%. 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia: Mầm non đạt 76%, tiểu học đạt 95%, trung học cơ sở đạt 90%, trung học phổ thông đạt 68%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 48 - 52%, tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức dưới 3%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm khoảng 1,5%/năm. Đạt 32 giường bệnh/vạn dân và 11 bác sỹ/vạn dân.

         Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95% dân số. - Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch theo quy chuẩn ở thành thị đạt 100%, ở nông thôn đạt 85%; 100% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%; tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý theo quy định đạt 98%. Giảm ít nhất 9% lượng phát thải khí nhà kính. 

         Trên cơ sở đó, Chương trình hành động của Chính phủ đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của nghị quyết 30. Cụ thể, khẩn trương tuyên truyền, quán triệt, triển khai nghị quyết; chương trình hành động của Chính phủ; hoàn  thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; tập trung phát triển kinh tế vùng; phát triển hệ thống đô thị bền vững và kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội hiện đại; phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; phát triển GDĐT, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển VHXH, nâng cao đời sống nhân dân; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm vững chắc QPAN, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị…

         Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành Trung ương; các địa phương khẩn trương thực hiện hiệu quả, thực chất, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra tại nghị quyết 30 và Chương trình hành động của Chính phủ. Trước ngày 28-2-2023 xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch hành động triển khai nghị quyết 14 của Chính phủ, xác định rõ, đầy đủ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, tiến độ thực hiện, dự kiến kết quả đối với từng nhiệm vụ, giải pháp và phân công đơn vị chủ trì thực hiện. 

                                                               Hải Phòng phát huy vai trò động lực phát triển

          Tại hội nghị, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương phát biểu tham luận, làm rõ nhiều nội dung của nghị quyết 30 và thể hiện quyết tâm, đề xuất nhiều giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi nghị quyết 30 và chương trình hành động của Chính phủ. Nội dung các tham luận đề câp tới phát triển đồng bộ mạng lưới giao thông vận tải Vùng đồng bằng sông Hồng hiện đại, liên kết vùng và quốc tế; giải pháp phát triển Vùng trở thành trung tâm khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo hàng đầu cả nước; giải pháp đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ cao, từng bước tham gia sâu vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu tại Vùng; giải pháp phát triển thị trường lao động gắn kết cung cầu lao động Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước; phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố thông minh, hiện đại, có bản sắc; động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước…

                                    

Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng phát biểu tại hội nghị

          Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng phát biểu tham luận với chủ đề: “Phát triển bền vững kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh để trở thành trung tâm đô thị - dịch vụ - du lịch kết nối với khu vực và thế giới”. Đồng chí Chủ tịch UBND thành phố nêu rõ, mặc dù bị ảnh hưởng biến động của thế giới và dịch bệnh COVID-19, thành phố Hải Phòng vẫn phát triển mạnh mẽ. Tiềm lực quốc phòng được tăng cường, an ninh trật tự được bảo đảm; khu vực biên giới hải đảo được giữ vững. Tốc độ tăng trưởng GRDP những năm gần đây đạt từ 12-16%/năm; chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng từ 14-25,3%/năm; tổng thu ngân sách vượt mốc 100.000 tỷ đồng, năm 2022 đạt 109.000 tỷ đồng.

   

Gian trưng bày của thành phố Hải Phòng tại hội nghị

          Chính nhờ vậy, Hải Phòng tập trung đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông để kết nối vùng, như cải tạo sân bay quốc tế Cát Bi; xây dựng tuyến đường bộ ven biển; cải tạo các nút giao thông trong nội đô… Đặc biệt là xây dựng nhiều cây cầu vượt sông để kết nối với các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Thái Bình. Tỉnh Quảng Ninh đầu tư và đưa cầu Bạch Đằng vào hoạt động nhiều năm nay. Cùng với đó, Trung ương đầu tư xây dựng đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng; cầu Tân Vũ- Lạch Huyện và hạ tầng Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, được xếp trong nhóm 21 Cảng biển lớn nhất thế giới; 2 bến cảng nước sâu đã vượt công suất, hiện đang đầu tư xây dựng 4 bến cảng tiếp theo. Với sự quan tâm của Trung ương và các địa phương nên thành phố Hải Phòng đã có hệ thống giao thông kết nối vùng tương đối hoàn chỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho Hải Phòng là trung tâm của khu vực.

                  

Các đồng chí lãnh đạo thành phố thăm gian trưng bày của thành phố Hải Phòng tại hội nghị

          Để đạt được mục tiêu: Hải Phòng là trung tâm đô thị, dịch vụ, du lịch kết nối với khu vực và thế giới, trong những năm tới, Hải Phòng sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng. Theo đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối  vùng. Trong đó, sẽ sử dụng ngân sách của địa phương xây dựng tuyến cao tốc ven biển đoạn qua Hải Phòng; cải tạo mở rộng quốc lộ 10 các đoạn còn lại; cải tạo các tuyến đường thủy trên địa bàn; đầu tư xây dựng và hoàn thiện các bến cảng còn lại tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; khởi động xây dựng cảng biển quốc tế nam Đồ Sơn.

        Đồng thời, đầu tư mở rộng Khu Kinh tế Đình Vũ- Cát Hải; xây dựng và hoàn thiện nhiều khu công nghiệp để kêu gọi các nhà đầu tư về logictisc và các nhà đầu tư phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp công nghệ cao; phát triển và mở rộng không gian đô thị theo 3 hướng mà nghị quyết 45 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ. Đó là phát triển đô thị hướng biển và di chuyển Trung tâm Chính trị Hành chính của thành phố về phía bắc sông Cấm, phấn đấu Hải Phòng là thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.

          Hải Phòng cũng sẽ ưu tiên và tập trung đầu tư hạ tầng các khu du lịch tại đảo Cát Bà và Đồ Sơn để trở thành trọng điểm du lịch sinh thái biển và nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế. Đồng thời, tập trung thu hút các nhà đầu tư lớn về phát triển điện gió tại khu vực đảo Bạch Long Vĩ, tiến tới hạn chế hoạt động của các nhà máy nhiệt điện. Quan trọng nhất là tập trung cao độ cho việc hoàn thành đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng vì đây đang là điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển của thành phố… Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng khẳng định, với quyết tâm thực hiện các chủ trương nêu trên, thành phố Hải Phòng sẽ sớm trở thành động lực phát triển của vùng Bắc bộ và cả nước.

          5 quan điểm phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng

           Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính hủ phân tích, làm rõ vai trò, vị thế; sự đóng góp của Vùng đồng bằng sông Hồng với cả nước; nêu lên những thành tựu nổi bật; chỉ rõ hạn chế, yếu kém và nguyên nhân; định hướng phát triển và những công việc cần làm trong thời gian tới.

          Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành và đặc biệt là các địa phương trong vùng nghiêm túc quán triệt 5 quan điểm phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng trong Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm: "Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vượt trội để phát triển nhanh, bền vững Vùng đồng bằng sông Hồng thực sự là vùng động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước".

          Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu quán triệt, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển Vùng theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu  kết luận

          Trong đó, cần đặc biệt quan tâm tập trung một số lĩnh vực gồm hạ tầng chiến lược kết nối (gồm hạ tầng cứng và mềm, hạ tầng giao thông, văn hóa, giáo dục, y tế…), chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, bảo vệ môi trường.

          Thủ tướng cũng yêu cầu phải có phản ứng chính sách nhanh, kịp thời, hiệu quả trên cơ sở bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Đặc biệt, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, lựa chọn ưu tiên phù hợp, triển khai công việc có trọng tâm, trọng điểm; làm đến đâu chắc đến đó, việc nào dứt việc đó.

          Đồng thời, phát huy mạnh mẽ các nguồn lực cả công và tư; kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài, trong đó nguồn nội lực  là cơ bản, lâu dài, chiến lược, quyết định; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá, thường xuyên. Cùng với đó, tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất, liêm chính, dân chủ; hành động thiết thực, hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.

     Thủ tướng mong muốn các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương tập trung thực hiện tốt tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Cả nước vì đồng bằng sông Hồng; đồng bằng sông Hồng vươn lên cùng cả nước và vì cả nước".

          Tại hội nghị, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà trao  Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040. Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các đối tác phát triển công bố  thỏa thuận hợp tác,thư bày tỏ quan tâm tài trợ  20 dự án tại Vùng đồng bằng sông Hồng trị giá 2,6 tỷ USD, tập trung vào các dự án giao thông, thủy lợi, ứng phó với biến đổi khí hậu. Lãnh đạo các địa phương trao giấy chứng nhận đầu tư, biên bản ghi nhớ cho các doanh nghiệp, đối tác trong và ngoài nước trị giá hàng tỷ USD.

    

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư  cho các dự án

      Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố trao giấy Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án, gồm: Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán và cho thuê cho Công ty Cổ phần Thái  - Holding với  tổng vốn đầu tư gần 4.900 tỷ đồng; dự án nghiên cứu, phát triển và sản xuất Cell Pin 1 cho Công ty Cổ phần Giải pháp năng lượng VinES có tổng vốn đầu tư gần 3.300 tỷ đồng; dự án khai thác tàu container cho Zim Integrated shipping services Ltd., và Công ty Cổ phần xếp dỡ Hải An vốn đầu tư 1383 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Tràng Duệ 3 cho Công ty CP KCN Sài Gòn- Hải Phòng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cắt băng khai mạc triển lãm ảnh nghệ thuật "Vùng Đồng bằng sông Hồng: Liên kết phát triển - Đổi mới sáng tạo - Xanh và Bền vững"
Thủ tướng Phạm Minh Chính; lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương tham quan gian hàng Hải Phòng

     Trước khi khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự khai mạc và tham quan Triển lãm Ảnh nghệ thuật với chủ đề "Vùng Đồng bằng sông Hồng: Liên kết phát triển - Đổi mới sáng tạo - Xanh và Bền vững" và gian hàng trưng bày sản vật đặc trưng, sản phẩm công nghiệp và tư liệu xúc tiến đầu tư của các địa phương trong Vùng, trong đó có gian hàng của thành phố Hải Phòng./.

                                                                                                                                            Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông