Trường Cao đẳng Y tế Hải Phòng: Cái nôi đào tạo hàng vạn cán bộ y tế cơ sở vùng Duyên hải Bắc bộ

    09:26 23/10/2020

    Trường Cao đẳng Y tế Hải Phòng, tiền thân là trường Trung học Y tế Hải Phòng, được thành lập từ năm 1960 với tên gọi Trường Y sỹ Hải Phòng, mang nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực y tế trình độ trung cấp và sơ cấp. Do nhu cầu đào tạo ngày càng phát triển, nhằm đáp ứng nguồn nhân lực trong thời đại mới, với bề dày 60 năm xây dựng và phát triển, Trường Cao đẳng Y tế Hải Phòng từng bước khẳng định được vai trò, vị trí quan trọng của mình trong nền giáo dục của nước nhà, đào tạo nguồn nhân lực Y - Dược chất lượng cao, đáp ứng kịp thời công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người dân Hải Phòng và các tỉnh lân cận.

    Tập thể cán bộ, giảng viên Trường Cao đẳng Y tế Hải Phòng

    Đào tạo 35.000 cán bộ y tế cơ sở

    Tháng 10-1960, Trường Y sỹ Hải Phòng được thành lập trên cơ sở phân hiệu của Trường cán bộ Y tế Trung ương. Đến năm 1963, khi tỉnh Kiến An hợp nhất với thành phố Hải Phòng, Trường Y sỹ Kiến An sáp nhập với với Trường Y sỹ Hải Phòng và được đổi tên thành Trường cán bộ Y tế Hải Phòng. Đến năm 1976, Trường cán bộ Y tế Hải Phòng đổi tên thành Trường Trung học Y tế Hải Phòng, sau đó đổi tên thành trường Trung cấp Y tế Hải Phòng.

    Thời kỳ đầu mới thành lập, trong thời kỳ chiến tranh phá hoại ác liệt của đế quốc Mỹ (1969-1972), nhà trường đã hai lần phải đi sơ tán về các huyện An Lão, Kiến Thụy, Vĩnh Bảo và Thủy Nguyên, “thực hiện nhiệm vụ giảng dạy trong lòng dân”. Trong thời gian này, nhà trường đã đào tạo 1 lớp y sỹ đa khoa với 30 học viên là cán bộ từ chiến trường B ra học, sau khi tốt nghiệp đã trở lại chiến trường chiến đấu. Trong những năm tháng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, thầy trò nhà trường đã gồng mình cùng quân dân thành phố khắc phục hậu quả bom đạn, quên mình tham gia cứu thương người bị nạn. Trong cuộc kháng chiến, nhiều thầy cô giáo, CBCNV và học sinh của Trường đã tình nguyện vào Nam chiến đấu; trong đó, không ít người đã vĩnh viễn không trở về, anh dũng hy sinh...

    Sau chiến tranh, nhà trường tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị. Ngoài việc thường xuyên phối hợp tốt với các bệnh viện, các cơ sở y tế trong thành phố trong công tác đào tạo; nhiều năm, nhà trường còn được ngành y tế giao nhiệm vụ kết hợp với các huyện để tổ chức các lớp tại địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, góp phần đáp ứng nguồn đáp ứng nguồn nhân lực y tế tại các huyện xa thành phố, huyện đảo. Quy mô đào tạo của nhà trường không ngừng được mở rộng.

    Năm 2008, Trường Trung học Y tế Hải Phòng được nâng cấp thành Trường Cao đẳng Y tế Hải Phòng theo Quyết định số 1279/QĐ-BGDĐT, ngày 24-3-2008 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Quy mô đào tạo khoảng 2.000 HSSV, có thời điểm cao nhất lên đến 3.500 HSSV do nhu cầu xã hội, chủ yếu là đối tượng HSSV chính quy tốt nghiệp từ trung học phổ thông lên. Các mã ngành đào tạo chính là cao đẳng điều dưỡng, cao đẳng dược, y sỹ định hướng và hộ sinh trình độ trung cấp, trung cấp điều dưỡng, trung cấp dược. Số lượng thí sinh đăng ký luôn vượt so với chỉ tiêu năng lực đào tạo của nhà trường...

    Chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển, Trường Cao đẳng  Y tế Hải Phòng đã đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ tổng số trên 35.000 học sinh, sinh viên

    Tính đến năm 2020, trường đã đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ tổng số trên 35.000 học sinh, sinh viên, trong đó hệ cao đẳng trên 4.000 sinh viên. Sau đào tạo, học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường có đủ năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức làm việc, đóng góp tích cực trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, được các cơ sở y tế đánh giá cao. Nhiều người đã tiếp tục không ngừng học tập vươn lên đạt trình độ cao hơn, đại học và sau đại học, có học hàm, học vị. Trong đó, không ít người đã được giao trọng trách đảm nhiệm các cương vị quản lý của các cơ sở y tế: Giám đốc, Phó giám đốc, Trưởng khoa, phòng các bệnh viện.

    Trong những năm gần đây, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo chuyên môn đáp ứng nguồn nhân lực điều dưỡng, hộ sinh, dược sỹ, y sỹ cung cấp cho các bệnh viện, trung tâm y tế và phủ kín mạng lưới y tế cơ sở, nhà trường còn phối hợp với các bệnh viện, cơ sở y tế đào tạo và bồi dưỡng về kiến thức quản lý điều dưỡng cho các điều dưỡng viên, bồi dưỡng nghiệp vụ Dân số - KHHGĐ cho cán bộ làm công tác dân số - KHHGĐ, đào tạo nhân viên y tế thôn cho các huyện, góp phần thực hiện chủ trương phấn đấu đạt chuẩn quốc gia về y tế cơ sở của ngành Y tế Hải Phòng…

    Hướng đến thị trường nhân lực quốc tế

    Nắm bắt được thị trường lao động quốc tế đang có nhu cầu cao đối với ngành nghề điều dưỡng, nhà trường đã nhanh chóng tìm kiếm các đối tác trong và ngoài nước để HSSV nhà trường có cơ hội việc làm ở những nước phát triển, trong đó Nhật Bản và Đức là 2 thị trường được ưu tiên hàng đầu. Trong những năm 2015-2016, lãnh đạo nhà trường đã sang tận nơi ở các nước bạn để tìm hiểu cụ thể về điều kiện: học tập, lao động, sinh hoạt cũng như các điều kiện đảm bảo khác cho HSSV trước khi nhà trường phối hợp với các đối tác tư vấn giới thiệu việc làm cho các em tham gia tại các thị trường lao động ngoài nước.

    Sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Hải Phòng trong giờ thực hành

    Đây là một hướng đi mới, trong thời gian đầu, nhiều học sinh còn khá băn khoăn bởi chi phí lớn, trong khi đó phần lớn các em xuất thân từ các vùng nông thôn ngoại thành Hải Phòng, gia đình hầu hết là khó khăn. Lãnh đạo nhà trường với tư tưởng chỉ đạo: “Mỗi một HSSV được sang học tập và làm việc tại nước phát triển là xóa nghèo cho một gia đình”, nhà trường đã có nhiều cuộc bàn bạc với các đối tác trong và ngoài nước để các “nút thắt” dần được tháo gỡ, các em được các trường của các đối tác nước bạn tiếp nhận theo chương trình học bổng, do vậy các khoản chi phí của các em chỉ còn lại rất thấp, cơ hội của các em bắt đầu được mở ra. Đến năm 2020, theo Trung tâm lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đã có trên 50 HSSV của nhà trường đang học tập và làm việc tại 2 thị trường lao động là Nhật Bản và Đức, được các nước bạn đánh giá rất cao về chất lượng, tính kỷ luật và năng lực chuyên môn, ngoại ngữ; mong muốn tiếp tục tiếp nhận HSSV của nhà trường.

    Đến nay, Trường Cao đẳng Y tế Hải Phòng đã có quan hệ hợp tác quốc tế với một số tổ chức nước ngoài: CHLB Đức, Nhật Bản về hoạt động tư vấn, giới thiệu du học sinh của trường đi học tập và lao động tại các nước này, bước đầu mang lại kết quả rất đáng khích lệ. Đồng thời, Trường cũng tích cực tham dự các hội thảo về nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực y tế. Những hoạt động đối ngoại nói trên đã từng bước đưa HSSV nhà trường tham gia thị trường lao động quốc tế, mở ra một hướng đi mới cho nhà trường.

    "Muốn có trò giỏi phải có thầy giỏi", công tác cán bộ nhà trường từng bước được đầu tư nâng cao trình độ từ chỗ tỷ lệ cán bộ giáo viên có trình độ sau đại học là thạc sỹ chỉ chiếm: 46,1% tổng số CBGV vào năm 2015, đến năm 2019 tỷ lệ này lên tới: 61,7%. Trong đó, đặc biệt đối với khoa Điều dưỡng là một khoa chiếm tỷ trọng số lượng HSSV cao nhất trường, nhà trường cũng đầu tư đào tạo đội ngũ CBGV cho tới năm 2020 có: 50% CBGV có trình độ thạc sỹ chuyên ngành điều dưỡng. Ngoài ra cũng đến năm 2020 nhà trường tiếp tục gửi đi đào tạo tổng số: 5 người trình độ thạc sỹ. Để đảm bảo nguồn cán bộ giáo viên đạt tiêu chuẩn là người cán bộ "vừa hồng vừa chuyên", Đảng ủy nhà trường cũng đã gửi đào tạo nâng cao trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ giáo viên. Từ năm 2015 có 11 người chiếm 13,5% số CBGV có trình độ trung cấp LLCT, đến năm 2020 có 20 người chiếm 24,7%.

    Nhà trường cũng tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất các phòng học, giảng đường, đặc biệt chú trọng nâng cấp các phòng thực hành thực tập, đảm bảo diện tích theo quy định và đặc biệt các mô hình trang thiết bị cho công tác giảng dạy được đầu tư bài bản. Các mô hình phục vụ cho đào tạo tiền lâm sàng đều là những mô hình hiện đại xuất xứ từ các nước phát triển: Đức, Mỹ, Nhật… của các hãng có thương hiệu. Do vậy HSSV có điều kiện tiếp cận sát thực tế, sử dụng các kỹ thuật thành thạo để khi thực hành trên người bệnh HSSV thực hiện kỹ thuật đảm bảo an toàn, không để xảy ra những sai sót hoặc những sự cố khi thực tập trên giường bệnh…

    Những ngày này, cùng cả nước phòng chống đại dịch Covid-19, thầy trò nhà trường đã tích cực tham gia nhiều các hoạt động chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi đại dịch COVID-19, nhiều tấm gương thầy và trò tình nguyện tham gia các hoạt động phòng chống dịch của nhà trường đã tỏa sáng được các tổ chức xã hội và cộng đồng ghi nhận.

    HẢI HẬU

     

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông

    Liên kết hữu ích