Trước mùa thi - Làm sao để không gây tổn thương tâm lý học sinh?

    08:32 01/06/2020

    Chiều 30-5, trong chương trình tọa đàm trực tuyến về Kỹ năng, nghiệp vụ giáo viên chủ nhiệm cho giáo viên thành phố Hải Phòng được Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc Gia Hà Nội tổ chức, chương trình “Giáo viên chủ nhiệm với công tác tư vấn tâm lý học sinh trong thời kỳ Covid-19” đã giải tỏa những băn khoăn thắc mắc của gia đình và thầy cô giáo có học sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi chuyển cấp…

    Tọa đàm trực tuyến “Giáo viên chủ nhiệm với công tác tư vấn tâm lý học sinh trong thời kỳ Covid-19”

    Những “căn bệnh” mùa thi

    “Đến hẹn lại lên”, mùa thi cận kề là thời điểm các sĩ tử chuẩn bị “vượt ải” vào ngưỡng cửa lớp 10 THPT, hoặc trước thềm đại học và kỳ thi học kỳ, thi hết năm. Lịch học kín mít ở trường, học thêm, học ở nhà với số lượng bài kiểm tra, thi thử dồn dập… đòi hỏi phải tiếp thu càng nhân lên. Học ngày không đủ, nhiều thí sinh tranh thủ học đêm, gắng "nhồi" kiến thức đến mức quá tải.

    Theo diễn giả, PGS. TS Trần Thành Nam, các nghiên cứu chỉ ra rằng, các vấn đề tổn thương sức khỏe tâm thần gây ảnh hưởng từ 10-20% số trẻ em trong độ tuổi đến trường. Các vấn đề như tăng động giảm chú ý, hành vi hung tính, vi phạm chuẩn mực, sử dụng chất kích thích, lo âu, trầm cảm, rối loạn học tập đã được chứng minh kéo theo sự suy giảm thành tích, ảnh hưởng trực tiếp đến đầu ra của giáo dục. Nhu cầu muốn được tư vấn tâm lý về các vấn đề học tập, mối quan hệ và hành vi cảm xúc chiếm đến 80% số lượng học sinh. Khi nhu cầu cảm xúc hoặc các vấn đề gây căng thẳng của học sinh không được quan tâm, có thể dẫn tới việc không kiềm chế được bản thân, gây nên sự tức giận, các cuộc tấn công hoảng loạn hoặc suy nghĩ tự sát.

    Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Vũ Văn Trà chủ trì tại điểm cầu Trường THPT Hồng Bàng

    Một trong những giải pháp để giải quyết vấn đề này chính là các dịch vụ tham vấn học đường được triển khai trong nhà trường. Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT ngày 18-12-2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn công tác tư vấn tâm lý học đường đã ra đời để giải quyết thực trạng xã hội đó. Với sự hỗ trợ về hai phía tư vấn học tập và tâm lý, cha mẹ và học sinh có thể nhận được tư vấn nhiệt tình, đầy đủ cho khó khăn gặp phải. Lợi ích của việc tiếp nhận tư vấn tại trường là nhu cầu cá nhân và khẩn cấp của học sinh có thể xác định ngay lập tức. Học sinh cảm nhận về tình cảm, xã hội, trí tuệ và sự hỗ trợ tinh thần sẽ tìm thấy nhiều động lực. Đổi lại, phụ huynh, giáo viên, hiệu trưởng và cố vấn trường có thể chứng kiến sự phát triển và nỗ lực học tập của học sinh, giúp các em đạt được mục tiêu trong tương lai…

    Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Vũ Văn Trà phát biểu tại hội nghị trực tuyến

    Kinh nghiệm của giáo viên chủ nhiệm

    Chương trình tọa đàm “Giáo viên chủ nhiệm với công tác tư vấn tâm lý học sinh trong thời kỳ Covid-19” được tổ chức theo hình thức trực tuyến và livestream trực tiếp trên Fanpage của Trường Đại học Giáo dục - ĐHQGHN, địa chỉ  Facebook: https://www.facebook.com/education.vnu.edu.vn/, từ đầu cầu Hà Nội, do PGS. TS Trần Thành Nam - Chủ biên biên bộ tài liệu SGK Đạo đức theo Chương trình GDPT mới, đồng thời cũng là nhà tâm lý lâm sàng, chuyên gia đánh giá và can thiệp trị liệu tâm lý, thành viên nhóm chuyên gia của Bộ GD&ĐT về trường học hạnh phúc và phòng chống bạo lực học đường, làm diễn giả. Tại đầu cầu Hải Phòng có sự tham dự của 10.000 cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên chủ nhiệm tại trên 60 trường THPT  trên địa bàn thành phố Hải Phòng, 14 phòng giáo dục tại các quận huyện và một số trường THCS thực hiện thiết lập các điểm cầu trực tuyến.

    Thầy giáo Phạm Hoàng Hưng, Hiệu trưởng trường THPT Hồng Bàng phát biểu

    PGS. TS Trần Thành Nam khẳng định, thông qua việc  thực hiện tốt công tác tư vấn tâm lý cho học sinh, người giáo viên chủ nhiệm đã đóng góp một phần công sức không nhỏ vào sự nghiệp trồng người. Thông qua chương trình tọa đàm, giáo viên sẽ nắm được cơ bản những khó khăn tâm lý thường gặp của học sinh; đồng thời biết về quy trình hỗ trợ tâm lý cho học sinh sẽ diễn ra như thế nào. Từ đó, giáo viên chủ nhiệm sẽ nắm bắt được những thời điểm mấu chốt để hỗ trợ cho học sinh vượt qua những rào cản, khó khăn.

    Trước mùa thi, các em học sinh cần được chăm sóc nhiều hơn, giảm áp lực thi cử

    Cũng trong chương trình này, các chuyên gia hàng đầu về tâm lý giáo dục của Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ chia sẻ về cách thức sử dụng các công cụ để đánh giá những vấn đề của học sinh. Nhờ vậy, giáo viên có thể vận dụng linh hoạt và thành thạo các công cụ để đánh giá chính xác những vấn đề của học sinh là gì; biết cách phân tích nguyên nhân xác định vấn đề. Từ nguyên nhân, giáo viên sẽ nhận định được những phương pháp, cách giải quyết vấn đề sao cho hợp lý nhất có thể; biết đặt mục tiêu lên kế hoạch và biết sử dụng các nguồn học liệu từ các chuyên gia uy tín đến từ các trường đại học hỗ trợ học sinh vượt qua những áp lực, tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong quá trình học tập, ôn tập mùa thi…

    Đây là lần đầu tiên Hải Phòng ứng dụng, sử dụng CNTT để đảm bảo tốt buổi hội thảo trực tuyến với số lượng lớn chưa từng có thầy cô tham dự. Nội dung tọa đàm phù hợp với nhu cầu xã hội và tình hình thực tế của công tác giáo dục thể hiện sự nhanh nhạy, sát sao của lãnh đạo ngành giáo dục thành phố.

    HẢI HẬU

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông