23:56 26/07/2018 Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, những năm qua toàn Đảng bộ, quân và dân thành phố đều tích cực thực hiện công tác chăm sóc người có công bằng trách nhiệm, tình cảm với tất cả sự tri ân sâu sắc…
Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Đình Bích, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng dâng hương tri ân các Anh hùng liệt sĩ
Thiết thực tri ân
Theo thống kê, Hải Phòng có hơn 1.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gần 3 vạn liệt sĩ và 2 vạn thương binh, trên 5 nghìn chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, gần 5 nghìn người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học…
Trong những năm qua, công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công và phong trào “đền ơn đáp nghĩa” của thành phố đã trở thành một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, chỉ đạo và các tổ chức chính trị- xã hội cùng toàn dân tích cực hưởng ứng.
Chia sẻ về điều này, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Nguyễn Bách Phái cho biết: Thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, ngành LĐTB&XH thành phố đã xác nhận và giải quyết chế độ ưu đãi thường xuyên, trợ cấp một lần đối với người hoạt động kháng chiến, thanh niên xung phong, người có công và thân nhân người có công với cách mạng.
Phong trào chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công vì thế được tiếp tục đẩy mạnh, ngày càng phát triển sâu rộng, có hiệu quả và được xã hội hóa trên phạm vi toàn thành phố với mục tiêu chăm lo tốt nhất, đảm bảo tất cả các gia đình chính sách có cuộc sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.
Chỉ tính riêng trong dịp Tết Nguyên đán năm 2017 và 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-2017), dịp Tết nguyên đán Mậu Tuất năm 2018, thành phố đã triển khai thăm hỏi, tặng quà cho hàng nghìn lượt người có công với tổng kinh phí gần hơn 400 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố trên 300 tỷ đồng; 100% công trình ghi công liệt sĩ được chăm sóc, tu bổ.
Các hoạt động tri ân diễn ra sôi nổi và rộng khắp từ thành phố đến cơ sở, góp phần ổn định đời sống vật chất, tinh thần cho thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công, tạo sự lan tỏa sâu sắc về tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, gắn kết sự đồng thuận cao trong xã hội.
Bên cạnh chế độ trợ cấp ưu đãi của Nhà nước, các hoạt động chăm sóc đời sống người có công cũng được duy trì thường xuyên. Hầu hết người có công và thân nhân đã được hưởng các chế độ ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu đãi trong giáo dục, đào tạo và dạy nghề, tạo việc làm.
Điển hình như thực hiện chỉ đạo của thành phố, 2 ngành LĐTB&XH và Xây dựng đã nhanh chóng phối hợp thẩm định hỗ trợ nhà ở cho người có công đợt 2 theo Quyết định 22/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho 7.498 hộ với tổng kinh phí là hơn 224 tỷ đồng.
Đây là sự quan tâm rất thiết thực của thành phố bởi trong số kinh phí trên có hàng chục tỷ đồng theo quy định là ngân sách TW, nhưng còn một số khó khăn, vướng. Từ thực tế đó, thành phố quyết liệt chỉ đạo, chủ động ứng trước từ ngân sách thành phố, đáp ứng nguyện vọng của các gia đình, sau đó khi phần ngân sách TW cấp sẽ hoàn trả ngân sách thành phố.
Cách làm này được đông đảo dư luận nhân dân đồng tình, đánh giá cao, ghi nhận sự quan tâm thiết thực của thành phố.
Cùng với đó, hàng ngàn người có công được vay vốn từ nhiều nguồn quỹ để giải quyết việc làm và phát triển sản xuất; hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh của thương, bệnh binh và người có công, tạo điều kiện cho con, em của họ có việc làm, tăng thu nhập ổn định cuộc sống. Kết quả đáng mừng là đến nay, thành phố cơ bản không còn hộ chính sách trong diện nghèo, một số địa phương đạt xấp xỉ 100% số hộ chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình.
Ý thức và trách nhiệm
Cùng với chính sách của Nhà nước, phong trào “đền ơn đáp nghĩa” cũng được phát triển rộng khắp trên địa bàn thành phố, đã ăn sâu bám rễ và trở thành ý thức, trách nhiệm của toàn xã hội.
Nhiều hoạt động được phát triển từ các xã, phường, thị trấn được tổng kết nhân rộng như phong trào tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa; ủng hộ quỹ “đền ơn đáp nghĩa”; nhận đỡ đầu bố mẹ liệt sỹ cô đơn, con liệt sỹ mồ côi, phong trào thương binh, gia đình liệt sỹ làm kinh tế giỏi...
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng thăm hỏi, tặng quà gia đình người có công
Đơn cử như Hội phụ nữ thành phố tổ chức thăm hỏi, động viên, vận động chị em giúp đỡ gia đình chính sách khó khăn. Đoàn thanh niên phát động tuổi trẻ tham gia chương trình “xóa 500 nhà tranh, vách đất cho gia đình nghèo, chính sách”, thực hiện cuộc vận động “nghĩa tình biên giới hải đảo”, phong trào thanh niên tình nguyện giúp đỡ gia đình chính sách.
Bộ chỉ huy quân sự phối hợp với các ngành chức năng khảo sát tìm mộ liệt sĩ, thăm hỏi, tặng quà, xây nhà tình nghĩa tặng các gia đình chính sách nhân ngày lễ Tết, xây dựng chương trình hỗ trợ cựu chiến binh làm kinh tế gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững. Hội nạn nhân chất độc da cam tích cực vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, tết, tặng sổ tiết kiệm...
Cùng với 5 chương trình đền ơn đáp nghĩa thì việc tìm kiếm và tiếp nhận hài cốt liệt sỹ do quân đội, các đơn vị, cá nhân bàn giao và đưa hài cốt vào nghĩa trang, xây đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sỹ, bia ghi tên liệt sỹ được thành phố quan tâm, sát sao chỉ đạo.
Có thể khẳng định rằng, phong trào “đền ơn đáp nghĩa” đã từng bước “xã hội hóa”, qua đó huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị, đa dạng về hình thức, thiết thực và sâu sắc về nội dung, trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc. Những hoạt động tích cực ấy đã tạo điều kiện cho các hộ chính sách vươn lên thoát khỏi đói nghèo, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của thương binh, bệnh binh gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Theo Ban Quản lý Quỹ “đền ơn đáp nghĩa”, từ 2015 đến nay toàn thành phố đã vận động được hàng chục tỉ đồng. Từ số tiền này thành phố đã hỗ trợ cho các gia đình người có công xây mới, sửa chữa hàng nghìn nhà tình nghĩa; tặng gần 3.000 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách, người có công; 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều được chăm sóc, phụng dưỡng đến cuối đời…
Không ỷ lại sự quan tâm chăm sóc của Đảng, Nhà nước, nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và gia đình người có công với cách mạng đã nỗ lực phấn đấu, vượt lên khó khăn. Trong phong trào đó đã xuất hiện hàng trăm tấm gương đáng khâm phục, bởi không chỉ là những anh hùng trong chiến đấu mà còn là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận kinh tế, vươn lên làm giàu, tiếp tục góp phần xây dựng và phát triển thành phố ngày càng giàu đẹp.
Theo Sở LĐTB&XH, kỷ niệm dịp 71 năm Ngày Thương binh- Liệt sĩ (27-7-1947 * 27-7-2018), thành phố đã triển khai tặng quà theo Quyết định của Chủ tịch nước tới 45.642 người có công với tổng kinh phí hơn 9,4 tỷ đồng; triển khai quà tặng của thành phố theo Quyết định số 1337/QĐ-UBND tới 47.966 người có công với kinh phí 153,4 tỷ đồng. Mức quà tặng là 3.200.000 đồng/người (trong đó tiền mặt 3 triệu đồng, quà hiện vật trị giá 200 nghìn đồng), mức cao nhất từ trước tới nay với tổng số tiền hơn 153,6 tỷ đồng (bằng 127,95% so với dịp 2017).
Ngoài ra, các địa phương triển khai tặng quà người có công với kinh phí từ ngân sách cấp huyện là hơn 3,8 tỷ đồng; kinh phí tặng quà từ ngân sách cấp xã là 3,992 tỷ đồng; kinh phí tặng quà từ nguồn xã hội hóa là hơn 1,2 tỷ đồng. Tổng kinh phí tặng quà từ các nguồn trong dịp này là hơn 172 tỷ đồng.
THỦY NGUYÊN
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024