Trường Cao đẳng Y tế Hải Phòng: Liên kết để “xuất khẩu” lao động đã qua đào tạo sang Nhật

    09:20 02/03/2019

    “Đi tắt, đón đầu” nắm bắt nhu cầu Nhật Bản cần tiếp nhận thêm 10.000 điều dưỡng viên Việt Nam cùng với những điều chỉnh chính sách, nới lỏng các điều khoản về nhập cư lao động ngành điều dưỡng, Trường Cao đẳng Y tế Hải Phòng đã đi đầu trong liên kết đưa thực tập sinh ngành điều dưỡng sang học tập, làm việc tại Nhật Bản…

    Các thầy thuốc tương lai của Trường Cao đẳng Y tế Hải Phòng

    Việc… tìm người

    Xã hội Nhật Bản hiện nay với độ tuổi trung bình cao trong khi những người trẻ Nhật lại có xu hướng ngại lập gia đình và sinh con. Chính vì vậy, có tới 1/5 dân số Nhật có độ tuổi trên 65 và con số này vẫn tiếp tục tăng mạnh. Bên cạnh đó, khi số người cao tuổi trong xã hội gia tăng và chất lượng cuộc sống không ngừng được nâng cao thì việc chăm sóc sức khỏe cho những người cao tuổi rất được chú trọng và cần một nguồn nhân lực vô cùng lớn. Nhưng một thực tế diễn không chỉ trong ngành điều dưỡng tại Nhật mà còn ở nhiều ngành học khác đó là thiếu nhân lực trầm trọng.

    Dân số Nhật không thể đủ để đảm bảo cho việc phát triển các ngành kinh tế và xã hội Nhật do đó luôn cần tới lực lượng lao động có chất lượng từ nước ngoài. Trong vòng mười năm, ước tính Nhật Bản sẽ cần từ 400 nghìn đến 600 nghìn hộ lý chăm sóc người cao tuổi. Nhật Bản đang có nhu cầu rất lớn trong việc tuyển dụng điều dưỡng, hộ lý sang nước này làm việc. Hiện nay, mức lương điều dưỡng tại Nhật Bản vào khoảng 130.000 đến 140.000 yên Nhật/tháng, còn đối với hộ lý là 140.000-150.000 yên Nhật/tháng.

    Nhật Bản bắt đầu nhận y tá và điều dưỡng viên Việt Nam trong khuôn khổ thỏa thuạn hợp tác EPA giữa hai nước từ năm 2014. Ông Masaki Kawaguchi, đại diện ban Đông Nam Á của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, hiện tại có 53 y tá và 417 điều dưỡng viên Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản. Tuy nhiên số lượng lao động này không thể đáp ứng hết nhu thực tế quá lớn của cơ sở y tế, trung tâm chăm sóc sức khỏe, bệnh viện tại Nhật Bản.

    Cùng với đó các yêu cầu, quy định về trình độ tiếng Nhật đối với lao động trong lĩnh vực điều dưỡng cao hơn cũng gây hạn chế số lượng người đăng kí. Để giải quyết vấn đề thiếu nhân lực ngành điều dưỡng, Nhật Bản đang lên kế hoạch tuyển 10.000 hộ lý, điều dưỡng viên Việt Nam sang Nhật làm việc từ nay đến giữa năm 2020. Đây là cơ hội việc làm lớn cho sinh viên ngành Y chuyên ngành điều dưỡng hoặc điều dưỡng đa khoa.

    Trong khi đó tại Hải Phòng, mỗi năm có khoảng 400 sinh viên ngành điều dưỡng của 2 trường: CĐ Y tế Hải Phòng và ĐH Y dược Hải Phòng tốt nghiệp, chưa kể lượng sinh viên điều dưỡng, y tá, hộ lý… từ các địa phương khác về Hải Phòng làm việc. Theo PGS.TS Vũ Đức Long, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Y tế Hải Phòng, nếu không có chính sách hỗ trợ kịp thời, đội ngũ nhân lực này sẽ khó có cơ hội tìm kiếm được việc làm tại các cơ sở y tế của thành phố, gây lãng phí lớn cho xã hội và mỗi gia đình, cũng như ảnh hưởng không nhỏ tới tương lai của chính các em.

    Các chuyên gia Nhật Bản giao lưu cùng sinh viên Trường cao đẳng Y tế Hải Phòng

    Bắt kịp thị trường lao động

    Hiện nay, các điều dưỡng viên nước ngoài chỉ được gia hạn cư trú ở Nhật Bản khi vượt qua được bài kiểm tra trình độ ngoại ngữ sau 1 năm học tiếng tại đây. Nếu không đạt yêu cầu, họ sẽ phải về nước. Tuy nhiên, mới đây Nhật Bản đang tiến hành nghiên cứu chính sách gia hạn mới, theo đó các điều dưỡng viên sẽ được ở lại Nhật Bản thêm 2 năm với điều kiện họ cam kết tiếp tục học tiếng Nhật. Sự điều chỉnh quy định này có thể bắt đầu có hiệu lực từ tháng 3-2019.

    Ngoài việc nới lỏng yêu cầu về trình độ tiếng Nhật, từ tháng 4-2019, Nhật Bản sẽ áp dụng hệ thống cấp thị thực mới, ưu tiên đặc biệt đối với những lao động trong lĩnh vực điều dưỡng. Nếu Dự luật này thông qua, các ứng viên hộ lý điều dưỡng sẽ có cơ hội được gia hạn thời gian làm việc tại Nhật lên 5 năm thay vì 3 năm như trước kia.

    Điều kiện để được cấp thị thực 5 năm cũng không quá khắt khe như thị thực dài hạn. Theo hãng tin Kyodo cho biết, nếu Quốc hội Nhật Bản thông qua dự luật nới lỏng quy định về tiếp nhận lao động nước ngoài, Nhật Bản sẽ tiếp nhận khoảng 60.000 điều dưỡng viên trong 5 năm tới. Đây là cơ hội việc khá hấp dẫn với sinh viên có nguyện vọng đi làm việc tại Nhật Bản.

    Trước cơ hội khi những đòi hỏi khắt khe về lao động nhập cư đã được nới lỏng nhiều như vậy, là một trong những trường đầu tiên tại Hải Phòng đào tạo liên kết với Nhật Bản đưa thực tập sinh ngành điều dưỡng sang học tập, làm việc, thời gian tới, Trường cao đẳng y tế Hải Phòng chủ động triển khai đưa sinh viên sang Nhật làm việc theo diện lao động chính thức.

    PGS.TS Vũ Đức Long, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, sau khi hoàn tất thời gian học tại Việt Nam, sinh viên phải tiếp tục học tiếng Nhật để đạt trình độ N2. Khi sang Nhật Bản, các em tiếp tục học bổ sung, hoàn thiện các kỹ năng, kiến thức cần thiết để làm việc trong môi trường y tế hiện đại của Nhật Bản. Hầu hết các em đều được sang theo diện học bổng, do đối tác phía Nhật tài trợ kinh phí học tiếng. Các khoản chi phí làm thủ tục đều ở mức thấp nhất. Tại Nhật, ngoài giờ học, các em được thực hành và làm thêm ngay tại các cơ sở chăm sóc người cao tuổi do đối tác Nhật Bản liên hệ.

    Trường cao đẳng y tế Hải Phòng cũng thường xuyên mời các chuyên gia Nhật Bản đến giao lưu với thầy và trò nhà trường để tăng thêm hiểu biết, mở rộng cơ hội việc làm cho các sinh viên. Ông Hiroshi Nakagawa, Chủ tịch Tập đoàn y tế Nakagawa đã chia sẻ với sinh viên nhà trường, ngành Y tế luôn là lĩnh vực có nhiều cơ hội cho các bạn sinh viên sau khi làm việc tại Nhật, trở về cống hiến cho đất nước. Hầu hết sinh viên sau khi tới Nhật Bản đều phải trải qua một khóa đào tạo nhằm trang bị những kiến thức, kỹ năng làm việc trong các cơ sở y tế hiện đại, cũng như tiếp thu văn hóa ứng xử phù hợp để thích nghi với môi trường làm việc mới.

    Cùng với Nhật Bản, Trường Cao đẳng Y tế Hải Phòng cũng đã gặp gỡ đại diện các cơ sở y tế của Cộng hòa liên bang Đức, Cộng hòa Czech… nghiên cứu cơ hội việc làm cho sinh viên ngành điều dưỡng, y tá tại những nước này. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là kinh phí ban đầu cho sinh viên để hoàn thiện hồ sơ du học và xuất khẩu lao động. Do đó, trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục đàm phán với đối tác để có những chính sách hỗ trợ kinh phí, giảm bớt khó khăn cho những sinh viên nghèo.

    HẢI HẬU

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông