Triển vọng đặc khu kinh tế Vân Đồn

14:31 03/11/2017

Đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn và Dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đang được đệ trình với những triển vọng không giới hạn cho Đặc khu kinh tế Vân Đồn trong tương lai gần...

 

Nhà ga hành khách Cảng hàng không Vân Đồn đang được khẩn trương thi công

Đầu tư lớn để tạo sức lan tỏa cấp vùng

Theo Đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệtVân Đồn, nhằm tạo cho Vân Đồn có bước phát triển nhanh, bền vững, trở thành động lực lan toả tới các địa phương khác và đạt các mục tiêu theo định hướng phát triển, trong 12 năm  giai đoạn 2018-2030, Vân Đồn cần được đầu tư khoảng 270 nghìn tỷ đồng, trong đó 50% huy động trong nước và 50% huy động nước ngoài.

Hoạt động đầu tư được phân kỳ theo hai giai đoạn. Giai đoạn 2018- 2022 (giai đoạn đầu tư cơ sở hạ tầng tạo nền tảng thu hút đầu tư) sẽ cần khoảng 164,85 ngàn tỷ đồng.

Giai đoạn 2023-2030 tổng vốn đầu tư toàn xã hội cần khoảng 105,15 ngàn tỷ đồng. Trong đó vốn trong nước 36,75 ngàn tỷ đồng (vốn ngân sách nhà nước 8.400 tỷ đồng), vốn nước ngoài khoảng 68,4 ngàn tỷ đồng.

42 dự án, công trình được ưu tiên tập trung đầu tư; trong đó hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật khu kinh tế khoảng 109 ngàn tỷ đồng; hạ tầng dịch vụ, du lịch, thương mại 127,25 ngàn tỷ đồng; hạ tầng y tế, giáo dục, môi trường, khoa học công nghệ khoảng 11,85 ngàn tỷ đồng; nhóm các dự án thứ cấp trong khu công nghiệp sạch - khu phi thuế quan và các dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh khác khoảng 21,9 ngàn tỷ đồng. 

Tỉnh Quảng Ninh cũng cho biết sẽ huy động được nguồn vốn tư nhân vào khoảng 108,5 ngàn tỷ đồng cho giai đoạn này. Theo đó, hiện nhà đầu tư chiến lược Sun Group đang triển khai dự án Cảng hàng không Quảng Ninh (giai đoạn 1 hoàn thành trong năm 2017) và sẽ tiếp tục đầu tư 1.500 tỷ đồng để nâng quy mô lên 5 triệu khách/năm.

Tập đoàn này cũng đang đề xuất dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp với tổng mức đầu tư khoảng 48.500 tỷ đồng. 

Tập đoàn FLC đang đề xuất nghiên cứu đầu tư khu phức hợp nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp tại đảo Ngọc Vừng, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 46 ngàn tỷ đồng (tương đương 2 tỷ USD).

Một số nhà đầu tư trong nước, như: CEO, MBland, Crytal Plate, HD Moon.. đang nghiên cứu đầu tư một số dự án khác. Khả năng huy động nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân sẽ đáp ứng được nhu cầu, theo đánh giá của Quảng Ninh.

Đối với nguồn vốn ngân sách (khoảng 26.400 tỷ đồng) được xác định tại đề án là để đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng khu kinh tế; hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đầu tư hệ thống công trình phụ trợ đến chân hàng rào công trình; các dự án hạ tầng xã hội, an sinh xã hội, môi trường, cải cách hành chính... trước mắt, đến 2022 sẽ cần 18.000 tỷ đồng. 

Quảng Ninh dự kiến ngân sách tỉnh dành khoảng 7.500 tỷ đồng bổ sung cho đặc khu Vân Đồn. Số vốn còn thiếu (10.500 tỷ đồng), đề nghị ngân sách Trung ương có cơ chế bổ sung có mục tiêu trong thời gian 5 năm kể từ năm 2018 cho đặc khu Vân Đồn, bình quân 2.100 tỷ đồng/năm.

Giai đoạn 2023-2030, nhu cầu vốn bình quân 1.050 tỷ đồng/năm được cân đối từ dự toán ngân sách hàng năm của Đặc khu Vân Đồn (do số thu ngân sách của Vân Đồn đã cân đối được chi thường xuyên và có kết dư để bổ sung vốn chi đầu tư). Về khả năng huy động 135 nghìn tỷ đồng (khoảng 6 tỷ USD) nguồn vốn nước ngoài, Quảng Ninh cũng nhìn nhận là có tính khả thi cao. 

Tháo gỡ từ cơ chế

Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị đưa ra nhiều đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội để giúp đặc khu kinh tế thu hút mạnh đầu tư và công nghệ.

Đó trước tiên là các chính sách ưu đãi thuế: Khi nhập, xuất hàng vào, ra các đặc khu kinh tế, người nhập, xuất khẩu sẽ được linh hoạt áp dụng các mức thuế, thậm chí có khi còn được miễn thuế 100%.

Đồng thời, thuế giá trị gia tăng sẽ có ở mức 0%; hoặc thậm chí người, công ty nộp sẽ không phải chịu thuế này. Thuế tiêu thụ đặc biệt cũng sẽ không còn tồn tại trong các đặc khu kinh tế nữa.

Đối với cá nhân, thuế thu nhập cá nhân sẽ được miễn và giảm trong một thời gian nhất định. Đối với doanh nghiệp, sẽ chỉ phải chịu thuế 10% trong thời gian 30 năm, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo kể từ khi doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế. Riêng đối với thu nhập từ dự án đầu tư - kinh doanh bất động sản thì mức thuế suất ưu đãi sẽ chỉ còn 17%.

Nhóm chính sách về tài chính, ngân sách cho phép doanh nghiệp để lại toàn bộ số thu của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trong một thời gian cần thiết. Ngân sách trung ương cũng sẽ được bỏ ra hỗ trợ cho các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trong đặc khu kinh tế.

Tiền tệ là một ưu đãi rất nổi trội dành cho các đặc khu kinh tế. Các doanh nghiệp trong đặc khu sẽ được cho phép thiết lập thể chế tiền tệ, ngân hàng riêng nhằm đa dạng hóa các loại hình giao dịch phù hợp thông lệ quốc tế.

Bên cạnh tiền đồng Việt Nam lưu hành thì các đặc khu kinh tế sẽ thậm chí được phép sử dụng một số đồng tiền tự do chuyển đổi khác.

Về đất đai thì căn cứ vào ngành, nghề đầu tư và quy mô dự án đầu tư, chính sách sẽ cho phép những thời hạn cho thuê đất riêng, với thời hạn tối đa lên đến 99 năm. Thời gian miễn, giảm tiền thuê và áp dụng mức giá thuê đất và mặt nước cũng sẽ ưu đãi hơn so với quy định của pháp luật về đất đai hiện hành.

Cuối cùng, Luật về đặc khu kinh tế cho phép miễn thị thực với thời gian tạm trú không quá 30 ngày. Luật cũng cho phép doanh nghiệp được kinh doanh casino, cho phép doanh nghiệp thuê tư vấn quốc tế...

HẢI HẬU

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích