14:51 03/10/2020 Để bảo vệ chủ quyền trên biển Đông, Việt Nam luôn kiên định chủ trương tăng cường đối thoại, kiên quyết đấu tranh bằng phương pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, không những tạo sự tin tưởng của dư luận trong nước, mà còn nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
“Rành rành định phận tại sách Trời”
Việt Nam là quốc gia nằm ven bờ Tây của Biển Đông, có bờ biển dài 3.260 km, vùng biển rộng khoảng trên 1 triệu km2, với hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, cùng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm ở vị trí tiền tiêu và liền kề với vùng biển của các nước trong khu vực.
Căn cứ vào nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế có liên quan đến quyền thụ đắc lãnh thổ, Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đặc biệt, căn cứ vào Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển và thềm lục địa bao hàm cả quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa được xác lập là phù hợp với Công ước, được cộng đồng quốc tế thừa nhận.
Toàn cảnh đảo Bạch Long Vĩ - hòn đảo xa nhất vịnh Bắc Bộ. (Nguồn: Báo Tin tức)
Theo đó, Việt Nam được quyền có lãnh hải rộng 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý, thềm lục địa rộng ít nhất 200 hải lý. Diện tích các vùng biển và thềm lục địa mà tại đó Việt Nam được hưởng những quyền lợi đối với vùng biển và tài nguyên theo quy định của Công ước là khoảng gần 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích lãnh thổ đất liền.
Công ước Luật biển 1982 vừa là cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng hỗ trợ các quốc gia trong việc quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở biển, vừa là công cụ hữu hiệu để các quốc gia giải quyết các tranh chấp phát sinh từ biển.
Việt Nam là một trong 107 quốc gia ký Công ước tại Vịnh Montego (Jamaica) ngay sau khi văn kiện này được mở ký và là một trong những quốc gia phê chuẩn sớm, trước khi Công ước có hiệu lực. Điều này thể hiện thiện chí, sự coi trọng và kỳ vọng của Việt Nam vào một trật tự pháp lý mới về biển và đại dương.
Ngày 23/6/1994, Quốc hội Việt Nam đã ra Nghị quyết phê chuẩn UNCLOS, trong đó khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với nội thủy, lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trên cơ sở các quy định của Công ước và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, yêu cầu các nước tôn trọng các quyền nói trên của Việt Nam. Đồng thời, Nghị quyết còn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và chủ trương giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ cũng như các bất đồng liên quan đến vấn đề Biển Đông thông qua thương lượng hòa bình, trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.
Trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, câu thơ nổi tiếng “Sông núi nước Nam, vua Nam ở/Rành rành định phận tại sách Trời” thể hiện khát vọng độc lập, tự do và khẳng định quyết tâm theo đuổi chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Ngày nay, với những chứng cứ pháp lý được thể hiện qua rất nhiều tài liệu, văn bản được lưu giữ tại Việt Nam cũng như trên thế giới, đồng thời cùng với của Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, chủ quyền biển đảo Việt Nam trên biển Đông càng được minh chứng rõ nét hơn, vì vậy, càng làm tăng thêm quyết tâm gìn giữ từng tấc lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời, trong đó biển đảo được ví như máu thịt của Tổ quốc Việt Nam.
Củng cố vững chắc “hậu phương”, xây dựng lòng tin quốc tế
Trong cuộc chiến pháp lý kéo dài và không kém phần gian khổ nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia, chính nghĩa đã thuộc về Việt Nam. Việt Nam luôn có một “hậu phương” to lớn, vô cùng vững chắc. Được luật pháp và dư luận quốc tế công nhận, ủng hộ, với chủ trương nhất quán thông qua các biện pháp giải quyết tranh chấp, bất đồng trên biển bằng phương pháp hòa bình, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc áp dụng có hiệu quả UNCLOS 1982 để giải quyết các tranh chấp về phân định biển với các nước láng giềng, trong đó luôn đề cao nguyên tắc công bằng để tìm ra giải pháp hợp lý. Đây cũng là nét đẹp trong truyền thống của dân tộc Việt Nam, luôn hòa hiếu nhưng kiên quyết bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp bằng sự khôn ngoan, linh hoạt, khéo léo để tránh những tổn thất không đáng có. Đặc biệt hơn, chính vì với phương pháp đấu tranh ngoại giao này, Việt Nam ngày càng nhận được sự yêu mến, đồng tình ủng hộ rộng rãi của nhiều chính phủ, các tổ chức quốc tế và nhân dân các nước.
Cột mốc chủ quyền Trường Sa vững vàng trước sóng dữ. (Nguồn: biendaohaiphong.gov.vn)
Trong quá khứ cũng như hiện tại, những tranh chấp chủ quyền luôn kéo dài, phức tạp và ngày càng gia tăng giữa hai hoặc nhiều bên, tiềm ẩn nguy cơ khó lường. Nhằm gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định cho khu vực và trên thế giới, quan điểm của Việt Nam rất rõ ràng, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp ngoại giao, tăng cường đối thoại với sự chung tay của cộng đồng quốc tế.
Đồng thời, Việt Nam luôn tích cực đấu tranh bảo vệ luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982. Theo đó, khi bàn về vấn đề tranh chấp Biển Đông, Việt Nam kiên trì yêu cầu “tôn trọng pháp luật quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982”, coi đây như một nguyên tắc để giải quyết và xử lý các tranh chấp liên quan đến biển đảo. Việt Nam đã nỗ lực đưa nguyên tắc này vào các văn kiện của ASEAN.
Lòng tin - yếu tố đặc biệt quan trọng, là gốc rễ để giải quyết tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông hiện nay. Vấn đề xây dựng lòng tin đã được đưa ra từ lâu, được khẳng định trong nhiều hội nghị quan trọng, được các nước ASEAN và Trung Quốc ghi nhận và thể hiện rõ trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC. Muốn xây dựng tìm kiếm một giải pháp hòa bình hợp lý cho vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, trước hết các quốc gia có tranh chấp chủ quyền, lợi ích và các bên liên quan cần phải có lòng tin. Nghi kỵ và tiến hành các hành động gây nghi kỵ sẽ khiến vấn đề tranh chấp chủ quyền tiếp tục diễn biến phức tạp. Do vậy, việc xây dựng lòng tin, tăng cường hiểu biết giữa các bên có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông có vai trò đặc biệt quan trọng.
Hiện, các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc đang tăng cường các nỗ lực, phấn đấu xây dựng một văn kiện có tính pháp lý và ràng buộc cao hơn, đó là Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Tuy nhiên, từ tuyên bố (DOC) đến hành động (COC) chắc chắn sẽ là quãng thời gian có thể còn kéo dài. Bởi thời gian qua, phía Trung Quốc đã gia tăng nhiều hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Trước thách thức của đất nước, một số cá nhân và tổ chức phản động rắp tâm kích động tâm lý dân tộc hẹp hòi, đi ngược với đường lối, chủ trương đúng đắn, tác động tiêu cực tới việc triển khai, thực hiện đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước, gây chia rẽ quốc tế cũng như khối đại đoàn kết toàn dân, làm yếu đi sức đấu tranh của đất nước.
Để bảo vệ đất nước, mỗi người dân Việt Nam chỉ có sự tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, Nhà nước, nỗ lực phấn đấu lao động, học tập, xây dựng Tổ quốc giàu đẹp, tạo nên một nước Việt Nam hùng mạnh, sẵn sàng đương đầu mọi thử thách.
Trần Hoàng