15:47 30/01/2023 Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” là một phong trào thi đua lớn, trọng tâm do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động. Do đó, công tác tuyên truyền xây dựng phong trào luôn được các cấp Hội Nông dân thành phố xác định là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, phải đi trước một bước và được triển khai với những nội dung, cách thức cụ thể nhằm hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.
Phát động phong trào đến trên 148.000 lượt hội viên
Theo đó, những năm qua, Ban Thường vụ Hội Nông dân thành phố đã đề ra mục tiêu tiếp tục nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân về ý nghĩa của phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, từ đó tăng dần số lượng và chất lượng phong trào. Để thực hiện mục tiêu này và các chỉ tiêu thi đua phong trào đề ra hằng năm, các cấp Hội đã phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa của phong trào tới đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân.
Ban Thường vụ Hội Nông dân thành phố thì tích cực, chủ động chỉ đạo triển khai tốt công tác tuyên truyền từ thành phố đến cơ sở. Ở mỗi cấp, mỗi lĩnh vực lại có những giải pháp phù hợp nhằm phát huy vai trò, sức mạnh của của hệ thống Hội và giai cấp nông dân thành phố trong thực hiện phong trào.
Trong 5 năm (2017-2022), các cấp Hội đã tổ chức được 4.775 cuộc tuyên truyền, phát động phong trào thu hút trên 148.000 lượt hội viên, nông dân tham dự. Đáng chú ý, Ban Thường vụ Hội Nông dân thành phố đã vận động, hướng dẫn và quyết định thành lập CLB Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi thành phố với 54 thành viên là những hội viên nông dân tiêu biểu cho phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu bền vững và những cán bộ, hội viên gương mẫu, nhiệt tình với phong trào.
Hoạt động của 11 CLB “Sản xuất, kinh doanh giỏi” cấp huyện, quận cũng được duy trì, phát huy hiệu quả thiết thực giúp nhiều hộ trở thành các doanh nghiệp nông nghiệp. Tiêu biểu như hộ ông/bà: Phạm Văn Lượng, Bùi Văn Luyện, Hoàng Thị Gái, Bùi Tiến Hoành; Phạm Thái Học, Phạm Văn Thành…
Đội ngũ cán bộ Hội thì thường xuyên sâu sát cơ sở, nắm bắt kịp thời tình hình tư tưởng của cán bộ, hội viên, nông dân trong triển khai phong trào, đặc biệt là trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đó, báo cáo cấp ủy các cấp, Hội cấp trên có biện pháp hỗ trợ kịp thời, góp phần ổn định tình hình, tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện phong trào.
Các hoạt động trợ giúp nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh bằng những việc làm cụ thể như tập huấn chuyển giao KHKT, hỗ trợ vốn vay, cung ứng vật tư sản xuất, xây dựng các mô hình hướng dẫn nông dân phát triển kinh tế thông qua các dự án vay vỗn Quỹ hỗ trợ nông dân, ủy thác ngân hàng…, được các cấp Hội quan tâm đẩy mạnh.
Thay đổi nhận thức, hành vi của nông dân
Cùng với đó, Hội Nông dân thành phố đã phối hợp với Sở KH&CN hỗ trợ dự án phát triển nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm đặc sản, làng nghề của thành phố đã được cấp văn bằng bảo hộ: Quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu tập thể “Trứng vịt Chấn Hưng” cho các sản phẩm trứng vịt của huyện Tiên Lãng. Quản lý, khai thác, phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Gạo nếp cái hoa vàng Đại Thắng” cho sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng của huyện Tiên Lãng. Quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu tập thể “Cá thu phơi một nắng - Đặc sản Đồ Sơn, Hải Phòng” cho sản phẩm cá thu phơi một nắng của quận Đồ Sơn...
Đáng chú ý, Hội đã quan tâm, chú trọng vận động nông dân tập trung dồn điền, đổi thửa, xây dựng vùng sản xuất quy mô lớn, đẩy mạnh cơ giới hóa, hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Hằng năm, 100% các huyện, quận; trên 80% các xã, phường, thị trấn phối hợp tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân về kỹ thuật.
5 năm qua, các cấp Hội đã trực tiếp và phối hợp với các ngành chức năng tổ chức 6.068 lớp tập huấn KHKT cho trên 580.000 lượt hộ nông dân. Vận động hội viên nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với thị trường, xây dựng hàng trăm điểm trình diễn kỹ thuật, vận động nông dân dồn điền đổi thửa cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả. Đồng thời, phối hợp với Viện Cây lương thực và cây thực phẩm, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, xây dựng mô hình “lúa – cáy – rươi” trên địa bàn các huyện Tiên Lãng, An Lão, Vĩnh Bảo.
Để giúp xây dựng thương hiệu sản phẩm, các cấp Hội đã chủ động lập hồ sơ, đăng ký 24 nhãn hiệu tập thể các sản phẩm đặc sản, tập thể làng nghề tại thành phố, được Cục Sở hữu trí tuệ của Bộ KH&CN cấp chứng nhận.
Có thể khẳng định, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi thành phố ngày càng phát triển rộng khắp, được đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân tích cực hưởng ứng. Tỷ lệ thu hút hội viên đăng ký thực hiện phong trào năm sau luôn tăng hơn năm trước. Qua đó, góp phần làm thay đổi nhận thức, hành vi của nông dân về nội dung định hướng cốt lõi trong phong trào thi đua.
Từ đó, khơi dậy khát vọng làm giàu trong nông dân. Từ chỗ thụ động, chỉ biết trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, hiện nay, nông dân Hải Phòng đã nhận thức được rằng, xây dựng và phát triển kinh tế trên chính quê hương là một hướng đi đúng đắn, bền vững. Họ đã từng bước trở thành những nông dân thế hệ mới dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trên địa bàn thành phố đã xuất hiện ngày càng nhiều hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, nhiều hộ có thu nhập cao, bền vững. Điển hình có thể kể đến những tấm gương xuất sắc, tiêu biểu cho tinh thần lao động cần cù, năng động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn trong sản xuất, kinh doanh như các hội viên: Nguyễn Văn Hùng, xã Hồng Thái; Phạm Văn Lượng, xã Hồng Phong (huyện An Dương); Hoàng Thị Gái, Đỗ Thị Duyên, Nguyễn Văn Tuyển (huyện Vĩnh Bảo); Lê Văn Thám (huyện Tiên Lãng)…
KC
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão