Trung bình mỗi phụ nữ VN trải qua 2,5 lần nạo thai trong đời

01:36 12/10/2016

Việt Nam là một trong 5 nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới và có tới 20% ca phá thai là ở tuổi vị thành niên.
 
Việt Nam là một trong 5 nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới và có tới 20% ca phá thai là ở tuổi vị thành niên.
 
Theo GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM, các thống kê cho thấy ước tính mỗi phụ nữ Việt Nam phải trải qua việc phá thai 2,5 lần trong đời.
 
Cứ 4 ca thì có 1 ca là phá thai không an toàn, chiếm 13% nguyên nhân tử vong mẹ. Đáng báo động là có đến 20% người nạo phá thai ở Việt Nam nằm trong độ tuổi vị thành niên.
 
BS Phượng cho biết, có những thời điểm ở Bệnh viện Từ Dũ cứ một ca sinh thì có hơn một ca phá thai. Thống kê từ hai bệnh viện phụ sản lớn nhất phía Nam là Từ Dũ và Hùng Vương, số lượng phụ nữ đến phá thai những năm qua gần như không giảm. 
 
Năm 2015, bệnh viện Từ Dũ tiếp nhận trên 28.690 ca phá thai. Riêng 6 tháng đầu năm 2016, mỗi tháng trung bình có 2.400 ca phụ nữ đến bỏ thai, con số này ở bệnh viện Hùng Vương là 1.200 ca.
 
Theo Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình TP.HCM Trần Văn Trị, thống kê của Quỹ Dân số Liên Hiệp quốc vào năm 2015 cho thấy, số trẻ em gái đã kết hôn trước tuổi 18 tại Châu Á - Thái Bình Dương là 59 triệu trường hợp; số trẻ em gái tuổi từ 15 đến 17 tại các nước đang phát triển đã từng sinh con là 20.000 trường hợp.
 
Ước tính số ca phá thai không an toàn ở trẻ em gái tuổi từ 15 đến 19 là 3,2 triệu ca; tỷ lệ trẻ em gái cho biết đã từng bị cưỡng bức quan hệ tình dục trước tuổi 15 là 10%.
 
Nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em gái từ 15 đến 19 tuổi là tự tử và biến chứng thai sản. Nhóm trẻ em gái này chưa nhận được sự quan tâm thích đáng mà lẽ ra các em phải được hưởng, các em chưa nhận được sự hỗ trợ cần thiết giúp vượt qua các bất bình đẳng và bị tước đi các cơ hội trong cuộc đời.
 
Tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ vị thành niên chiếm khoảng 1/5 dân số. Tuy nhiên, không phải tất cả trẻ vị thành niên đều được tiếp cận với giáo dục và chăm sóc sức khỏe có chất lượng, đặc biệt là trẻ em gái vị thành niên.
 
Theo thống kê, mỗi năm cả nước vẫn còn gần 6.000 ca nạo phá thai tuổi vị thành niên. Tuy nhiên, đây là những con số được thống kê từ hệ thống y tế công, chưa kể con số ở các cơ sở y tế tư nhân bởi nhiều người với tâm lý e ngại nên không dám đến các cơ sở y tế công để nạo hút thai mà lựa chọn các cơ sở y tế tư nhân. 
 
Vì thế, theo các chuyên gia, con số thực tế về nạo phá thai ở trẻ vị thành niên Việt Nam sẽ lớn hơn rất nhiều.
 
Trước thực trạng đau lòng này, BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng cảnh báo về tình trạng không sử dụng biện pháp tránh thai dẫn đến mang thai ngoài ý muốn cũng như việc sử dụng các biện pháp tránh thai không phù hợp độ tuổi và sức khỏe sinh sản nên không đạt hiệu quả.
 
Nhiều chị em chưa sẵn sàng có con vì còn dang dở học hành, kinh tế khó khăn, công việc chưa ổn định hay không muốn sinh thêm con đã bất đắc dĩ từ chối thai nhi ngoài ý muốn. 
 
Nhu cầu ngừa thai ở phụ nữ là rất lớn nhưng cách ngừa thai còn bị động, ngại mua thuốc tránh thai với những quan niệm sai lầm như uống thuốc ngừa thai gây vô sinh, đột quỵ, ung thư… nên đã “dùng” các biện pháp không an toàn theo kiểu truyền thống như xuất tinh ra ngoài, tính ngày… khiến dễ mang thai ngoài ý muốn.
 
Riêng với hai biện pháp có tỉ lệ thành công cao là đặt vòng và tiêm thuốc tránh thai, theo cảnh báo của WHO, tuyệt đối không nên áp dụng khi người phụ nữ còn trẻ và chưa sinh con. 
 
BS Ngọc Phượng cho biết bà đã từng gặp nhiều ca phụ nữ đặt vòng khi chưa có con bị viêm tắc vòi trứng hoặc tiêm thuốc tránh thai khi còn quá trẻ dẫn đến rối loạn kinh nguyệt lâu dài; cả hai vấn đề này đều có nguy cơ dẫn đến tình trạng vô sinh – hiếm muộn.
 
Theo bà, việc tiêm thuốc tránh thai chỉ nên áp dụng với phụ nữ lớn tuổi, đã gần đến giai đoạn mãn kinh. Riêng biện pháp triệt sản cũng chỉ nên áp dụng ở phụ nữ 40-45 tuổi trở lên, đã có đủ số con.
 
Theo An Nhiên (Infonet.vn)


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông