20:47 20/04/2021 Liên minh châu Âu (EU) đã liệt kê 30 nguyên liệu thô đóng vai trò quan trọng trong công nghiệp, quốc phòng, công nghệ… với nguồn cung chịu nhiều rủi ro từ xung đột, luật lệ lỏng lẻo và độc quyền thương mại. Hiện tại Trung Quốc là quốc gia sở hữu trữ lượng những nguyên liệu này lớn hơn nhiều so với các nước khác.
Hãng tin DW (Đức) cho biết những nguyên liệu thô hiếm có như coban hoặc gecmani có hai điểm chung là đều rất quý và thiết yếu trong sản xuất vật phẩm hàng ngày như điện thoại di động, pin mặt trời, xe điện…
Mặc dù không phổ biến toàn cầu nhưng có một số địa điểm tập trung nhiều nguyên liệu hiếm. Phía Bắc Nam Phi dồi dào platinum và vanadium trong khi Congo “là vựa” của coban còn Mỹ nổi danh vì berili. Trung Quốc trong khi đó đã khai thác tới 2/3 trong 30 nguyên liệu thô hiếm như antimony, barit và đất hiếm.
Một mỏ khai thác đất hiếm tại Trung Quốc. Ảnh: AP
Sự phân bổ không đều của các nguyên liệu thô hiếm này được phản ánh ngay trên thị phần thị trường. Trung Quốc là một trong ba quốc gia hàng đầu cung cấp những nguyên liệu này, cùng Mỹ và Nga.
Ông Hanns Günther Hilpert tại viện nghiên cứu SWP (Đức) đánh giá: “Trung Quốc đã phát triển chiến lược khai thác và xử lý. Những ngày này, chỉ số giao dịch kim loại Thượng Hải còn quan trong hơn cả chỉ số giao dịch kim loại London. Cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình năm 1987 từng nói: Trung Đông có dầu mỏ, Trung Quốc nắm trong tay đất hiếm. Nhưng đó mới chỉ là đoạn khởi đầu”.
Không chỉ đầu tư vào lĩnh vực khai thác, Trung Quốc cũng đẩy mạnh phát triển quá trình xử lý nguyên liệu thô hiếm. Một ví dụ là công đoạn nấu luyện chủ yếu được thực hiện tại Trung Quốc.
Ông Hilpert đề cập: “Hầu hết quá trình xử lý được thực hiện tại Trung Quốc, trước cả khi nguyên liệu được xuất khẩu một lần nữa”.
Như vậy, Trung Quốc vừa là nhà sản xuất nguyên liệu thô hàng đầu vừa là nhà nhập khẩu lớn những nguyên liệu này. Để đảm bảo tiếp cận trực tiếp, các công ty Trung Quốc cũng đầu tư mạnh vào mỏ khai thác ở nước ngoài như mỏ coban tại Congo và platinum ở Nam Phi. Đây là chiến thuật Trung Quốc áp dụng với những nguyên liệu nước này còn thiếu.
Theo ông Hilpert, ngoài việc kiểm soát nguồn cung các nguyên liệu hiếm, Trung Quốc còn áp đặt hạn chế xuất khẩu và tạo điều kiện trợ cấp để các doanh nghiệp xây nhà máy. Kèm theo phí chi trả cho nhân công rẻ, Trung Quốc đang vượt qua nhiều quốc gia khác về nguyên liệu thô hiếm. Hiện tại 10 nước cung cấp nguyên liệu thô hiếm hàng đầu thế giới chỉ chiếm 35% lượng khai thác toàn cầu trong khi Trung Quốc chiếm tới 45%.
Ngoài ra, nguồn cung nguyên liệu thô hiếm từ những quốc gia khác cũng đối mặt với rủi ro từ bất ổn chính trị. Một ví dụ là coban, gần 60% nguồn cung coban toàn cầu xuất phát từ Congo nơi xung đột hoành hành trong nhiều thập niên. Hậu quả đi kèm là gián đoạn nguồn cung, giá thành tăng, tạm ngưng sản xuất cũng như tẩy chay từ người tiêu dùng khi cho rằng sản phẩm có liên quan tới vi phạm nhân quyền.
Năm 2019, công ty Thụy Sĩ Glencore tuyên bố đóng mỏ coban Mutanda tại phía Nam Congo do giá thuế cao, chi phí tăng trong khi giá bán trên thị trường lại thấp cũng như áp lực từ dư luận về việc nhập khẩu kim loại từ khu vực có xung đột. Tuy nhiên, trước nguy cơ hàng nghìn người có thể mất việc làm, đến nay kế hoạch của Glencore vẫn chưa được thực thi.
Năm 2012, châu Âu, Mỹ và Nhật Bản đã thắng vụ kiện tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) yêu cầu Trung Quốc giảm hạn chế xuất khẩu với một số nguyên liệu hiếm.
Theo TTXVN
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão