Trường học hạnh phúc - thay đổi từ tư duy đến hành động

    17:34 17/12/2020

    Xây dựng “Trường học hạnh phúc” luôn là nỗi trăn trở của mỗi nhà giáo. Đây cũng chính là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục đang đặt ra, đòi hỏi từ lãnh đạo, giáo viên đến học sinh đều phải phấn đấu chuyển biến. Mới đây, Trường tiểu học Nguyễn Tri Phương (quận Hồng Bàng) tổ chức chuyên đề cấp thành phố xây dựng “Trường học hạnh phúc”. Với tiêu chí: “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, ngôi trường này trong năm học 2020-2021 đã tiên phong trong phong trào xây dựng “Trường học hạnh phúc” trên địa bàn thành phố…

    Trường tiểu học Nguyễn Tri Phương (quận Hồng Bàng) tổ chức chuyên đề cấp thành phố xây dựng trường học hạnh phúc

    Nhiệm vụ đặc biệt

    Lấy cảm hứng từ mô hình Happy School của UNESCO, mô hình “Trường học hạnh phúc” được triển khai thí điểm vào tháng 4-2018 ở một số trường học tại TP Huế và đang được nhân rộng trên địa bàn cả nước. Nghĩa của cụm từ “Trường học hạnh phúc” có thể hiểu là nơi không có bạo lực học đường, không có hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, không có những hành xử xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể nhà giáo và học sinh.

    Để xây dựng trường học hạnh phúc đúng nghĩa, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ từng nhấn mạnh, có ba tiêu chí quan trọng để xây dựng nên một trường học hạnh phúc, đó là: yêu thương, an toàn và tôn trọng; đồng thời xác định hoạt động nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo - người lao động là yếu tố quyết định để xây dựng nên một trường học hạnh phúc. Đây được xem là một trong những hoạt động trọng tâm của ngành Giáo dục từ năm học 2018-2019 đến những năm tiếp theo, nhằm giúp cho đội ngũ giáo viên ngày càng vững mạnh mọi mặt và sẵn sàng tích cực đồng hành với lộ trình đổi mới giáo dục của nước nhà.

    Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Vũ Văn Trà trao quà tặng học sinh nhà trường

    Một cách dễ hiểu nhất, “Trường học hạnh phúc” là nơi thầy cô, học sinh cũng như phụ huynh đều cảm thấy hạnh phúc trong quá trình dạy và học. Là nơi tình yêu thương giữa các nhà giáo, giữa thầy và trò, giữa học sinh với nhau được trân trọng và bồi đắp hàng ngày. Ngoài ra, “Trường học hạnh phúc” phải là nơi an toàn cho các hoạt động dạy và học của thầy trò, không tồn tại cách hành xử bạo lực, không diễn ra các hành vi phi đạo đức. Bên cạnh truyền thụ kiến thức, kỹ năng, thái độ cho học sinh, trường còn chú trọng giáo dục bồi đắp tâm hồn đẹp cho các em. Mọi xúc cảm riêng biệt, cá tính sáng tạo của thầy và trò phải luôn được tôn trọng, không bị áp đặt một cách máy móc, rập khuôn theo phương cách giáo dục xưa cũ lỗi thời, lạc hậu.

    Mục tiêu các hoạt động của nhà trường không chỉ nhằm làm cho giáo viên và học sinh cảm thấy hạnh phúc trong quá trình dạy và học, mà còn từ nơi khởi đầu đó, hạnh phúc sẽ lan tỏa đến phụ huynh học sinh và toàn xã hội.

    Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Hải Phòng Lâm Tố Trinh trao quà học sinh nhà trường

    Chuyên đề làm thay đổi nhận thức

    Nhằm xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh, mỗi lớp học thực sự trở nên hạnh phúc, mỗi ngày đến trường của học sinh thực sự là một ngày vui, Trường tiểu học Nguyễn Tri Phương (quận Hồng Bàng) mới đây đã tổ chức chuyên đề cấp thành phố về xây dựng “Trường học hạnh phúc”. Dự chuyên đề có lãnh đạo Sở GD-ĐT, lãnh đạo UBND quận, Phòng GD-ĐT quận Hồng Bàng cùng đông đảo giáo viên tiểu học trên địa bàn quận.

    Trong không khí vui tươi, phấn khởi, các vị đại biểu được thưởng thức những tiết mục hát, múa đặc sắc do học sinh nhà trường biểu diễn; xem phóng sự chuyên đề “Trường học hạnh phúc - thay đổi từ tư duy đến hành động”. Phóng sự được thể hiện với những hình ảnh, chia sẻ, mong muốn của các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh cùng các bạn học sinh để hướng đến việc xây dựng thành công Trường tiểu học Nguyễn Tri Phương trở thành một “Trường học hạnh phúc”. Tiếp đó, các đại biểu được trải nghiệm giờ học hạnh phúc và giờ chơi hạnh phúc; giao lưu sau giờ ra chơi và gửi thông điệp “Những mong muốn của các em về ngôi trường hạnh phúc”.

    Mô hình cô trò nhà trường làm được trưng bày tại chuyên đề

    Phát biểu tại chuyên đề, nhà giáo Nguyễn Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng nhà trường khẳng định, Trường học hạnh phúc - hiểu một cách đơn giản nhất là một ngày đến trường, giáo viên, học sinh đều cảm thấy là một ngày vui và thực sự ý nghĩa. Vì thế, nhiệm vụ của thầy cô giáo không chỉ đơn giản là lên lớp với những bài giảng trong sách vở và những vận dụng thực tế, mà còn là làm thế nào để học sinh thấy được ngôi trường của mình trở thành một nơi thú vị. “Đó là một mục tiêu mà tất cả chúng ta đều hướng đến vì tương lai của học sinh. Vì vậy, sứ mệnh của người thầy lại càng trở lên thiêng liêng vào cao cả hơn bao giờ hết. Sự tôn vinh, kính trọng đối với nhà giáo không chỉ ở kiến thức uyên thâm hay ở tài nghệ sư phạm mà quan trọng hơn cả là sự mô phạm về phẩm chất đạo đức, lòng yêu nghề, mến trẻ, sự mẫu mực trong lối sống, ở giá trị cao cả và trong sáng của nhân cách nhà giáo” - Hiệu trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.

    Nhà giáo Bích Ngọc đề nghị, bản thân mỗi nhà giáo cần phải thay đổi, từ nhận thức đến hành động, từ những điều nhỏ nhất và cần lắm sự chung tay của toàn xã hội. Đó là nỗ lực từ các cấp quản lý giáo dục nhằm tinh gọn, thống nhất, khoa học trong chỉ đạo, điều hành; giảm bớt gánh nặng, áp lực về hệ thống văn bản, cũng như tích hợp thống nhất các tiêu chuẩn đánh giá xếp loại đội ngũ. Đối với Hiệu trưởng, đó là sự thay đổi tư duy, cách nghĩ, quan điểm quản trị, cách thức điều hành, chuyển từ tư duy quản lý, mệnh lệnh hành chính sang tư duy phục vụ, đặt lợi ích của người học lên hàng đầu, tạo động lực cho giáo viên, để mỗi thầy cô thực sự hạnh phúc và hạnh phúc đó sẽ được lan tỏa tới tất cả học sinh. Đối với giáo viên, đó là yêu thương học trò bằng tất cả trái tim và tấm lòng nhân ái của mình, lan tỏa cho học sinh niềm tin và tình yêu vào cuộc sống, vào tương lai bằng chính những cử chỉ đầy tính nhân văn.

    Chuyên đề đã thực sự trở thành ngày hội của học sinh

    Cô Hiệu trưởng kêu gọi đội ngũ nhà giáo hãy làm cho mỗi lớp học thực sự trở nên hạnh phúc, để mỗi ngày đến trường của học sinh thực sự là một ngày vui. “Để thay đổi thế giới, tôi - Hiệu trưởng sẵn sàng thay đổi và rất cần sự thay đổi của các thầy cô, các em học sinh và các bậc phụ huynh”, cô nói.

    HẢI HẬU

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông