07:32 08/05/2020 Giáo viên bản ngữ “kẹt” ở nước ngoài chưa thể bay về, số “nợ” tiền thuê mặt bằng chồng chất nhiều tháng, thời gian học sinh dành cho học ngoại ngữ không nhiều… Đó là những cái khó các Trung tâm Anh ngữ đang phải đối mặt trong mùa dịch Covid-19.
Đoàn kiểm tra của Sở Giáo dục - Đào tạo kiểm tra các trung tâm Anh ngữ có giáo viên nước ngoài trên địa bàn thành phố
Giáo viên bản ngữ về nước, chưa hẹn ngày quay lại
Để phòng chống dịch Covid-19, UBND thành phố đã giao Sở GD-ĐT chủ trì cùng UBND các quận, huyện và các cơ quan liên quan tăng cường quản lý hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống, hoạt động ngoài giờ chính khóa trên địa bàn thành phố, nhất là các giáo viên người nước ngoài trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Theo đó, các đơn vị không tổ chức các hoạt động dạy học tăng cường, dạy thêm, học thêm, dạy học có yếu tố nước ngoài, các hoạt động ngoại khóa, dã ngoại, tham quan, du lịch, đi học tập trải nghiệm tại các khu vui chơi, du lịch, di tích lịch sử để phòng chống dịch Covid-19.
Trong thời gian nghỉ học phòng chống dịch, Sở Giáo dục - Đào tạo Hải Phòng đã tổ chức đoàn kiểm tra do Phó Giám đốc sở Vũ Văn Trà phụ trách kiểm tra các trung tâm ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống, hoạt động ngoại khóa. Đoàn đã làm việc tại Tổ chức giáo dục Apollo Việt Nam tại Hải Phòng với 28 giáo viên người nước ngoài; Trung tâm Anh ngữ ILA, có 4 giáo viên người nước ngoài; Trung tâm Anh ngữ Ames, có 7 giáo viên người nước ngoài. Tại hầu hết trung tâm ngoại ngữ này, tất cả các giáo viên đều ở nơi cư trú đã đăng ký.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Anh Thuấn, Trưởng phòng Giáo dục Thường xuyên, Chuyên nghiệp và Đại học (Sở Giáo dục và Đào tạo), để ứng phó với những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Sở đã chỉ đạo các trung tâm trên thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch. Đến nay, trên toàn thành phố, không ghi nhận một trung tâm nào có hoạt động dạy thêm, học thêm trực tiếp trong thời gian nghỉ. Tất cả đều đã tổ chức vệ sinh khử khuẩn cơ sở, phòng học; tập huấn phòng chống dịch trước khi đón học sinh trở lại. Về số giáo viên người nước ngoài, Tiến sỹ Nguyễn Anh Thuấn cho biết thêm, do thời gian học sinh nghỉ học khá dài nên nhiều giáo viên bản ngữ đã về nước, chưa sang. Nếu có sang Việt Nam lại phải trải qua thời gian cách ly y tế khiến số lượng giáo viên tại các trung tâm Anh ngữ càng gặp khó. Để duy trì hoạt động, các trung tâm vẫn phải dạy học trực tuyến, tăng số giờ dạy để giãn cách các lớp học…
Đoàn đã tặng khẩu trang cho ông Kelly MacDonald, quốc tịch Nam Phi, giáo viên Trung tâm Anh ngữ Ames, tại nhà riêng ở số 1 Lê Thánh Tông
Học sinh thưa thớt
Dù UBND thành phố đã cho phép hoạt động trở lại, song các cơ sở trung tâm đào tạo ngoại ngữ ở Hải Phòng vẫn chưa thể phục hồi do nhiều khó khăn về nhân sự, kinh tế. Đặc biệt, số học sinh giảm mạnh so với trước thời gian nghỉ dịch.
Tại các đơn vị như ISahere, YM Education, Havina… kết quả kiểm tra cho thấy, số học sinh của các trung tâm này vẫn còn khá thưa thớt. Tại Trung tâm ngoại ngữ ISahere (Dự án khu đô thị nối Lạch Tray - Hồ Đông), ngày đầu học trở lại, Trung tâm mới đón được hơn nửa học viên đến học, chủ yếu nhóm ôn luyện tiếng Anh cao cấp. Nguồn nhân sự giảng dạy chủ yếu là 2 giáo viên người Philippines ở lại từ trước Tết. Số giáo viên quốc tịch Mỹ làm bán thời gian vẫn chưa thể có mặt. Việc giãn cách được triển khai bài bản, nghiêm túc như sát khuẩn tay, đo thân nhiệt, ngồi giãn cách… Tại cơ sở Havina (17 Trần Quang Khải), YM Education (Khu Trung Hành, Đằng Lâm, đường Lê Hồng Phong), lớp được chia ra 2 nhóm, dạy vào 2 khung giờ khác nhau… Nói về khả năng phục hồi của các trung tâm Anh ngữ, Tiến sỹ Nguyễn Anh Thuấn cho biết, học sinh quay lại học đa phần học các tiết văn hóa. Tới đây, thời gian nghỉ hè cũng bị rút ngắn lại, các trung tâm sẽ tiếp tục gặp khó.
Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Vũ Văn Trà, thời gian vừa qua, các trung tâm thực sự phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, từ chi phí thuê điểm, chi trả lương giảng viên, chi phí giảng dạy trực tuyến, tiền ăn nghỉ cho giáo viên nước ngoài làm việc cố định... Sở đánh giá cao các đơn vị thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch bệnh cho học viên, cán bộ, giảng viên, đặc biệt việc kê khai dịch tễ cho giáo viên nước ngoài.
Theo báo cáo từ Sở GD-ĐT Hải Phòng, toàn thành phố hiện có 122 trung tâm đào tạo ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống và hoạt động ngoài giờ chính khoá; trong đó 56 trung tâm có giáo viên người nước ngoài. Tuy nhiên, tại thời điểm này, toàn thành phố mới có 50% cơ sở đào tạo hoạt động trở lại.
HẢI HẬU
21:17 22/11/2024