Truân chuyên làm việc tại doanh nghiệp ngoại

20:50 22/11/2017

Theo thống kê của Ban quản lý khu kinh tế Hải Phòng, hiện tại các khu công nghiệp có hơn 80.000 lao động làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp, sản xuất kinh doanh trên nhiều lĩnh vực như điện tử, đồ gia dụng, thiết bị văn phòng, linh kiện ô tô, dệt may…Mỗi một dây chuyền sản xuất đi vào hoạt động, một dự án mới khánh thành là tại cổng các khu công nghiệp, các cty lại “nóng” tuyển dụng lao động.

 

Trong vai người đi tìm việc làm, chúng tôi nhận thấy từ bà bán nước trà ven đường, đến anh xe ôm, chủ nhà trọ…cũng sẵn sàng chỉ dẫn cho người lao động nộp hồ sơ, đường đi nước bước để có được vị trí trong doanh nghiệp. Ấy thế nên, không ít doanh nghiệp đã phải thông báo rõ ngay từ ngoài cổng là: Tuyển lao động trực tiếp, không qua trung gian! Thế nhưng cũng chính từ những người trong cuộc bật mí, mới thấy có muôn chiêu trò trong tuyển dụng lao động.

Ông Nguyễn Quang Mạnh-Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc BQL khu kinh tế cho biết: Từ đầu năm đến nay, cán bộ của Trung tâm đã tư vấn cho hơn 2.600 lao động đến tìm hiểu về việc làm, có lao động đến trực tiếp và cũng có người xin được tư vấn qua điện thoại, thư điện tử

. Với trách nhiệm là “bà đỡ” của người lao động, các cán bộ của Trung tâm đã tư vấn cho người lao động từ A đến Z và hoàn toàn miễn phí. Từ độ tuổi, sức khoẻ, bằng cấp chuyên môn, tay nghề, sở trường, ngoại ngữ cần thiết đến chế độ chính sách, phong tục tập quán của doanh nghiệp có nguồn vốn đến từ các nước khác nhau. Đơn cử người Trung Quốc thì xét nét về độ tuổi, người Nhật Bản thì chú ý về tay nghề, tính kỷ luật, còn người Hàn Quốc thì rất chuộng lao động khéo tay, tinh tế…

Cũng qua công tác tư vấn, các cán bộ của Trung tâm cũng nhận thấy lao động Việt còn hạn chế về hiểu biết pháp luật lao động, bởi vậy các anh, chị tại Trung tâm cũng cung cấp những quy định cơ bản trong lĩnh vực này. Một mặt, động viên người lao động tham gia tổ chức công đoàn, từ đó kịp thời phản ánh về việc thực hiện của doanh nghiệp đối với chế độ lương, thưởng, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, phụ cấp…

Mặt khác, cán bộ tư vấn ngắn gọn, dễ hiểu, giúp người lao động nắm cơ bản quy định: Một tuần làm việc không quá 40 giờ, nếu làm thêm thì chủ sử dụng lao động phải có thoả thuận riêng. Thậm chí ngay cả khi người lao động được tuyển dụng vào làm việc tại các cty thì khi gặp khúc mắc vẫn có thể quay trở lại Trung tâm để được tư vấn. Thực tế, người lao động khi tìm được việc làm, rất cần cù, chịu khó, có người do không hiểu rõ các quy định pháp luật đã đứng máy đến tận 23-24 giờ nhiều ngày trong tuần, rất thiệt thòi, còn chủ doanh nghiệp thì cứ…tảng lờ trách nhiệm?!

Tuy nhiên, số người lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm lên đến hàng nghìn là vậy, song số lao động được trúng tuyển chỉ được khoảng 460 người, chiếm khoảng 25%.

Lý giải về “khoảng trống” trên, lãnh đạo của Trung tâm cho biết: Quy định pháp luật cho phép các doanh nghiệp tự tuyển lao động có mặt “được” nhưng cũng có hạn chế. Đành rằng doanh nghiệp chủ động về số lao động cần tuyển, chất lượng tay nghề, không mất chi phí môi giới…song cũng rất dễ phát sinh tiêu cực từ phía cán bộ phụ trách nhân sự của doanh nghiệp. Thời gian qua đã có hiện tượng cán bộ phụ trách nhân sự thực hiện việc tuyển dụng lao động đã tự tưng, tự tác, sách nhiễu người lao động qua các đợt tuyển dụng tại một số cty có vốn đầu tư nước ngoài. Một số “cò” lao động cũng tiết lộ: Lao động phổ thông, giản đơn thì mất đôi ba triệu/hồ sơ, còn các vị trí quan trọng hơn như trưởng ca, quản lý phân xưởng thì chi phí bôi trơn cũng phải tính bằng chục triệu/hồ sơ.

Còn đối với những hồ sơ của người lao động do Trung tâm gửi đến thì sao?

Sau khi làm phép thử đối với chồng hồ sơ chuyển từ Trung tâm bằng việc…đánh dấu dây buộc thì kết quả phản hồi của bộ phận tuyển dụng doanh nghiệp là…không đạt và chồng hồ sơ với nút thắt vẫn còn nguyên do chưa được cán bộ tuyển dụng gỡ ra?!

Cũng chính vì những phức tạp trong tuyển dụng lao động kể trên mà lực lượng công an các địa phương và các phòng nghiệp vụ của Công an thành phố đã phải vào cuộc để ổn định tình hình ANTT tại các điểm nóng như khu CN Tràng Duệ, Đình Vũ, VSIP…

Chưa hết, ngay cả khi được tiếp nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp thì người lao động cũng vẫn…thấp thỏm. Đó là những công việc đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao. Một số doanh nghiệp tạo điều kiện cho lao động Việt Nam sang nước của nhà đầu tư như Nhật Bản, Hàn Quốc để đào tạo bài bản rồi quay trở về nhà máy của Việt Nam để làm việc.

Tuy nhiên, cũng có doanh nghiệp sau thời gian thử việc, chuyên gia kỹ thuật nước ngoài trực tiếp kiểm tra và ngừng việc tuyển dụng nếu không đáp ứng yêu cầu. Vào tình thế trên là người lao động mất cả chì lẫn chài.

Dở khóc, dở cười nữa là hệ luỵ của thực trạng thừa thầy, thiếu thợ. Trong khi phần đông các doanh nghiệp tuyển lao động có trình độ phổ thông, thì có tới 70-80% hồ sơ tìm việc làm là các cử nhân của các trường đại học. Thậm chí có người có tới hai bằng đại học, thạc sỹ. Tuy vậy, có trường hợp đã thất nghiệp hai, ba năm nên để có việc làm, cử nhân đành ngậm ngùi…cất bằng đại học ở nhà?!

Ông Mạnh cũng trăn trở cho biết: Gần đây các doanh nghiệp có hiện tượng kiếm cớ sa thải những lao động có độ tuổi từ 35 trở lên. Với cường độ làm việc 2-3 ca để đáp ứng tiến độ đơn hàng, các ông chủ nước ngoài rất chuộng lao động trẻ, khoẻ. Những lao động lớn tuổi chỉ cần có những vi phạm nhỏ là bị bắt lỗi, đánh vào ý thức, ban đầu là cho “tạm nghỉ”, sau đó là…nghỉ hẳn và doanh nghiệp lại bắt đầu vòng quay tuyển lao động. Còn người lao động…già thì sau vài tháng nhận lương thất nghiệp đành phải kiếm kế sinh nhai bằng cách buôn thúng, bán bưng, xe ôm, thợ hồ...

Có thể thấy, các doanh nghiệp trong các khu kinh tế, khu công nghiệp nói chung và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nói riêng đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động tại Hải Phòng và các tỉnh lân cận. Song để sử dụng hợp lý nguồn nhân lực, tránh những thiệt thòi cho người lao động, không thể thiếu vai trò “bà đỡ” của các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như những cơ chế, chính sách chặt chẽ hơn trong lĩnh vực này.

Kim Oanh 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông