10:02 25/12/2020 Ngày 23/12, Công ty Vận hành các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine (Energoatom) thông báo kế hoạch ngừng chuyển nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng sang Nga từ năm 2021 sau khi kho chứa tại Vùng cách ly Chernobyl của quốc gia này đi vào hoạt động.
Cụ thể, quyền Giám đốc Energoatom Petro Kotin cho biết nếu kế hoạch trên không gặp trở ngại, từ năm 2021, phía Ukraine sẽ không chuyển nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng đến kho chứa ở Nga. Theo thông báo của Energoatom, đầu tháng này Ukraine đã hoàn thiện giai đoạn đầu tiên của dự án xây kho chứa SNF mới tại Vùng cách ly Chernobyl, với sự hỗ trợ của nhà cung cấp thiết bị và hệ thống công nghiệp năng lượng Holtec International của Mỹ. Dự kiến, kho chứa mới sẽ bắt đầu tiếp nhận các nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng vào tháng 5/2021.
Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Ảnh tư liệu: Sputnik
Quốc gia hơn 40 triệu dân này hiện đang vận hành 4 nhà máy điện hạt nhân, cung cấp hơn một nửa sản lượng điện của đất nước. Trong số này, chỉ có nhà máy Zaporizhzhia, lớn nhất châu Âu, có kho chứa nhiên liệu đã qua sử dụng. Mỗi năm, Ukraine phải chi trả khoảng 200 triệu USD để lưu kho các nhiên liệu đã qua sử dụng của 3 nhà máy còn lại tại Nga.
Vùng cách ly tại Chernobyl, với diện tích rộng tương đương đất nước Luxembourg, được thiết lập sau vụ nổ năm 1986 tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl gây ô nhiễm trầm trọng cho nhiều khu vực của Ukraine và nước láng giềng Belarus. Nhà máy này vẫn tiếp tục vận hành sau thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới và đóng cửa vào năm 2000.
Ukraine đã thông báo kế hoạch đưa khu vực xảy ra sự cố vào danh sách đề cử di sản văn hóa thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO).
Theo TTXVN