Triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm

15:11 07/07/2020

Sáng 7/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị sơ kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.

Hội nghị trực tuyến tại 63 điểm cầu trên cả nước, với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đại diện các cơ quan tài chính tại địa phương. Dự và chủ trì tại điểm cầu Hải Phòng có Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Nguyễn Xuân Bình; cùng dự có đại diện lãnh đạo Sở Tài chính, Kho bạc nhà nước, Cục Thuế, Cục Hải quan thành phố...

 

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu trung ương

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày báo cáo về công tác tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm 2020 và kế hoạch triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020. Theo đó, những tháng đầu năm Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy vậy, Việt Nam vẫn duy trì được các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

 6 tháng đầu năm 2020, tổng thu NSNN ước đạt 44,2% dự toán, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là năm có tiến độ thu ngân sách đạt thấp nhất kể từ năm 2013, trong đó, thu nội địa giảm hơn 7%, thu dầu thô đạt 59,7% dự toán. Theo Bộ Tài chính, kết quả này phản ánh thực trạng nền kinh tế hiện nay, cho thấy tình hình hoạt động của doanh nghiệp thực sự gặp nhiều khó khăn.

Tính đến cuối tháng 6, cơ quan thuế đã tiếp nhận, xử lý kịp thời, đúng quy định 149.000 đề nghị gia hạn thuế, tiền thuê đất của doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh; tổng số tiền được gia hạn khoảng 43.000 tỷ đồng, thấp hơn so với dự báo (khoảng 180.000 tỷ đồng) do khi tính toán tác động dựa trên tình hình thực hiện những tháng cuối năm 2019, chưa dự báo được những khó khăn nghiêm trọng của kinh tế 6 tháng đầu năm 2020.

Về tổng chi NSNN, tính đến hết tháng 6 ước đạt 41,8% dự toán, trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 33,1% dự toán, chi trả nợ lãi đạt 50,3% dự toán, chi thường xuyên đạt 48,2% dự toán. Đến nay NSNN đã chi khoảng 15.300 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trong đó chi cho công tác phòng chống dịch là 4.100 tỷ đồng; chi hỗ trợ cho hơn 11 triệu đối tượng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ khoảng 11.300 tỷ đồng.

Về giải ngân vốn đầu tư phát triển, tiến độ giải ngân 6 tháng đầu năm đạt 33,1% dự toán. So với tổng vốn đầu tư công được phép giải ngân trong năm 2020 (bao gồm cả nguồn các năm trước chuyển sang) thì mới đạt xấp xỉ 29% dự toán...

6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã rà soát, bãi bỏ 28 thủ tục hành chính, sửa đổi, bổ sung 35 thủ tục và ban hành mới 30 thủ tục trong các lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc, công sản, kế toán, kiểm toán. Bộ Tài chính đã cắt giảm 89 đầu mối cấp phòng thuộc cơ quan thuế; giải thể 6 Kho bạc Nhà nước cấp huyện. Tính chung từ năm 2018 đến nay, đã rà soát, sắp xếp, cắt giảm được 2.985 đầu mối hành chính.

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Nguyễn Xuân Bình phát biểu tại điểm cầu Hải Phòng

Phát biểu tham luận tại điểm cầu Hải Phòng, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Nguyễn Xuân Bình cho biết: 6 tháng đầu năm, Hải Phòng đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của trung ương trong công tác phòng chống dịch Covid – 19, đến nay thành phố chưa để xảy ra ca dương tính với Covid – 19. Bên cạnh đó, kinh tế - xã hội của thành phố tiếp tục đạt được mức tăng trưởng với tổng sản phẩm trên địa bàn tăng gần 11%, là mức tăng trưởng cao nhất cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 38.190 tỷ đồng, đạt 42% dự toán TW giao và bằng 88% so với cùng kỳ. Trong đó thu Hải quan đạt hơn 23.430 tỷ đồng, bằng 41% dự toán TW giao và 77% so với cùng kỳ. Thu nội địa đạt hơn 13.790 tỷ đồng, đạt 45% dự toán TW giao, bằng 113% so với cùng kỳ. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 58,63% kế hoạch Thủ tướng giao...

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: “Để phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và Ngân sách nhà nước năm 2020 đã được Quốc hội quyết định, đòi hỏi nỗ lực phấn đấu rất lớn của các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương”. Để đạt được mục tiêu này, Bộ Tài chính đưa ra 10 nhóm giải pháp. Trong đó, sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, tăng cường thu hút vốn đầu tư cho phát triển kinh tế; tổ chức thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu Ngân sách nhà nước năm 2020, quyết tâm thu đạt mức cao nhất dự toán Quốc hội quyết định.

Đồng thời, tổ chức điều hành, quản lý chi Ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định, nâng cao hiệu quả sử dụng Ngân sách nhà nước; tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, nợ của chính quyền địa phương; tăng cường công tác quản lý giá, thị trường, tiếp tục phát triển đồng bộ các loại hình thị trường tài chính; đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, hiệu lực, hiệu quả và đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập, giá dịch vụ công.

Bộ Tài chính sẽ siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch trong thu, chi Ngân sách nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý, sử dụng tài sản công, đất đai, tài nguyên, khoáng sản...; chủ động hợp tác, hội nhập tài chính quốc tế; chuẩn bị tốt các điều kiện và tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán Ngân sách nhà nước năm 2021, kế hoạch tài chính – Ngân sách nhà nước 3 năm 2021-2023...

PV

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông