Triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc gia cầm các tháng cuối năm

09:16 27/10/2021

Theo Bộ NN&PTNT, từ đầu năm 2021 đến nay, một số dịch bệnh nguy hiểm như: Dịch tả lợn Châu Phi, Viêm da nổi cục trâu bò, Lở mồm long móng gia súc, Cúm gia cầm…, còn xảy ra trên diện rộng, gây tổn thất lớn về kinh tế (trên 2.000 tỷ đồng); bệnh Dại làm 42 người tử vong, khoảng 500.000 người phải điều trị dự phòng (gây tổn thất trên 740 tỷ đồng).
Đàn gia cầm cần được chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học

Theo dự báo, từ nay đến cuối năm và đầu năm 2022, tổng đàn gia súc, gia cầm (GSGC) lớn, có thể tiếp tục gia tăng phục vụ nhu cầu tiêu dùng Tết Nguyên đán. Trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm tỷ trọng lớn thì tỷ lệ GSGC được tiêm phòng thấp; tỷ lệ lưu hành các loại mầm bệnh cao, phạm vi rộng. Trong đó, có một số mầm bệnh tồn tại lâu ngoài môi trường, chưa có thuốc điều trị cũng như vắc xin phòng bệnh (như Dịch tả lợn Châu Phi). Thêm vào đó, thời tiết biến động bất lợi (mưa, rét, gió mùa), tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, lây lan; công tác phòng, chống dịch bệnh động vật chịu ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, nhất là tại các địa phương phải thực hiện giãn cách… Tất cả những yếu tố trên khiến cho nguy cơ xảy ra các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi là rất cao.

Chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn gia cầm

Tại Hải Phòng, đã qua hơn một năm bệnh Cúm gia cầm và 5 tháng bệnh Viêm da nổi cục trâu, bò được khống chế trên địa bàn thành phố. Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra từ ngày 24-6 đến 16-10 tại 10 hộ, thuộc 4 xã trên địa bàn huyện Cát Hải, khiến 197 con lợn, trọng lượng 14.965 kg buộc phải tiêu huỷ. Đáng chú ý, kết quả giám sát sự lưu hành vi rút Cúm gia cầm, Dịch tả lợn Châu Phi 9 tháng qua của lực lượng chức năng đã phát hiện 1,85% mẫu dương tính vi rút Cúm gia cầm A/H5N6 và 5,07% mẫu dương tính vi rút gây bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Kết quả này cho thấy nguy cơ dịch bệnh động vật có thể bùng phát, lây lan gây tác hại cho sản xuất chăn nuôi, an sinh xã hội trên địa bàn thành phố bất cứ lúc nào nếu không chủ động làm tốt công tác phòng dịch.

Để tăng cường các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh động vật, Chủ tịch UBND TP yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, quận, các Sở, ngành thành viên Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh động vật thành phố khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung sau:

Chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn gia cầm

Chủ tịch UBND các huyện, quận chỉ đạo các phòng, ban chức năng, UBND xã, phường, thị trấn: tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo các Quyết định của UBND TP đã phê duyệt về kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2021 và các kế hoạch phòng chống dịch bệnh động vật giai đoạn 2021 – 2025; tăng cường công tác giám sát dịch tới tận cơ sở, hộ chăn nuôi; phát hiện, xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh, không để dịch lây lan ra diện rộng. Đồng thời thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch tại các địa phương, đơn vị, vùng ổ dịch cũ; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong công tác phòng chống dịch. Khẩn trương rà soát, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm đợt 2/2021, Viêm da nổi cục trâu bò đảm bảo kế hoạch thành phố giao.

Khâu giết mổ, vận chuyển GSGC, sản phẩm từ GSGC cần được kiểm soát chặt chẽ

Tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc người chăn nuôi chủ động tiêm phòng mới, tiêm nhắc lại, tiêm phòng vắc xin bổ sung cho đàn vật nuôi đảm bảo tỷ lệ tối thiểu 80% tổng đàn thuộc diện tiêm phòng; đặc biệt đối với bệnh Cúm gia cầm, Niu-cát-xơn ở gà, Lở mồm long móng gia súc, Dịch tả lợn, bệnh Dại; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định; chủ động bố trí các nguồn kinh phí triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn; tăng cường công tác quản lý hoạt động giết mổ GSGC trên địa bàn. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người dân nhận thức rõ nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, gây tác hại đối với sản xuất chăn nuôi, VSATTP…; chủ động phối hợp cùng cán bộ thú y, chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật tại cơ sở.

Sở NN&PTNT phối hợp các sở, ban, ngành, UBND các huyện, quận kiểm tra, thanh tra công tác phòng chống dịch bệnh động vật; hoạt động giết mổ, vận chuyển động vật tại các địa phương. Tổ chức thanh kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp cung cấp, buôn bán các loại vắc xin không đảm bảo chất lượng theo quy định; lợi dụng tình hình dịch bệnh gây khó khăn cho người chăn nuôi trong việc tiếp cận, mua vắc xin để phòng bệnh cho đàn vật nuôi.

Đồng thời bảo đảm thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 theo quy định; phát động, triển khai Tháng Tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường từ ngày 25-10 đến 25-11 nhằm tiêu diệt các loại mầm bệnh ở môi trường, đặc biệt tại ổ dịch, nơi chôn hủy động vật mắc bệnh, vùng ổ dịch cũ, khu vực chăn nuôi, các điểm tập kết, buôn bán, giết mổ động vật. Xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2022 trên địa bàn thành phố và phối hợp Sở Tài chính báo cáo trình UBND TP bố trí kinh phí triển khai thực hiện. Tổ chức thường trực tiếp nhận, xử lý thông tin, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm xác định nguyên nhân phát sinh dịch bệnh trên đàn GSGC; phối hợp, hướng dẫn các địa phương thực hiện các biện pháp chống dịch, khống chế ngăn chặn dịch lây lan theo quy định. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật các cấp tăng cường kiểm soát việc lưu thông vận chuyển động vật, sản phẩm động vật từ các địa phương khác nhập vào địa bàn thành phố; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không rõ nguồn gốc xuất xứ, động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh theo đúng quy định…

UBND TP giao Sở NN&PTNT là đơn vị đầu mối tổng hợp, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch bệnh GSGC tại các địa phương, đơn vị và tổng hợp, báo cáo kết quả tổ chức triển khai thực hiện về UBND TP.

KC

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích