Ứng phó biến đổi khí hậu, việc không thể chậm trễ

10:10 08/11/2018

Theo Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Trương Quang Học trao đổi trong một cuộc hội thảo tại thành phố Hải Phòng thì biến đổi khí hậu đang ngày càng nhanh hơn, rõ nét hơn và tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như cuộc sống của người dân.

 

Các cơn bão ngày càng tàn phá dữ dội

Việt Nam là một quốc gia ven biển nên được đánh giá nằm trong vùng trung tâm của tác động biến đổi khí hậu. Nhận thức được điều đó nên ngay từ năm 1992 Việt Nam đã ký Công ước khí hậu, Nghị định thư Kyoto năm 1998. Đến năm 2008 Chính phủ đã chính thức ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu nhằm đánh giá tác động biến đổi khí hậu và xây dựng giải pháp thích ứng, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Và năm 2012 thì Chiến lược về tăng trưởng xanh đã được phê duyệt và Luật Phòng chống thiên tai, Luật bảo vệ môi trường cũng ra đời với các quy định nhằm phòng ngừa cũng như giải quyết các hiểm hoạ tự nhiên có tác động đến đất nước.

Hiện thực hoá các văn bản ký kết với quốc tế nói chung và thực hiện quyền tự quyết của quốc gia nói riêng, thời gian qua Việt Nam đã tích cực nghiên cứu và triển khai nhiều giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Đơn cử như, đến năm 2015, Việt Nam đã có 254 dự án cơ chế phát triển sạch với tổng lượng khí thải nhà kính tiềm năng giảm khoảng 137,4 triệu tấn CO2, trong đó chiếm phần lớn là dự án về năng lượng, tiếp đến là dự án xử lý chất thải và dự án trồng rừng, tái trồng rừng.

Việt Nam cũng đã ban hành nhiều chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả nhằm đảm bảo an ninh lương thực và bảo vệ môi trường.

Là thành phố có 125 km đường bờ biển với nhiều hòn đảo lớn, nhỏ, Hải Phòng cũng được xem là “tâm điểm” của biến đổi khí hậu với các hiện tượng thời tiết cực đoan như báo, áp thấp nhiệt đới, dông, lốc…Đặc biệt, những năm gần đây Hải Phòng còn phải đối mặt với việc xâm nhập mặn tại các vùng cửa sông ngày càng gia tăng, nước ngầm bị nhiễm mặn và có cả hiện tượng thuỷ triều đỏ tại một số vùng biển.

Từ năm 2013, Thành uỷ, UBND thành phố đã ban hành các Kế hoạch, Chương trình, Quyết định về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng và đẩy mạnh quản lý tài nguyên môi trường. Theo kế hoạch, đến năm 2025, thành phố thực hiện 4 hành động với 46 nhiệm vụ, dự án và đến nay đã triển khai được 37/46 dự án.

4 hành động trên đó là: Chủ động ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, củng cố đê sông, biển, chống xâm nhập mặn để đảm bảo sản xuất nông nghiệp, bảo vệ nguồn tài nguyên nước; tăng cường quản lý năng lực quản lý về biến đổi khí hậu, phát triển nguồn nhân lực, huy động mọi thành phần kinh tế, xã hội trong nước, nước ngoài tham gia; triển khai các hoạt động khoa học công nghệ nhằm cập nhật, bổ sung những đánh giá của tác động biến đổi khí hậu, từ đó làm cơ sở cho những đề xuất giải pháp phù hơp. Và hành động thứ 4 là tăng cường, triển khai các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Đối với hành động thứ 4, Hải Phòng đã phối hợp với các Bộ Môi trường, Viện nghiên cứu, Trường Đại học tại Nhật Bản xây dựng kịch bản các bon thấp, trong đó tập trung thực hiện công nghiệp xanh; toà nhà xanh; sử dụng hiệu quả năng lượng và giao thông sạch. Thực hiện hiệu quả các nhóm giải pháp trên, dự kiến Hải Phòng có thể giảm 14% tổng lượng khí thải nhà kính vào năm 2030.

Tuy còn nhiều khó khăn trong quá trình triển khai như nguồn nhân lực thiếu, yếu, nguồn tài chính hạn hẹp, nhận thức của một bộ phận cán bộ và nhân dân về biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính chưa cao, song tại các cuộc tiếp, làm việc với các tổ chức trong nước, nước ngoài, trong các cuộc hội thảo, lãnh đạo thành phố Hải Phòng đều thể hiện sự nhất trí cao, ghi nhận những bài học kinh nghiệm, cũng như cam kết nỗ lực thực hiện những giải pháp sẵn sàng ứng phó biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Kim Oanh

     

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông