Từ nghị quyết 30 của Bộ Chính trị: Liên kết vùng là tư duy chủ đạo, xu thế tất yếu của các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng (Bài 1)

17:51 02/01/2023

Ngày 29-11, Bộ Chính trị tổ chức hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 30 ngày 23-11-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng- an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Như vậy, chỉ sau 6 ngày ban hành, nghị quyết 30 đã được quán triệt, triển khai rộng rãi, thể hiện rõ tinh thần quyết liệt, khẩn trương, nhanh chóng đưa nghị quyết vào cuộc sống của Trung ương và các tỉnh, thành phố trong vùng, trong đó có thành phố Hải Phòng. Nghị quyết 30 đã thổi một luồng gió mới, đề ra những định hướng đầy triển vọng, là tiền đề, cơ sở, cơ hội để các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng liên kết phát triển mạnh mẽ.

Bài 1:

                                                                Phát huy vai trò của vùng kinh tế động lực

          Vùng đồng bằng Sông Hồng là địa bàn có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng với cả nước; có nhiều tiềm năng, lợi thế vượt trội; nơi kết tinh, hội tụ tinh hoa văn hóa, có lịch sử mấy nghìn năm gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc; có Thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước. Sau 17 năm thực hiện nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, Vùng đồng bằng sông Hồng có bước phát triển vượt bậc nhưng đồng thời cũng phát sinh nhiều vấn đề mới cần giải quyết, đặc biệt là các quy hoạch, kế hoạch, liên kết vùng. Vì vậy, Bộ Chính trị (khóa 13) ban hành nghị quyết 30 nhằm phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của vùng kinh tế động lực, thúc đẩy sự phát triển của mỗi địa phương và góp phần thực hiện khát vọng phát triển của đất nước.

                                                          Năng động, sáng tạo, phát triển bứt phá

          Vùng đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, được phân thành 2 tiểu vùng là: tiểu vùng bắc đồng bằng sông Hồng (đồng thời cũng là Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ) gồm 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên; và Tiểu vùng nam đồng bằng sông Hồng, gồm 4 tỉnh: Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, đây luôn luôn là địa bàn cốt lõi của Vùng Thủ đô, có ý nghĩa chiến lược, quan trọng bậc nhất của cả nước về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

      Đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, sau 17 năm thực hiện nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong Vùng đã phát huy truyền thống văn hiến, cách mạng, anh hùng vẻ vang và những tiềm năng, lợi thế vượt trội, nhất là về nguồn nhân lực, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, liên tục phấn đấu đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng.

Sau 17 năm thực hiện nghị quyết 54, Cảng biển Hải Phòng có sự phát triển đột phá, cảng nước sâu duy nhất tại miền Bắc chính thức đi vào hoạt động (ảnh: Nguyễn Đức Nghĩa)

     Vùng đồng bằng sông Hồng luôn luôn khẳng định được vị trí, vai trò của một vùng kinh tế động lực, có đóng góp to lớn, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu cho tăng trưởng kinh tế của cả nước, thúc đẩy, hỗ trợ các vùng khác cùng phát triển. Tuy là một vùng đất chật, người đông nhất so với các vùng khác; diện tích tự nhiên chỉ có 21.278 km2, chiếm khoảng 6,42% diện tích cả nước; dân số khoảng hơn 23 triệu người, chiếm gần 24% dân số cả nước, nhưng quy mô kinh tế của Vùng luôn luôn được mở rộng; tỷ trọng đóng góp vào GDP cả nước tăng từ 26,9% năm 2010 lên 29,4% năm 2020; thu nhập bình quân đầu người cao hơn 1,3 lần so với bình quân chung cả nước; tổng thu ngân sách nhà nước của Vùng chiếm tới 32,7% tổng thu ngân sách của cả nước, tốc độ tăng thu bình quân là 16,7%/năm; tổng vốn đầu tư xã hội gấp 19,7 lần năm 2005 và chiếm 35,1%, đứng đầu cả nước; số lượng đô thị vùng tăng nhanh, tỷ lệ đô thị hóa của Vùng đến năm 2021 đạt 41%.

                                   Các địa phương thuộc trục kết nối cao tốc phía Đông ký kết hợp tác cùng phát triển

          Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ phát triển khá nhanh và bền vững; hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới và khu vực, đang trở thành một trong các vùng dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế, thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá và khoa học kỹ thuật lớn nhất của cả nước.

     Hai tuyến hành lang kinh tế (Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh; Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh); 5 hành lang công nghiệp (Hà Nội-Hải Phòng; Hà Nội-Nội Bài-Hạ Long; Hà Nội-Việt Trì; Hà Nội-Bắc Giang-Lạng Sơn), và hành lang kinh tế ven biển (Quảng Ninh-Hải Phòng-Thái Bình-Nam Định-Ninh Bình) từng bước được hình thành, phát triển; liên kết giữa đô thị trung tâm Vùng đồng bằng sông Hồng với các địa phương, khu vực ven biển, các khu đô thị, khu công nghiệp, các cửa khẩu, cảng biển và các vùng khác, tạo động lực cho phát triển các địa phương và toàn vùng. Tam giác phát triển Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh đang trở thành hạt nhân, trụ cột phát triển của Vùng và cả nước.

             Các đồng chí lãnh đạo thành phố Hải Phòng kiểm tra tiến độ xây dựng các bến cảng nước sâu mới tại Lạch Huyện

          Đối với thành phố Hải Phòng, đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố nhận định: sau 17 năm thực hiện Nghị quyết số 54, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đã tăng 13,55 lần, với mức tăng trưởng bình quân 10,82%/năm. Năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, GRDP thành phố vẫn đạt mức tăng trưởng cao 12,38%, đứng đầu cả nước.

    Năm 2022, trước những biến động nhanh, mạnh, phức tạp, khó lường, Hải Phòng vẫn tiếp tục đoàn kết,phấn đấu quyết liệt và dự kiến vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng GRDP trên 12%. Đồng chí Bí thư Thành ủy Trần Lưu Quang khẳng định: thành phố Hải Phòng đang quyết tâm phấn đấu vươn lên mạnh mẽ, khẳng định vai trò cửa ngõ ra biển lớn của quốc gia, trung tâm kinh tế biển, công nghiệp hiện đại của cả nước; phấn đấu xây dựng và phát triển thành phố không chỉ là một cực phát triển quan trọng trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh mà còn là động lực phát triển của vùng Bắc bộ và của cả nước theo đúng quan điểm đã được xác định tại Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

                                                                        Còn nhiều hạn chế, vướng mắc

      Tuy đạt được những kết quả quan trọng nhưng quá trình phát triển của Vùng đồng bằng sông Hồng còn nhiều khó khăn, vướng mắc, hạn chế, bất cập.

                     Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nêu rõ: tăng trưởng kinh tế của Vùng đồng bằng sông Hồng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế còn chậm. Các địa phương phát triển không đồng đều, chất lượng tăng trưởng chưa cao, phụ thuộc nhiều vào vốn và lao động. Cơ cấu thu ngân sách Nhà nước ở một số địa phương chưa bền vững. Công tác quy hoạch còn nhiều bất cập, nhất là quy hoạch đô thị; tình trạng quy hoạch “treo”, dự án “treo” khá phổ biến. Các khu công nghiệp thiếu liên kết, chưa hình thành được các cụm liên kết ngành. Hệ thống đô thị phát triển chưa hợp lý, thiếu bền vững.

     Việc cải tạo chung cư cũ và di dời các trường đại học, bệnh viện ra khỏi trung tâm Hà Nội gặp nhiều khó khăn; phát triển nhà ở xã hội chưa đáp ứng yêu cầu. Đầu tư công còn dàn trải, hiệu quả chưa cao, nhiều dự án chậm tiến độ, thua lỗ kéo dài. Khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực cho phát triển. Quản lý đất đai, tài nguyên còn nhiều hạn chế; ô nhiễm môi trường ngày càng phức tạp. 

                                          Các bến cảng nước sâu mới tại Hải Phòng đang tiếp tục được đầu tư xây dựng

         Phát triển văn hoá - xã hội nhiều mặt còn bất cập; nội dung, chương trình giáo dục chậm đổi mới, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; y tế cơ sở chất lượng còn yếu, tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến cuối chậm khắc phục. Liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp. Nhiệm vụ phát triển thành phố Nam Định thành đô thị hạt nhân của tiểu vùng Nam đồng bằng sông Hồng và xây dựng Khu kinh tế tổng hợp Vân Đồn, Quảng Ninh chưa hoàn thành. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và năng lực quản lý Nhà nước ở một số địa phương còn hạn chế. An ninh trật tự còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp.

           Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị cũng đã chỉ ra những nguyên nhân chính của những hạn chế trong phát triển vùng thời gian qua như: nhận thức về vị trí, vai trò của vùng và phát triển vùng chưa đầy đủ; thể chế, liên kết vùng chậm được đổi mới; thiếu cơ chế, chính sách gắn kết giữa mục tiêu phát triển của địa phương với mục tiêu chung của vùng. Chất lượng quy hoạch vùng và địa phương trong vùng thấp, thiếu liên kết; tình trạng tuỳ tiện trong điều chỉnh quy hoạch diễn ra khá phổ biến. Nguồn lực bố trí thực hiện các công trình, dự án có tính liên kết vùng gặp khó khăn. Việc phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương có lúc, có nơi chưa kịp thời, thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Năng lực, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, chưa phát huy đầy đủ trách nhiệm người đứng đầu ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương./.

  (Còn tiếp)

                                                                                                                                           Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông