20:19 01/12/2022 Thí điểm đấu giá biển số xe ô tô; quản lý, bảo đảm an ninh, trật tự tại cửa khẩu đường hàng không; kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tiêu chuẩn giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần; chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong CAND... là những nội dung trọng tâm liên quan công tác công an quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành và lấy ý kiến trong tháng 11/2022.
Quốc hội ban hành Nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô
Người dân được quyền đấu giá biển số ô tô tại các địa phương. |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 73/2022/NQ-QH15 về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023 và được thực hiện trong 03 năm.
Nghị quyết này quy định về biển số ô tô đưa ra đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản gồm: Biển số ô tô đưa ra đấu giá là biển số ô tô nền màu trắng, chữ và số màu đen, trừ biển số cấp cho ô tô của doanh nghiệp quân đội làm kinh tế, ô tô của dự án, tổ chức kinh tế liên doanh với nước ngoài, ô tô của tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế và người nước ngoài làm việc trong cơ quan, tổ chức nước ngoài và quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
Việc lựa chọn biển số ô tô đưa ra đấu giá quy định Bộ Công an, tổ chức đấu giá tài sản có trách nhiệm công khai biển số ô tô chưa đăng ký, dự kiến cấp mới trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản, Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, Trang thông tin điện tử Cục Cảnh sát giao thông và trang thông tin điện tử trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản.
Giá khởi điểm của một biển số ô tô đưa ra đấu giá là 40.000.000 đồng; tiền đặt trước bằng giá khởi điểm của một biển số ô tô đưa ra đấu giá; bước giá là 5.000.000 đồng; số tiền thu được từ đấu giá biển số ô tô sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá được nộp vào ngân sách Trung ương theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước...
Nghị định về quản lý, bảo đảm an ninh, trật tự tại cửa khẩu đường hàng không
Các lực lượng phối hợp thực hiện bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn hàng không. |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị định số 93/2022/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, bảo đảm an ninh, trật tự tại cửa khẩu đường hàng không theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 22/12/2022.
Nghị định quy định các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự tại khu vực cửa khẩu đường hàng không gồm: Tuần tra, kiểm soát, phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; giám sát hoạt động của người, phương tiện tại khu vực cửa khẩu đường hàng không bằng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật; các biện pháp khác theo quy định của Luật Công an nhân dân, Luật An ninh quốc gia và pháp luật khác có liên quan.
Về biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự tại khu vực cách ly xuất nhập cảnh, Nghị định quy định các biện pháp gồm: Kiểm soát người vào, ra khu vực cách ly xuất nhập cảnh; tuần tra, kiểm soát, phòng ngừa, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật tại khu vực cách ly xuất nhập cảnh; giám sát hoạt động của người, phương tiện tại khu vực cách ly xuất nhập cảnh bằng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật; các biện pháp khác theo quy định của Luật Công an nhân dân, Luật An ninh quốc gia và pháp luật khác có liên quan.
Trường hợp có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp cần áp dụng biện pháp kiểm soát đặc biệt tại cửa khẩu đường hàng không theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an chủ trì, điều chỉnh luồng di chuyển hành khách phù hợp yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự; bố trí lực lượng tuần tra, thiết lập chốt kiểm tra an ninh tại các vị trí cần thiết, giám sát toàn bộ khu vực cửa khẩu đường hàng không, đặt biển cấm, biển hạn chế hoạt động theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
Thông tư quy định về việc kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Đoàn đại biểu Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thăm Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư. |
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã ký ban hành Thông tư số 46/2022/TT-BCA quy định về việc kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và hệ thống thông tin khác; có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/12/2022.
Theo đó, nguyên tắc kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC) với cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG), cơ sở dữ liệu chuyên ngành (CSDLCN) và hệ thống thông tin khác phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân; bảo đảm các quy định về bảo mật, an ninh, an toàn thông tin mạng theo quy định của pháp luật hiện hành. Không làm ảnh hưởng đến quyền lợi và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, không được xâm phạm quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trừ trường hợp pháp luật khác có quy định.
Công dân thực hiện tra cứu, khai thác thông tin thông qua cổng dịch vụ công như sau:
- Công dân đăng nhập vào cổng dịch vụ công.
- Công dân lựa chọn dịch vụ tra cứu hoặc dịch vụ khai thác thông tin cá nhân.
- Bộ Công an trả kết quả tra cứu của công dân bằng thông tin hiển thị trên cổng dịch vụ công hoặc trả kết quả khai thác thông tin bằng Thông báo.
Tiêu chuẩn giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần
Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần. |
Thông tư số 11/2022/TT-BYT quy định tiêu chuẩn, hồ sơ, thủ tục bổ nhiệm, cấp thẻ, miễn nhiệm và thu hồi thẻ giám định viên pháp y và giám định viên pháp y tâm thần do Bộ Y tế ban hành áp dụng đối với công chức, viên chức, sĩ quan Quân đội, sĩ quan Công an nhân dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giám định pháp y, pháp y tâm thần; có hiệu lực thi hành từ ngày 15/12/2022.
Theo đó, thủ tục bổ nhiệm giám định viên ở cấp Trung ương quy định trách nhiệm của cơ quan, đơn vị đề nghị bổ nhiệm, như sau: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 3 của Thông tư này, đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm giám định viên pháp y thuộc Bộ mình.
Thủ tục bổ nhiệm giám định viên ở cấp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương quy định trách nhiệm của cơ quan, đơn vị đề nghị bổ nhiệm, trong đó Công an tỉnh, Trung tâm pháp y tỉnh, các cơ sở y tế thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Y tế lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 3 Thông tư này, hướng dẫn cá nhân hoàn thiện hồ sơ bổ nhiệm giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần theo quy định tại Điều 4 Thông tư này, gửi đến Sở Y tế tỉnh…
Dự thảo một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong Công an nhân dân
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng trao Bằng khen của Bộ Công an tặng các cầu thủ bóng đá có thành tích xuất sắc trong thi đấu. |
Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo Thông tư quy định một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu và chế độ chi tiêu tài chính đối với các hoạt động thể dục, thể thao trong Công an nhân dân để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Dự thảo Thông tư quy định về một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu, bao gồm: Chế độ tiền lương, tiền hỗ trợ tập huấn, thi đấu; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo hiểm thất nghiệp; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; bảo hiểm khi tập huấn, thi đấu ở nước ngoài; chế độ khi ốm đau, thai sản, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chế độ chăm sóc và chữa trị chấn thương; bảo đảm học tập văn hóa, chính trị; chế độ dinh dưỡng đặc thù; tiền thưởng theo thành tích thi đấu.
Chế độ chi tiêu tài chính đối với các hoạt động thể dục, thể thao trong Công an nhân dân, bao gồm: Giải thi đấu thể thao (Đại hội, hội thao, giải thi đấu từng môn thể thao); Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân; Hoạt động giám sát, kiểm tra rèn luyện thể lực đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân; Hoạt động tuyển chọn huấn luyện viên, vận động viên thể thao thành tích cao...
Dự thảo Thông tư liên tịch sửa đổi, bổ sung quy định về việc phối hợp thông báo, gửi, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến người phạm tội
Lực lượng Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân và Tòa án Nhân dân ký kết phối hợp thực hiện một số quy định về việc thông báo, gửi, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến người phạm tội. |
Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo Thông tư liên tịch sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư liên tịch số 05/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 25/6/2018 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao quy định về việc phối hợp thông báo, gửi, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến người phạm tội để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Dự thảo đã bổ sung quy định trao đổi thông tin, tài liệu điện tử và kết nối, chia sẻ thông tin. Trong đó, quy định thông tin, tài liệu giấy được số hóa thành văn bản điện tử và trao đổi thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia. Các văn bản điện tử trước khi gửi đi phải được ký số bởi người có thẩm quyền và ký số của cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật và có giá trị pháp lý như bản gốc văn bản giấy.
Các đơn vị của 3 ngành sử dụng hệ thống phần mềm quản lý văn bản điều hành của ngành tích hợp với Trục liên thông văn bản quốc gia để trao đổi, cung cấp thông tin tài liệu, liên quan đến người phạm tội.
Bộ Công an chủ trì đề xuất, xây dựng Cơ sở dữ liệu Kết quả điều tra, truy tố, xét xử để phục vụ kết nối, chia sẻ thông tin giữa Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao căn cứ vào yêu cầu thực tiễn để xây dựng hệ thống công nghệ thông tin phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu Kết quả điều tra, truy tố, xét xử.
10:01 05/11/2024
17:59 04/11/2024