Trồng nấm thương phẩm – nghề còn không ít gian truân

09:38 30/11/2019

Trong nhiều năm qua, mô hình trồng nấm thương phẩm được triển khai ở nhiều nơi trong thành phố ở cấp đề án, hứa hẹn tạo ra một giải pháp hữu hiệu trong việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp nông thôn. Nhưng sau một thời gian triển khai, những bất cập hiện hữu nhất là trong khâu tiêu thụ, khiến người trồng gặp nhiều khó khăn.

Nghề trồng nấm còn không ít gian truân

          Những kỳ vọng ban đầu

          Theo các tài liệu khoa học, nấm là một loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng rất cao, giàu chất đạm, axit amin, chất khoáng và các loại vi-ta-min… theo đó ăn 1 lạng nấm tươi có hàm lượng chất bổ ngang với 2 quả trứng vịt. Nấm cũng coi như là một loại rau sạch, dễ chế biến và hợp khẩu vị nhiều người.

Ngoài ra, nấm còn có khả năng phòng chống một số bệnh như cao huyết áp, tim mạch, béo phì, ung thư… Từ lợi ích đó, nấm thương phẩm hiện nay được phân thành thực phẩm và dược liệu, có trên dưới 40 loại khác nhau bao gồm sò, mỡ, mộc nhĩ, linh chi…. Tuy nhiên người viết bài này chỉ  nhắc đến các loại nấm ăn được triển khai trồng ở nhiều vùng tại Hải Phòng hiện nay.

          Trên thực tế, nấm không phải là một thứ lạ đối với bất cứ một người dân Việt Nam nào, bởi trong các câu chuyện cổ tích nấm cũng đã xuất hiện rất nhiều. Từ lâu nấm đã được lựa chọn như một món gia giảm quen thuộc trong cỗ bàn truyền thống, nhất là nấm hương và mộc nhĩ.

Từ nguồn khai thác tự nhiên, nấm được phát triển gây giống và trở thành một kênh canh tác của nhà nông, từ mô hình nhỏ lẻ đến đại trà, tạo nguồn thương phẩm. Nấm dễ chế biến, những người khéo tay có thể chế cả một mâm cỗ toàn bằng nấm, ngoài xào nấu, cuống nấm có thể tẩm bột giả đùi ếch hoặc dim như thịt nạc, bao nấm nhồi đậu phụ rán vàng như miếng thịt gà…

Không chỉ dùng tươi, nấm các loại còn được sấy khô đóng gói xuất khẩu, được bán phổ biến tại các chợ truyền thống cũng như siêu thị.

          Điều hết sức thuận lợi là, trồng nấm là nghề không quá khó, tại Hải Phòng nguồn nguyên liệu làm nấm cũng rất sẵn, dễ kiếm nhất là rơm rạ, mùn lá… vốn dĩ là những thứ thừa thãi ở nông thôn hiện nay.

Theo một số liệu đề án, chẳng hạn với nấm mỡ, năng suất bình quân cứ 1 tấn rơm nguyên liệu sau khoảng 6 tháng sẽ cho 3,5 tạ nấm tươi, sau khi thu hoạch số mùn rơm này sẽ trở thành phân bón rất tốt cho lúa và các loại cây trồng khác, thật là nhất cử lưỡng tiện.

Trên diện tích một sào đất, có thể dùng làm vùng nguyên liệu cho khoảng 10 tấn rơm, như vậy mỗi năm bình quân sẽ có 7 tấn nấm thương phẩm, nếu bán với giá 30.000đ/kg như hiện nay, trừ các loại chi phí còn khoảng 35 triệu đồng.

Trong khi đó nếu cùng diện tích trên để cấy lúa, năng suất một sào mỗi năm đạt khoảng 3,5 tạ thóc cũng chỉ bán chừng 2,5 triệu đồng gồm cả vốn lẫn lãi. Như vậy, từ những điều dẫn chứng trên cho thấy, lợi ích của việc trồng nấm so với những phương pháp canh tác truyền thống của bà con nông dân lâu nay ở Hải Phòng là không có gì để bàn cãi.

Nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi mà một diện tích đất không nhỏ đang bị bà con nông dân bỏ hoang, còn ở diện tích đang được trồng lúa thì nguồn rơm rạ cũng bị đốt bỏ.

