Tuyên truyền bảo vệ tê giác trong nhà trường: Một cách làm hay

23:52 16/12/2017

Gần đây, học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn đã “cháy” hết mình khi tham gia hội thi tuyên truyền giảm nhu cầu sử dụng sừng tê giác và bảo vệ động vật hoang dã trong học sinh do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại trường. Đây là một cách làm hay trong tuyên truyền bảo vệ loại động vật quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn thế giới này.

 

Tập kịch, vẽ tranh bảo vệ tên giác

Tê giác là một trong "Big Five" mang tính biểu tượng, mang lại doanh thu du lịch cho các quốc gia nơi chúng sinh sống và truyền cảm hứng cho trí tưởng tượng của con người cũng như khuyến khích sự yêu thích đối với thiên nhiên.

Những động vật có vú lớn như tê giác và voi cũng là kiến trúc sư của hệ sinh thái, giúp cân bằng sinh thái.

Tuy nhiên, tê giác là loài động vật đang bị đe dọa tuyệt chủng. Mối đe dọa lớn nhất đối với tê giác là việc bị săn bắn bất hợp pháp. Nhu cầu tiêu dùng sừng tê giác ở các nước châu Á, trong đó có Việt Nam khiến giá cả của sừng tê giác tăng lên rất cao.

Điều này làm cho những kẻ săn trộm tê giác lấy sừng mờ mắt trước sức cám dỗ của đồng tiền và càng ra sức săn bắn tê giác lấy sừng bán sang châu Á.

Do nhu cầu sử dụng sừng tê giác tăng lên, nạn săn trộm tê giác cũng đã tăng theo cấp số nhân trong những năm gần đây.

Nhận được thông tin sẽ tổ chức hoạt động tuyên truyền bảo vệ tê giác tại trường, học sinh các khối lớp của Trường THPT Lê Quý Đôn đã tập trung bên nhau cùng tập kịch, vẽ tranh về đề tài này.

Sau giờ học, được vui chơi, sinh hoạt tập thể, tình bạn của các học sinh thêm khăng khít, bền chặt. Em Trần Bích Ngọc, Bí thư chi đoàn lớp 11B2 chia sẻ: “Khi các thầy, cô giáo cho biết việc nhà trường tham gia hoạt động truyền thông về giảm cầu và bảo vệ tê giác, chúng em rất hào hứng.

Qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều học sinh của trường biết chương trình bảo vệ tê giác và các loài động vật quý hiếm có sự tham gia của một số nhân vật nổi tiếng, trong đó có Hoàng tử Anh và ca sĩ Thu Minh của Việt Nam...”.

Là những học sinh năng động, nhiệt tình trong các hoạt động tập thể, nên việc lên ý tưởng, xây dựng kịch bản tuyên truyền về bảo vệ tê giác đối với Ngọc và các bạn không khó.

Sau khi hình thành ý tưởng, Ngọc mất 3 ngày để viết kịch bản. Tiếp đó, cô giáo chủ nhiệm và các cô giáo trong tổ Ngữ văn góp ý, chỉnh sửa để hoàn chỉnh vở kịch  có tên gọi: “Tiền mất, tật mang”.

Để trình diễn vở kịch này, Ngọc huy động liên quân 5 lớp, từ lớp 11B1 đến lớp 11B5 với gần 20 bạn vào các vai: người có nhu cầu sử dụng sừng tê giác đến kẻ buôn lậu, dân xã hội đen và cảnh sát...

Các em chưa một lần nhìn thấy con tê giác ngoài đời, như ai cũng muốn góp phần bảo vệ tê giác, bởi các em suy nghĩ rằng, bảo vệ động vật hoang dã là trách nhiệm của mỗi công dân trong thế giới này.

Hiệu phó Trường THPT Lê Quý Đôn Đỗ Thị Lý cho biết, không chỉ diễn kịch, tất cả học sinh 31 lớp của trường còn tích cực tham gia vẽ tranh về đề tài bảo vệ tê giác, bảo vệ động vật hoang dã.

Tranh của các học sinh sẽ được trưng bày, trao giải trong dịp này. Ngoài ra, 62 học sinh đại diện cho học sinh 31 lớp còn tham gia cuộc thi “Rung chuông vàng” với bộ câu hỏi 40 câu về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm.

Mặc dù đây là hoạt động ngoại khóa nhưng các em đều nhiệt tình tham gia. Nhờ đó, kiến thức các lĩnh vực xã hội và kỹ năng hoạt động tập thể của nhiều học sinh được nâng lên đáng kể.

Hãy tuyên truyền như một công dân toàn cầu

Theo Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thành phố Vũ Văn Trà, Việt Nam tham gia Công ước CITES (công ước về thương mại quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp) năm 1994, là thành viên thứ 121/178 quốc gia.

Để thực thi Công ước CITES, Chính phủ đã ban hành Nghị định về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, nhập nội từ biển gây nuôi và trồng cấy nhân tạo các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp. Cơ quan quản lý CITES Việt Nam thuộc Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Các cơ quan khoa học CITES bao gồm Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Trung tâm nghiên cứu Tài nguyên và môi trường, Viện Khoa học Lâm nghiệp và Viện nghiên cứu Hải sản.

Trong số các loài động vật hoang dã, quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, tê giác rất cần bảo vệ do những đồn đại không có căn cứ về công dụng của sừng tê giác, dẫn đến việc săn bắn, giết hại, buôn bán loài động vật này ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Theo cơ quan quản lý CITES quốc tế, năm 2016, hàng nghìn con tê giác đã bị giết hại ở Nam Phi. 6 tháng đầu năm 2017, 530 con tê giác tiếp tục bị giết hại.

Việt Nam không phải là nơi xảy ra tình trạng săn bắn, giết hại tê giác nhưng cũng là quốc gia được bọn buôn lậu sừng tê giác chọn là điểm đến do có người dân cả tin vào những đồn thổi về công dụng chữa bệnh của sừng tê giác.

 Ông Vũ Văn Trà cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa, học sinh thành phố Cảng không thể thờ ơ, đứng ngoài cuộc những hoạt động có ý nghĩa như chương trình bảo vệ tê giác và động vật hoang dã. Bởi, bảo vệ động vật hoang dã là một phần công cuộc bảo vệ trái đất, bảo vệ mẹ thiên nhiên, để trái đất của chúng ta tốt đẹp hơn.

Với hơn 400 nghìn học sinh và 26 nghìn cán bộ, giáo viên, ngành GD-ĐT thành phố có lực lượng hùng hậu trong các hoạt động tuyên truyền về bảo vệ trái đất, bảo vệ động vật hoang dã, trong đó có tê giác.

Với mục tiêu trở thành công dân toàn cầu, học sinh thành phố Cảng là những tình nguyện viên tích cực trong phong trào bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ tê giác trước lòng tham của con người.

HẢI HẬU - MINH KHUÊ

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông