08:49 27/02/2023 Sau quãng thời gian dài ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19, tháng Giêng (AL) năm nay đã chứng kiến sự bùng nổ của du lịch cộng đồng, gắn với hoạt động trở lại của các tụ điểm du lịch tâm linh trên địa bàn Hải Phòng cũng như cả nước. Đây chính là cơ hội và xem như “liều thuốc thử” để phân ngành kinh tế du lịch rà soát lại thực trạng, chủ động chuẩn bị cho mùa du lịch mới.
Mở màn ấn tượng
Nhìn lại gần 3 năm qua, kể từ khi các biện pháp hạn chế hoạt động xã hội nhằm ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 được triển khai năm 2020, phải khẳng định rằng phân ngành kinh tế du lịch và các dịch vụ liên quan bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Từ các hoạt động lễ hội phải dừng tổ chức, các tụ điểm du lịch không thể đón khách cho đến hoạt động lưu trú, lữ hành, vận tải khách và dịch vụ ăn uống đều lâm vào tình trạng đình đốn. Trong hoàn cảnh đó, nhiều nhà đầu tư đã phải bỏ nghề, doanh số của nhóm ngành này bị giảm sút nghiêm trọng.
Bước sang năm 2022, khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, nhiều lĩnh vực đã hoạt động trở lại, nhưng thực tế chỉ diễn ra bình thường từ quý 2/2022, còn khoảng thời gian đáng kể nhất là “tháng Giêng ăn chơi” của năm Nhâm Dần vẫn bị ngắt quãng.
Có lẽ chính vì vậy, ngay sau khi vãn cuộc tết Quý Mão vừa qua, giá trị du lịch của mùa lễ hội “tháng Giêng” lập tức được phục hồi và có phần bùng nổ mạnh mẽ hơn so với thời kỳ trước. Ở bất cứ tụ điểm du lịch tâm linh nổi tiếng nào trên địa bàn Hải Phòng cũng như cả nước, người dân cũng nườm nượp, có những tụ điểm không khí náo nhiệt kéo dài cả tháng.
Nhờ vậy hoạt động của các dịch vụ liên quan cũng bùng phát trở lại, nhất là vận tải khách, lưu trú, lữ hành và dịch vụ ăn uống nhà hàng. Hiện chưa có số liệu thống kê của ngành chức năng đối với tháng 2/2023 (gần trùng với tháng Giêng âm lịch), nhưng chỉ nhìn vào số liệu của tháng 1 đã cho thấy sự sôi động của các hoạt động dịch vụ.
Cụ thể: doanh thu dịch vụ lưu trú tháng đạt 140,1 tỷ đồng, tăng 8,86%; doanh thu dịch vụ ăn uống đạt 1.711,3 tỷ đồng, tăng 27,02%... đặc biệt doanh thu du lịch lữ hành đạt 7,2 tỷ đồng, tới gần 12 lần so với cùng kỳ năm trước. Còn trong lĩnh vực vận tải khách, khối lượng hành khách được vận chuyển tháng 1/2024 đạt khoảng 5,3 triệu lượt, tăng xấp xỉ 3 lần so với cùng tháng năm 2022.
Với những gì đã diễn ra trong những tháng đầu năm, nếu tình hình khách quan tiếp tục diễn biến thuận lợi, thì có thể nói năm 2023 này sẽ mang đến cơ hội rất lớn cho phân ngành kinh tế du lịch thành phố. Trước mắt là kỳ nghỉ “2 trong 1” kết hợp giữa Giỗ Tổ Hùng Vương, Ngày Thống nhất 30/4 và Quốc tế lao động 1/5 kéo dài tới 5 ngày liên tục.
Đây là điêm nhấn hết sức quan trọng, có ý nghĩa khởi đầu cho mùa du lịch biển mà Hải Phòng là một trong những địa phương có thế mạnh, với những điểm đến nổi tiếng như Đồ Sơn, Cát Bà và hàng loạt công trình mới được đầu tư xây dựng.
Chủ động để “hút khách”
Trong trạng thái bình thường, mùa du lịch biển của Hải Phòng thường khởi đầu ngay từ tháng 4 hàng năm: đối với Cát Bà là dịp kỷ niệm Ngày Bác Hồ về thăm làng cá 1/4, đối với Đồ Sơn thì đã nhiều năm nay liên hoan du lịch cũng được tổ chức vào dịp này.
Về tổng thể, các hoạt động du lịch sẽ gắn với dịp kỷ niệm Ngày giải phóng Hải Phòng 13/5 với đỉnh điểm là Lễ hội Hoa Phượng Đỏ. Kinh nghiệm từ những năm trước cho thấy, trong khoảng thời gian nêu trên, lượng khách đến Hải Phòng tăng rất mạnh, kéo theo sự khởi sắc của thị trường hàng hóa cũng như các dịch vụ liên quan.
Có thể nói, gần 3 năm ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 vừa qua là “ác mộng” của nhiều người làm du lịch, nhưng thực tế cũng cho thấy đây cũng là dịp để nhiều nhà đầu tư có tiềm lực lớn rà soát, củng cố làm mới chính mình.
Những năm gần đây, nhiều công trình lớn liên quan đến hoạt động du lịch đã hiển hiện ở Hải Phòng, như cụm du lịch – đô thị - vui chơi giải trí đảo Vũ Yên, các quần thể mới tại khu du lịch Cát Bà với điểm nhấn là tuyến cáp treo của tập đoàn SunGroup. Còn tại Đồ Sơn, công trình mới tại khu du lịch Đồi Rồng đang hứa hẹn đem lại không khí náo nhiệt với nhiều hạng mục trải nghiệm lạ đã được hoàn thiện.
Nhất là khi giao thông ở Hải Phòng ngày càng thuận tiện, thì vấn đề khoảng cách về không gian giữa các trung tâm du lịch với nội thành không còn đáng kể. Theo chia sẻ của chị Vũ Kim Dung – một hướng dẫn viên du lịch thì không ít đòan khách đi tour trong ngày, họ chỉ đến các điểm du lịch để trải nghiệm, sau đó quay trở lại nội thành ăn uống để tránh chi phí đắt đỏ.
Mặt khác, cũng nhờ giao thông tốt, nên diễn biến của thị trường hàng hóa vùng du lịch biến động cũng ngay lập tức tác động tới thị trường chung toàn thành phố. Ông Đào Quang Sơn – một tieur thương kinh doanh thủy sản cho biết, kinh nghiệp cho thấy tạo dấu ấn mạnh nhất về ẩm thực có lẽ là các mặt hàng hải sản diện đặc sản, được chế biến theo phong cách dân dã của người vùng biển.
Cũng liên quan đến thị trường thực phẩm mùa du lịch, ở phân khúc khác, một số thực phẩm chế biến, đồ giải khát và thực phẩm khác cũng sẽ được dịp gia tăng doanh số bán.
Trong khi đó, một trong những điều rất được du khách quan tâm có lẽ chính là việc thuê cũng như giá dịch vụ phòng, các tiện ích liên quan của các cơ sở lưu trú, điều mà trong quá khứ Hải Phòng đã bộc lộ một số vấn đề bất cập.
Hơn nữa, đối với cả thị trường hàng hóa lẫn dịch vụ các loại, khi nhu cầu tăng cao cũng thường dẫn đến những vấn đề tiêu cực khác như tăng giá, thổi giá, chèn ép du khách theo cách thiếu lành mạnh.
Có thể hiểu là, không khí rạo rực của “thị trường du lịch” trong tháng Giêng vừa qua mới chỉ là liều “thuốc thử”, và ngành du lịch cần phải vào cuộc ngay, chủ động cho những ngày “phát nhiệt” sắp tới.
Chưa kể, ngoài sức hút của các tụ điểm ăn chơi, trong kỳ nghỉ dài ngày nhiều người sẽ có chương trình khác như về quê sum họp, hội lớp, hội ngũ… nhu cầu thị trường sẽ càng tăng cao. Và nhiều vấn đề khác đặt ra như đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự, an toàn thực phẩm… cũng cần được tính tới.
Đây có lẽ cũng chính là đợt thử thách tinh thần trách nhiệm không chỉ của các doanh nghiệp kinh doanh, dịch vụ mà của cả các nhà quản lý.
Lê Minh Thắng
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Phát hiện 10 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn trưa ngày 24/11 tại huyện Tiên Lãng
Công an quận Hồng Bàng phối hợp kiểm tra, xử lý 9 trường hợp vi phạm nồng độ cồn