21:18 12/10/2015
Trong quá trình thực hiện chính sách của nhà nước về việc hỗ trợ nông dân khắc phục hậu quả thiên tai, ông Đoàn Văn Long, Trưởng khu dân cư Đồng Pháp, phường Ái Quốc, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương, đã lập khống hồ sơ, giả mạo chữ ký của người dân, trong đó có cả những người đã chết, để nhận tiền hỗ trợ lúa chết vụ chiêm xuân năm 2014 sử dụng cho mục đích cá nhân mà không đếm xỉa đến nỗi khổ của những người dân nghèo đang mòn mỏi trông đợi nguồn kinh phí hỗ trợ của nhà nước… Vụ chiêm xuân năm 2014, thời tiết khắc nhiệt, rét đậm, rét hại kéo dài gây hậu quả nặng nề cho sản xuất nông nghiệp, trong đó địa bàn tỉnh Hải Dương có hàng trăm hécta lúa chết phải gieo trồng lại. Để đảm bảo an ninh lương thực và ổn định đời sống cho nhân dân, tỉnh Hải Dương đã giao Sở NN&PTNT tổ chức kiểm tra, rà soát, tổng hợp diện tích lúa chết, hỗ trợ nông dân 99.900 đồng/sào (360m2) để tái sản xuất. Chính sách đó đã giúp củng cố niềm tin của người nông dân đối với công tác phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tuy nhiên, khi nhiều địa phương trong tỉnh làm tốt công tác thống kê và đến tháng 9-2014 hoàn thành việc chi trả tiền hỗ trợ lúa chết cho nhân dân thì tại khu dân cư Đồng Pháp, phường Ái Quốc, thành phố Hải Dương, một trong những nơi có diện tích lúa chết khá lớn, người dân vẫn “mù mịt” về chính sách hỗ trợ đó của nhà nước. Ông Vũ Văn Toán, sinh 1950, ở khu dân cư Đồng Pháp, cho biết: Cuối năm 2014, một người em họ của ông ở Vũ Thượng có hỏi đã nhận được tiền hỗ trợ lúa chết vụ chiêm xuân năm 2014 chưa thì ông mới giật mình bảo làm gì có. Sau đó ông có hỏi một số người dân trong khu dân cư thì không ai biết về chính sách hỗ trợ trên.
Qua tìm hiểu tại các khu dân cư lân cận thì mọi người được biết, nhà nước có chính sách hỗ trợ các hộ dân có lúa chết do rét đậm, rét hại với trị giá 99.000 đồng/sào nên ông cùng một số hộ dân đến hỏi ông Đoàn Văn Long, Trưởng khu dân cư về việc này thì ông Long cho biết: “Thời gian đó tôi đi vắng, không nhận được thông báo của phường. Tôi có gửi danh sách lên HTX dịch vụ nông nghiệp nhưng chưa được duyệt và nếu có được duyệt thì cũng không đáng là bao nhiêu”. Quá bức xúc, các hộ dân khu dân cư Đồng Pháp đến HTX dịch vụ nông nghiệp Ái Quốc để hỏi thì ông Nguyễn Đức Thiết, Chủ nhiệm HTX trả lời: “Tiền hỗ trợ lúa chết vụ chiêm xuân năm 2014 của khu dân cư Đồng Pháp đã nhận từ tháng 9-2014, có danh sách ký nhận của các hộ dân”?! Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết, vụ chiêm xuân năm 2014, nhiều hộ gia đình ở khu dân Đồng Pháp không có diện tích lúa chết nhưng vẫn nằm trong danh sách được ông Long lập ra để nhận tiền hỗ trợ của nhà nước, điển hình là ông Vũ Văn Huệ, Vũ Xuân Quyền, được “vẽ” cho 1 đến 2 sào lúa chết và ký nhận hộ để lĩnh tiền; ông Vũ Văn Chung, Vũ Văn Thái, Vũ Như Đắc đã mất nhiều năm trước nhưng vẫn có chữ ký sống; một số hộ gia đình đã định cư ở các tỉnh, thành phố khác, hiện không còn trồng trọt tại địa phương nhưng cũng nằm trong danh sách và ký nhận tiền; những thửa ruộng đã chuyển đổi trồng hoa màu như chuối, ổi… đều được ông Long cho vào danh sách để lấy tiền hỗ trợ của nhà nước. Cũng theo danh sách ông Long lập và đã lĩnh tiền thì vụ chiêm xuân năm 2014, khu dân cư Đồng Phát có 257 hộ nằm trong diện hỗ trợ với tổng diện tích lúa chết là 157.804m2, tổng số tiền hỗ trợ theo quy định nhà nước là 43 triệu 790.607 đồng. Tuy nhiên, số tiền hỗ trợ này đã được ông Long lấy từ tháng 9-2014 nhưng đến nay người dân vẫn chưa được nhận và chính sách đầy ý nghĩa giúp đỡ nông dân của nhà nước vẫn chưa được sử dụng đúng mục đích. Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Duy Do, Phó chủ tịch UBND phường Ái Quốc, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương, xác nhận có sự việc như trên và cho biết thêm: Cuối tháng 3-2014, phường Ái Quốc nhận được công văn yêu cầu lập danh sách về diện tích lúa chết và có chữ ký xác nhận của các hộ dân để trên cơ sở đó tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí cho các hộ nông dân có lúa bị chết tiếp tục gieo cấy theo đúng mùa vụ. Do gấp gáp nên ông Đoàn Văn Long, Trưởng khu dân cư Đồng Pháp chưa thông báo rộng rãi chủ trương, chính sách đó đến với người dân để họ kê khai diện tích và nhận hỗ trợ theo quy định. Bên cạnh đó, ông Long lập danh sách mà chưa rõ diện tích của các hộ cũng như giả mạo chữ ký của nhiều hộ dân, nhận tiền hỗ trợ nhưng chưa chi trả là trái quy định, gây bức xúc trong dư luận. Hiện đoàn kiểm tra của phường đang xác minh, làm rõ và sẽ xử lý theo quy định pháp luật. Kinh phí nhà nước hỗ trợ cho người dân trồng lúa khắc phục hậu quả thiên tai phải đến đúng người thuộc diện thụ hưởng. Cán bộ làm sai cần sớm được các cấp của thành phố Hải Dương xử lý theo quy định của pháp luật để lấy lại niềm tin của người dân, giữ nguyên kỷ cương phép nước. PV |
22:29 23/11/2024
09:46 21/11/2024