Giống nấm được cấy trong các túi mùn hỗn hợp

          Thực tế nhiều điều trăn trở

          Cách đây hơn 10 năm, đề án trồng nấm thương phẩm được triển khai khá rầm rộ tại Hải Phòng. Nhiều nhà nghiên cứu nông nghiệp đã kết hợp với các tổ chức xã hội cùng chính quyền cơ sở vận động người dân chuyển từ canh tác lúa sang trồng nấm. Hoạt động này được coi như là một trong những phương pháp hiệu quả nhằm chuyển dịch cơ cấu cây trồng, góp phần phát triển kinh tế.

Tại thời điểm triển khai, người dân rất hứng khởi khi nhận được nhiều cam kết bao tiêu sản phẩm từ những nhà cung cấp giống và các doanh nghiệp. Có lẽ vì thế nên phong trào trồng nấm phát triển khá mạnh, nhất là ở khu vực ngoại thành, mà Tiên Lãng là một điểm sáng điển hình.

Theo một số liệu báo cáo, có thời điểm riêng huyện Tiên Lãng sản lượng nấm đã đạt hàng trăm tấn/năm. Tuy nhiên, kết quả không đạt được như mong muốn, khi nhiều nhà bao tiêu đã không thực hiện được nghĩa vụ cam kết, việc tiêu thụ nấm gặp nhiều khó khăn.

          Giải thích về nguyên nhân, nhiều ý kiến cho rằng hiện thị trường xuất khẩu nấm không ổn định, tiêu thụ trong nước cũng cung vượt quá cầu. Tìm hiểu chi tiết về vấn đề này, chị Nguyễn Thị H. – một tiểu thương ở chợ Tam Bạc chia sẻ, thực tế thì nấm không thay thế cho các loại rau vì có hương vị riêng.

Mặt khác, nếu nấm dùng ăn như rau bình thường thì quá tốn kém, bởi mỗi bữa nếu dùng 1kg nấm tính theo giá bán lẻ bình quân 40.000đ hiện nay thì cơ cấu món “rau” này đã chiếm đến 1/3 chi phí cho một gia đình 4 người. Bởi vậy nấm vẫn chưa phải là một món thường xuyên mà chỉ được dùng để gia giảm như xào, rán trứng, thả vào nồi canh, miến, làm nẩu, giò chả, nem… trong những bữa ăn có tính chất cải thiện.   

Còn đối với người trồng, chị Vũ Thị T., một nông dân ở Tiên Lãng có nhiều năm làm nghề này tâm sự, bình quân mỗi kg nấm trừ chi phí còn được 5.000 đồng, nếu muốn lãi được 10 triệu đồng/tháng/hộ, nghĩa là phải bán được 2 tấn nấm.

Để đạt được điều này, sản lượng cũng như thị trường chưa cho phép các hộ cấy trồng dám mơ đến, trong khi về lâu dài đòi hỏi vốn đầu tư và công phu cũng không hề nhỏ. Hơn nữa cũng giống nhiều vùng nông nghiệp khác như đối với mía, cà chua, rau xanh… những mâu thuẫn phát sinh giữa người sản xuất và nhà bao tiêu sản phẩm chưa bao giờ được giải quyết thấu đáo.

Bởi vậy hiện rất nhiều hộ trồng nấm phải tự tìm đầu ra để mong bán được giá cao hơn và đúng vụ thu hoạch.

Còn chưa kể đến việc nấm tươi bị ế ẩm, phải chuyển sang chế biến, bảo quản và tiêu thụ ở dạng muối hoặc sấy khô, chi phí tốn kém, hiệu quả không cao. Tính bình quân cứ 10kg nấm tươi mới có được 1kg nấm khô, nhưng nấm khô càng khó tiêu thụ rất chậm, vì không giữ được hương vị đặc trưng nên không được ưa chuộng. Bên cạnh đó, còn bao nhiêu nguy cơ khác như khí hậu, sâu bệnh… cũng có thể đem lại rủi ro cho người trồng nấm bất cứ lúc nào.

          Mới thấy, trồng nấm cũng như nhiều nghề khác, những nghiên cứu ban đầu chưa thể là cẩm nang “kiếm cơm” như kỳ vọng. Rất có thể trong thực tiễn, ngoài những bất cập nảy sinh từ người trồng với nhà bao tiêu, còn có nguyên nhân từ việc triển khai các đề án không đồng bộ.

Nhất là thiếu số liệu đánh giá khả năng cạnh tranh của các địa phương khác và có sự đầu tư quy hoạch thích đáng của ngành chức năng.

Thiết nghĩ, đây cũng là một bài học không kém phần sâu sắc cho việc chuyển dịch ồ ạt cơ cấu cây trồng, cần phải được đánh giá, rút kinh nghiệm.

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích