Trường Đại học Hàng hải Việt Nam: Chuẩn hóa nguồn nhân lực Logistics

    09:27 24/09/2019

    Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam hiện là cơ sở đào tạo lớn nhất, đủ năng lực đào tạo đủ nguồn và chất lượng quốc tế về nhân lực logistics cho khu vực phía Bắc. Năm học 2019-2020, điểm xét tuyển lần 1 của ngành Logistics và chuỗi cung ứng (nhóm Kinh tế và Luật) có điểm trúng tuyển cao nhất toàn trường, ở mức 22 điểm, đã cho thấy sức nóng của ngành nghề này, hứa hẹn cho ra đời nguồn nhân lực tài năng và được đào tạo bài bản…

    Hải Phòng sẽ trở thành Trung tâm logistic khu vực phía Bắc trong tương lai gần

    Nhân lực logistic cần thiết trong sự phát triển Vùng KTTĐ Bắc Bộ

    Báo cáo tại Hội nghị phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm (KTTĐ) Bắc Bộ tổ chức cách đây không lâu, PGS.TS. Phạm Xuân Dương, Hiệu trưởng Trường ĐH Hàng hải Việt Nam khẳng định, vùng KTTĐ Bắc Bộ có vị trí địa chính trị quan trọng bậc nhất và là trung tâm kinh tế, văn hoá và khoa học công nghệ của cả nước, giữ vị trí, vai trò đặc biệt trong quá trình phát triển của cả nước.

    Theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, vùng KTTĐ Bắc Bộ sẽ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm thời kỳ 2021-2030 đạt 8,7% (gấp 1,3 lần mức bình quân chung của cả nước); GDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt 10.500 - 12.000 USD vào năm 2030; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đến năm 2030 tỷ trọng nông lâm thủy sản trong GDP là 2,2%, công nghiệp - xây dựng 47,8% và dịch vụ 50%. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu so với cả nước bằng 39% vào năm 2030; đi đầu trong tiến trình hiện đại hóa, tốc độ đổi mới công nghệ đạt bình quân 20%/năm.

    Vùng KTTĐ Bắc Bộ còn là một đầu mối giao thông với các nước trên thế giới bằng các loại hình giao thông một các thuận lợi. Trong đó, Hải Phòng là cảng đầu mối, cửa ngõ của khu vực phía Bắc và cả nước ra Vịnh Bắc Bộ và thế giới, với quy mô và sản lượng hàng hoá thông qua cảng đứng thứ 2 toàn quốc chỉ sau TP. Hồ Chí Minh. Trong thời gian qua, kết cấu hạ tầng giao thông của vùng có những chuyển biến rõ nét, nhiều công trình lớn, hiện đại được đưa vào khai thác.

    Nhờ những nỗ lực đó, chỉ số Logistics (LPI) của Việt Nam thăng hạng hàng năm trên bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB) - năm 2016: xếp hạng 64; năm 2018: thăng hạng lên thứ 39. Tuy nhiên, dịch vụ logistics của chúng ta chưa tương xứng với tiềm năng và qui mô của nền kinh tế. Bên cạnh những bất cập về cơ sở hạ tầng thì vấn đề về chất lượng, quy mô nguồn nhân lực logistics của vùng KTTĐ Bắc Bộ cũng là một điểm nghẽn vô cùng nghiêm trọng. Thực trạng nguồn cung ứng nhân lực hiện nay cho ngành chỉ đáp ứng chưa được 50% nhu cầu thực tế. Vấn đề này cần phải được đầu tư và quan tâm đúng mức để giải quyết bài toán khai thác, vận hành, phát triển mạng lưới logistics hiệu quả, tạo động lực cho phát triển kinh tế trong vùng.

    Chuẩn hóa nguồn nhân lực, đón đầu xu thế phát triển

    Cũng theo Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam, hiện nay, ở khu vực phía Bắc có 8 trường đào tạo nhân lực ngành logistics. Trường Đại học Hàng hải Việt Nam là cơ sở đào tạo nhân lực logistics lớn nhất, cũng đủ năng lực đào tạo đủ nguồn và chất lượng quốc tế cho ngành nghề này.

    Từ năm 2012, nhận thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ của ngành logistics trong nước và thế giới, Nhà trường đã chính thức mở chuyên ngành Logistics và Quản trị chuỗi cung ứng với số lượng tuyển sinh ban đầu là 200 sinh viên/năm. Đến nay, tổng số sinh viên chuyên ngành logistics của Nhà trường đã và đang được đào tạo là 1.500 sinh viên với số lượng sinh viên tuyển sinh 300 sinh viên/năm.

    Đặc biệt, Nhà trường còn có chuyên ngành Kinh doanh Quốc tế và Logistics giảng dạy toàn bộ bằng Tiếng Anh theo chương trình hợp tác với Học viện Hàng hải California (Hoa Kỳ). Các chuyên ngành đào tạo cho lĩnh vực logistics và có liên quan trực tiếp bao gồm: Logistics & chuỗi cung ứng; Kinh doanh quốc tế & Logistics (học toàn bộ bằng Tiếng Anh); Kinh tế ngoại thương (có 2 chương trình, Tiếng Anh + Tiếng Việt); Kinh tế Hàng hải (học toàn bộ bằng Tiếng Anh); Quản lý kinh doanh & Marketing (học toàn bộ bằng Tiếng Anh); Kinh tế vận tải biển; Kinh tế vận tải thuỷ. Toàn bộ số lượng sinh viên chuyên ngành logistics và các chuyên ngành liên quan như: Kinh tế vận tải biển, Kinh tế ngoại thương, Kinh tế vận tải thuỷ... đều được các doanh nghiệp logistics lớn của Hải Phòng và toàn quốc tuyển dụng, hiện đang đóng góp hiệu quả cho hoạt động của doanh nghiệp, đảm nhận các vị trí quan trọng và được doanh nghiệp đánh giá rất cao. Nhà trường cũng chủ động hợp tác toàn diện với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) trong đào tạo, NCKH và tạo điều kiện để giảng viên, sinh viên chuyên ngành Logistics được đi thực tế, thực tập tại các doanh nghiệp thuộc VLA.

    Bên cạnh đó, Trung tâm đào tạo Logistics Tiểu vùng Mekong - Nhật Bản tại Việt Nam trực thuộc Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, được thành lập và phát triển từ sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản đảm nhiệm vai trò thực hiện các khoá đào tạo ngắn hạn, khoá đào tạo chuyên sâu, bồi dưỡng nghiệp vụ theo yêu cầu của doanh nghiệp. Các khoá đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ tại Trung tâm được chia thành 2 cấp độ: quản lý và vận hành. Các khoá học quản lý gồm: Bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ quản trị logistics, chuỗi cung ứng; Quản lý kho; Quản lý vận tải; Kinh doanh logistics; Kinh doanh xuất, nhập khẩu. Các khoá học vận hành gồm: Điều khiển xe nâng; Lái xe an toàn, sinh thái; Vận hành kho; Đóng gói hàng hoá; Bốc xếp hàng hoá; Khai báo hải quan.... Các khoá đào tạo tại Trung tâm đều được hướng dẫn, chuyển giao công nghệ từ các chuyên gia Nhật Bản trực tiếp thực hiện.

    Hiện nay, Nhà trường đã vận động thành công và đang triển khai giai đoạn 2 của dự án với tổng giá trị là 1 triệu USD do Chính phủ Nhật Bản viện trợ qua JAIF. Mục tiêu của giai đoạn 2 của dự án là nâng cao năng lực cho trung tâm theo hướng hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn đào tạo tiên tiến của Nhật Bản góp phần vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực logistics của khu vực.

    HẢI HẬU

     

     

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông