Từ nghị quyết 30 của Bộ Chính trị: Liên kết vùng là tư duy chủ đạo, xu thế tất yếu của các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng (Bài 3)

17:52 02/01/2023

Bài 3: Phát triển Hải Phòng trong mối liên kết vùng Với vai trò, vị thế đặc biệt quan trọng, Hải Phòng được xác định là một động lực phát triển của cả vùng và cả nước. Vì thế, trong các quan điểm phát triển, định hướng, giải pháp, nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể của nghị quyết 30, Hải Phòng được đề cập tới khá nhiều. Không phụ lại sự tin tưởng đó của Trung ương, cùng với yêu cầu phát triển nhanh, đột phá của thành phố, Hải Phòng sẵn tâm thế và quyết tâm thực hiện bằng được các mục tiêu đề ra.

                                                                                   Phát huy vai trò đầu tàu, động lực

          Nghị quyết 30 xác định Hải Phòng nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ tiếp tục là đầu tàu, động lực thúc đẩy phát triển của cả vùng, tập trung phát triển công nghiệp chế tạo, chế biến có giá trị gia tăng cao, công nghiệp công nghệ cao, kinh tế số, tài chính, ngân hàng, du lịch và đô thị thông minh.

       Nghị quyết cũng chỉ rõ thực hiện thí điểm một số mô hình, cơ chế, chính sách mới vượt trội, cạnh tranh quốc tế cao nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng  và tam giác động lực tăng trưởng Hà Nội- Hải Phòng- Quảng Ninh. Theo đó, sẽ tập trung  đầu tư phát triển các hành lang kinh tế, tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng, quốc tế gồm: Hành lang kinh tế Bắc - Nam; Hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Hành lang kinh tế ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình.

Sân bay Cát Bi (Hải Phòng) tiếp tục được đầu tư mở rộng nâng công suất theo tinh thần nghị quyết 30

          Đồng thời, đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động và năng suất các nhân tố tổng hợp dựa trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát huy vai trò đầu tàu, động lực của các tỉnh, thành phố trong vùng như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Phát triển vùng trở thành trung tâm dịch vụ hiện đại của khu vực Đông Nam Á, trong đó Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, du lịch mang tầm khu vực và quốc tế; thành phố Hải Phòng trở thành trung tâm logistics quốc tế hiện đại. 

                                          Hải Phòng được xác định là một trung tâm công nghiệp công nghệ cao của cả Vùng

           Nghị quyết xác định phát triển bền vững kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển. Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi để xây dựng khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, là cửa ngõ, động lực phát triển của vùng; chú trọng phát triển kinh tế biển khu vực Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình. 

          Cùng với đó, đẩy nhanh xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, phát huy vai trò động lực của các khu kinh tế ven biển gắn với các khu đô thị ven biển. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ và đào tạo nhân lực biển; xây dựng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam là trường trọng điểm quốc gia, nghiên cứu, đào tạo phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển. Hoàn thiện Trung tâm nghề cá lớn tại Hải Phòng.

Sản xuất xe ô tô tại Nhà máy sản xuất ô tô VinFast Hải Phòng

                       

          Về đô thị, nghị quyết yêu cầu triển khai hiệu quả xây dựng Quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; phát huy vai trò hạt nhân, động lực của các đô thị trong vùng. Phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố thông minh, hiện đại, có bản sắc, tạo hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị phía Bắc, cả nước và hội nhập vào mạng lưới đô thị của khu vực Đông Nam Á, Châu Á; thành phố Hải Phòng xanh, thông minh, cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá; hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng với các chỉ tiêu y tế, giáo dục, đào tạo đạt mức bình quân của đô thị thuộc 4 nước dẫn đầu ASEAN.

      Bên cạnh đó, đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá, phát triển các trung tâm hành chính tỉnh, thành phố để tăng cường liên kết và hình thành các chuỗi đô thị.  Trong đó, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh gắn với phát triển vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ; chuỗi đô thị tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình gắn với phát triển kinh tế biển, liên kết chặt chẽ thông qua vành đai kinh tế ven biển. 

          Về giao thông, sẽ hoàn thiện mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng, liên vùng và quốc tế; phát triển vận tải đa phương thức, phát huy lợi thế về cảng biển, cảng hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa và các hành lang kết nối của vùng.  Đến năm 2030, hoàn chỉnh các tuyến đường bộ cao tốc hướng tâm và các tuyến vành đai vùng Thủ đô (ưu tiên vành đai 4, vành đai 5). Nâng cấp hoàn chỉnh các tuyến quốc lộ đạt cấp 3, mở rộng tối thiểu 4 - 6 làn xe đối với đoạn qua đô thị; các tuyến tỉnh lộ cơ bản đạt cấp 3, 4. Đầu tư hoàn thành các tuyến đường bộ cao tốc (đoạn qua vùng) theo quy hoạch; mở rộng một số đoạn ưu tiên trên một số tuyến quốc lộ trong vùng theo quy hoạch và đường bộ ven biển qua Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình.

         Đồng thời, cải tạo, nâng cấp, khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, kết nối thông suốt tuyến đường sắt liên vận đạt tiêu chuẩn quốc tế; hoàn thành tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân; nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (xây dựng đoạn Hà Nội - Vinh), tuyến Hà Nội - Hải Phòng, tuyến vành đai phía Đông Hà Nội (đoạn Ngọc Hồi - Thạch Lỗi). Cải tạo các tuyến đường thuỷ nội địa từ Hải Phòng, Quảng Ninh đi Hà Nội, Việt Trì, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và tuyến ven biển Vạn Gia - Ka Long; nâng cấp tĩnh không cầu Đuống, nạo vét luồng lạch tại các điểm nghẽn hạ tầng trên Sông Hồng. Đầu tư các bến mới tại cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh; khai thác hiệu quả cảng quốc tế Lạch Huyện. Nâng cấp, mở rộng các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn theo quy hoạch.

          Trong phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nghị quyết xác định xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo vùng đồng bằng Sông Hồng, phát triển mạnh các công nghệ mới và kết nối hiệu quả các sàn giao dịch công nghệ vùng, cả nước và quốc tế. Xây dựng và phát triển các khu, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo tại Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam…. Trong đó, Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ với hạt nhân là Khu công nghệ cao Hoà Lạc, các viện nghiên cứu, trường đại học; Hải Phòng trở thành Trung tâm quốc tế đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ về biển; phát triển Khu công nghệ cao Hà Nam tập trung vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, tự động hoá, công nghệ sinh học. 

Hải Phòng sẽ trở thành Trung tâm quốc tế đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ về biển

          Về tài nguyên môi trường, nghị quyết nêu rõ: tăng nhanh tỷ lệ dân cư được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn. Giải quyết kịp thời các vấn đề môi trường cấp bách tại thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng và các đô thị khác, nhất là rác thải, khí thải, ô nhiễm nước các sông trong nội đô. Phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển, bảo vệ nguồn lợi thuỷ hải sản, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Tăng cường liên kết vùng trong bảo tồn, khai thác sử dụng tài nguyên, đa dạng sinh học của các khu bảo tồn thiên nhiên, khu di sản thiên nhiên cấp quốc gia (Bái Tử Long, Vịnh Hạ Long, Vườn Quốc gia Cúc Phương, Vườn Quốc gia Cát Bà, Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voọc mông trắng Kim Bảng...); ứng phó, giải quyết các sự cố, phục hồi môi trường vùng ven biển. 

          Đồng thời, ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học khu vực tiếp giáp các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, vùng cửa Sông Hồng, sông Thái Bình, các vùng ngập nước ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình.

                                                                         Rõ cơ chế, có sự hỗ trợ để Hải Phòng phát triển

          Có thể nói, Hải Phòng giữ vai trò, vị trí quan trọng trong tất cả các nội dung của nghị quyết 30 của Bộ Chính trị. Đây là niềm vinh dự, tự hào nhưng cũng đồng thời là nhiệm vụ nặng nề, đòi hỏi quyết tâm chính trị rất cao. Ngay sau hội nghị quán triệt nghị quyết 30, Hải Phòng đã giao các cấp, ngành nhanh chóng triển khai, sớm ban hành Chương trình hành động với tư duy tự lực cánh sinh là chính, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để phát triển. Tuy nhiên, để thực hiện được các mục tiêu của nghị quyết 30, Hải Phòng cần có sự ủng hộ, giúp đỡ của Trung ương và các địa phương trong vùng.

           Đồng chí Trần Lưu Quang, Bí thư Thành ủy Hải Phòng đề nghị Trung ương, Chính phủ nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện thể chế, tổ chức, bộ máy, nguồn lực đủ mạnh để tăng cường liên kết phát triển vùng, tạo thành động lực tăng trưởng cho cả vùng.Sớm hoàn thiện quy hoạch vùng để định hướng cho các địa phương và trở thành công cụ quản lý vùng, địa phương. Có cơ chế, chính sách phù hợp với các địa phương giữ vai trò là “đầu tàu”; có cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách phù hợp giúp các địa phương chủ động tham gia các hoạt động liên kết, đầu tư tại địa phương khác, ngân sách cấp này được thực hiện nhiệm vụ chi của ngân sách cấp khác vì lợi ích chung của địa phương, vùng và cả nước.

                 

Xe ô tô điện sản xuất tại Nhà máy sản xuất ô tô VinFast Hải Phòng đã được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ

      Hải Phòng đề nghị Trung ương có cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng, phát triển Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển, là cửa ngõ của vùng trọng điểm Bắc bộ gắn với cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 đề ra.

       Theo đó, cần sớm đầu tư tuyến đường sắt duyên hải Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Ninh Bình; đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng ra Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (bao gồm nhánh rẽ ra Cảng Đình Vũ) để việc vận tải hành khách, hàng hóa được thuận lợi hơn, hiệu quả hơn, giảm chi phí vận chuyển và giảm tải cho hệ thống đường bộ vốn đã rất quá tải; nghiên cứu, triển khai mô hình cơ quan quản lý cảng biển phù hợp và thống nhất, phân định rõ vai trò, trách nhiệm giữa cơ quan Trung ương, chính quyền địa phương, doanh nghiệp trong việc quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác cảng biển; theo hướng cần tạo tính chủ động, sáng tạo, phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương.

          Hải Phòng có  lợi thế nằm trên vành đai hợp tác Việt Nam - Trung Quốc (hai hành lang - một vành đai), kết nối tới hai trung tâm phân phối hàng lớn của khu vực là Nam Ninh (Quảng Tây) và Côn Minh (Vân Nam); có đường bờ biển dài, cảng biển nước sâu có khả năng đón tàu trọng tải lên đến 150 nghìn tấn giúp Hải Phòng trở thành điểm trung chuyển trong tuyến vận tải quốc tế lớn qua các cảng như Singapore, Hồng Kông, Thượng Hải và đặc biệt là đang hình thành tuyến vận tải đi thẳng tới thị trường châu Âu và Mỹ;đặc biệt là đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cùng với chiến lược Trung Quốc +1,hay là sự dịch chuyển của các nhà đầu tư quốc tế từ địa bàn Trung Quốc. Do đó, Hải Phòng đề nghị Quốc hội, Chính phủ cùng các bộ, ngành tiếp tục quan tâm, nghiên cứu cơ chế, có chính sách đặc thù tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh khai thác lợi thế so sánh của thành phố Hải Phòng.

Phát biển bền vững là một trong những nội dung trọng tâm của NQ 30. Ảnh: Học sinh quận Đồ Sơn thực hiện mô hình phát triển điện gió

          Để tránh hiện tượng cạnh tranh về giá thuê đất, thuê cơ sở hạ tầng trong vùng,việc cạnh tranh không lành mạnh trong thu hút lao động giữa các địa phương;đẩy mạnh hợp tác thu hút đầu tư giữa các khu kinh tế, khu công nghiệp trong Vùng, đặc biệt là Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, thành phố Hải Phòng và Khu kinh tế ven biển Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, Khu Kinh tế Thái Bình để cùng liên kết, mở rộng không gian phát triển, thành phố Hải Phòng đề xuất cần phối hợp, trao đổi thông tin và xúc tiến, quảng bá giới thiệu các nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm hiểu, cùng xúc tiến kêu gọi đầu tư.

       Theo đồng chí Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang, quy hoạch đô thị tạo ra các yếu tố hấp dẫn để thu hút lao động và nguồn nhân lực chất lượng cao. Để thúc đẩy sự phát triển đô thị và các dự án cải tạo chỉnh trang đô thị,  Hải Phòng đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục bổ sung hệ thống pháp luật về chỉnh trang và phát triển đô thị, trong đó tập trung vào việc tạo ra cơ chế chủ động để khơi nguồn tài chính chảy vào lĩnh vực này, nhằm đa dạng nguồn vốn khi ngân sách còn khó khăn.Thống nhất các văn bản pháp quy về quy hoạch, đất đai, hệ thống cơ sở dữ liệu về đất đai, tạo lập hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung để đạt hiệu quả cao nhất trong quy hoạch, quản lý quy hoạch và quản lý đất đai. 

          Có thể khẳng định, nghị quyết 30 cùng với nghị quyết 45 của Bộ Chính trị sẽ là nền tảng quan trọng để Hải Phòng tiếp tục bứt phá thành công, xứng đáng vai trò đầu tàu, động lực phát triển của cả vùng./.

                                                                                                                                 Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông