Tưởng nhớ đồng chí Nguyễn Đức Cảnh – Lãnh tụ xuất chúng của cách mạng Việt Nam

09:02 31/07/2019

Vào ngày 31-7-1932 tại Hải Phòng, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã hy sinh anh dũng trước bản án của thực dân Pháp. 87 năm trôi qua, hình ảnh của một trong những lãnh tụ xuất chúng nhất của phong trào cách mạng Việt Nam luôn gắn liền với thành phố Cảng, như một biểu tượng sáng ngời của tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất, vì nền độc lập tự do của Tổ Quốc.

Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh (Ảnh tư liệu)

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh sinh ngày 2-2-1908 trong một gia đình nhà nho nghèo, giàu truyền thống yêu nước tại làng Diêm Điền, huyện Thụy Anh (nay là thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình).

Từ năm 17 tuổi đồng chí lên Hà Nội làm công nhân, cùng đồng cam cộng khổ nên đồng chí thấu hiểu nỗi thống khổ, cũng như sớm nhận ra sức mạnh to lớn của đội ngũ công nhân lao động.

Được giác ngộ cách mạng rất sớm, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã trực tiếp tham gia vận động, tổ chức phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân. Tháng 9-1927, đồng chí tham gia lớp huấn luyện chính trị và gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập.

Cũng từ đây, đồng chí nhanh chóng được trang bị những lý luận cơ bản về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, kiên định lập trường của giai cấp công nhân trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng sau này.

Trở về nước, từ khi còn làm việc tại Nhà máy cơ khí Ca-rong tại Hải Phòng, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã trực tiếp mở nhiều lớp huấn luyện cán bộ, tuyên truyền giác ngộ lý luận cho công nhân và các tầng lớp cần lao.

Từ năm 1928, đồng chí là Ủy viên Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ, được phân công phụ trách khu Duyên Hải Bắc Bộ kiêm Bí thư Tỉnh bộ Hội Hải Phòng. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh ngày đêm lăn lộn trong các xóm thợ, nhà máy, xí nghiệp để vận động và giác ngộ công nhân, ngoài việc gây dựng tổ chức Thanh niên, đồng chí đều rất quan tâm gây dựng tổ chức Công hội trong công nhân.

Cuối năm 1928, phong trào đấu tranh cách mạng phát triển đã khá mạnh ở Bắc Kỳ, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh viết tập tài liệu 16 trang với tiêu đề “Tổ chức Công hội” nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tài liệu được tổ chức bí mật in ấn lưu hành rộng rãi trong công nhân cả nước.

Tháng 3-1929, đồng chí cùng những thành viên tích cực của Kỳ bộ Hội họp tại số nhà 5D, phố Hàm Long, Hà Nội, thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở trong nước. Đầu tháng 4-1929, đồng chí thành lập chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Hải Phòng. Ngày 17-6-1929, tại số nhà 312, phố Khâm Thiên, Hà Nội, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tham gia thành lập tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng.

 Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tại xã An Đồng (An Dương – Hải Phòng)

Qua thực tiễn đấu tranh, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là người thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc về Công đoàn, đó là: “Công hội trước hết là để công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình, hai là để nghiên cứu với nhau, ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ, bốn là để giữ gìn quyền lợi cho công nhân, năm là để giúp cho thế giới”.

Trước yêu cầu của phong trào công nhân, ngày 28-7-1929 đồng chí Nguyễn Đức Cảnh triệu tập Đại hội đại biểu công nhân các tỉnh Bắc Kỳ tại số nhà 15, phố Hàng Nón, Hà Nội. Đại hội quyết định thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ, tổ chức tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ngày nay. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được bầu làm Hội trưởng lâm thời, phụ trách tờ báo Lao động, Tạp chí Công hội đỏ, ngày 28-7 sau này được lấy làm ngày truyền thống của tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Tại Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được chỉ định tham gia vào Ban Chấp hành Trung ương, cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, trực tiếp là Bí thư Tỉnh bộ Hải Phòng (gồm Hải Phòng, Kiến An, Quảng Yên, Hòn Gai).

Tháng 4-1931, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và kết án tử hình, với khí phách kiên cường của Người Cộng sản, đồng chí vẫn dành thời gian, tập trung sức viết cuốn “Công nhân vận động”. Trong tác phẩm này, Nguyễn Đức Cảnh một lần nữa khẳng định, mục đích của Đảng Cộng sản là làm cách mạng vô sản, phá tan chế độ tư bản, áp bức bóc lột, xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa cộng sản. Đồng chí bị thực dân Pháp xử tử hình khi mới 24 tuổi.

Tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh mãi mãi ghi sâu, làm rạng rỡ trang sử vàng truyền thống của dân tộc, đồng thời là dấu son chói lọi có vai trò mở đường cho phong trào cách mạng của Hải Phòng cũng như cả nước.

Tưởng nhớ công lao đó, từ lâu Hải Phòng đã có nhiều đường, trường học, công trình văn hóa được vinh dự mang tên đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Tượng đài đồng chí trong khuôn viên Cung văn hóa hữu nghị Việt Tiệp, đã trở thành một “địa chỉ đỏ”.

Đặc biệt từ năm 2017, thành phố Hải Phòng đã tiến hành xây dựng quần thể Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tại xã An Đồng (An Dương), địa điểm gắn liền với sự hy sinh oanh liệt của đồng chí cách đây 87 năm.

Theo Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành, đây là công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tưởng nhớ tới một lãnh tụ lớn, một nhà lý luận sắc bén của giai cấp công nhân, người Bí thư đầu tiên của Đảng bộ Hải Phòng, đáp ứng mong mỏi của nhân dân và có ý nghĩa giáo dục cao.

Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông