17:25 16/10/2015
Cách đây 10 năm, ngày 19-10-2005, Văn phòng đăng ký đất đai được thành lập với chức năng giúp Sở Tài nguyên - Môi trường, UBND thành phố thực hiện nhiệm vụ đăng ký, chỉnh lý biến động, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Từ kết quả đạt được trong thời gian qua cho thấy, hoạt động của Văn phòng đăng ký đất đai đã tạo nên những chuyển biến tích cực trong lĩnh vực quản lý đất đai. Nhân dịp này, phóng viên Báo An ninh Hải Phòng đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn San - quyền Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai. PV: Nhìn lại chặng đường 10 năm, ông cho biết những “cái được” quan trọng từ hoạt động của Văn phòng đăng ký đất đai? Ông Phạm Văn San: Thời gian trước khi có hệ thống Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, hồ sơ địa chính tại các cấp xã, huyện, thành phố chưa được thiết lập hoặc có thiết lập thì lại chưa đồng bộ, thông tin đất đai chưa được cập nhật, chỉnh lý biến động thường xuyên nên chưa đáp ứng được yêu cầu về quản lý cũng như cung cấp thông tin địa chính. Hệ lụy là tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thấp, nhiều khiếu kiện về đất đai, các tổ chức, công dân bức xúc khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai… Hệ thống Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đã thành lập và đi vào hoạt động ổn định, nhất là từ năm 2013 đến nay đã tạo ra sự thống nhất trong quản lý nhà nước về đất đai, kịp thời khắc phục tối đa những sai sót, chồng chéo, đảm bảo chặt chẽ, chính xác, tránh được những sai phạm, từ đó hạn chế các tranh chấp, khiếu kiện về đất đai, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài. Một điều quan trọng nữa là, đến nay kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố đạt tỷ lệ cao. Trong đó, các tổ chức đạt 85%; hộ gia đình, cá nhân đạt 94,3% và cơ sở tôn giáo đạt 58%, đưa Hải Phòng vào tốp 10 tỉnh, thành phố đứng đầu về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở của cả nước. PV: Lâu nay, không ít tổ chức, cá nhân vẫn thường ngại khi phải thực hiện các giao dịch liên quan đến đất đai. Vậy cán bộ viên chức (CBVC) của hệ thống văn phòng đã làm gì để dần xóa đi định kiến này, thưa ông? Ông Phạm Văn San: Trong thời gian qua, tập thể CBVC, người lao động của hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai đã từng bước tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính. Hiện, số thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký đất đai đã giảm từ 39 thủ tục xuống còn 27 thủ tục. Trên cơ sở bộ thủ tục, Văn phòng đăng ký đất đai đã xây dựng 27 quy trình theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008, trong đó xác định rõ các bước giải quyết, trình tự, thời gian thực hiện, đồng thời niêm yết danh mục tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả để các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiện theo dõi, thực hiện. Đặc biệt, việc giảm thời gian thực hiện thủ tục từ 55 ngày xuống còn không quá 30 ngày làm việc; giảm số lượng thành phần hồ sơ từ 9 loại giấy tờ xuống còn 5 loại giấy tờ đã thực sự mang lại nhiều lợi ích cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trên địa bàn thành phố. Song song với những hoạt động trên, Văn phòng đăng ký đất đai cũng đang từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai từ cấp xã đến các chi nhánh quận, huyện để thông tin kịp thời, chính xác các thông tin về đất đai cũng sẽ tạo ra môi trường cải cách hành chính về đất đai minh bạch, thông thoáng và nhanh gọn. PV: Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, mục tiêu mà hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai hướng tới là gì, thưa ông? Ông Phạm Văn San: Khắc phục những tồn tại về nhân sự, cơ sở vật chất, trong thời gian tới Văn phòng đăng ký đất đai sẽ đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin, tập trung chỉ đạo trực tuyến về chuyên môn nghiệp vụ, từ đó rút ngắn thời gian đi lại, kịp thời giải quyết các tình huống phát sinh ở các chi nhánh đặt tại các quận, huyện. Bên cạnh đó, thường xuyên cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai, từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai có tính thống nhất và sử dụng phần mềm chung của ngành, qua đó tạo nên sự chính quy, chuyên nghiệp, hiện đại của đội ngũ CBVC, người lao động của toàn hệ thống. Cùng với việc tiếp tục rà soát, hệ thống văn phòng sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các quận, huyện đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân đến kê khai, đăng ký, đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận. Như các bạn đã biết, Luật đất đai 2013 đã được thực thi, trong khi đó một số đạo luật như Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, Luật doanh nghiệp… vừa mới có hiệu lực, cần được nghiên cứu, cập nhật các quy định liên quan đến lĩnh vực hoạt động của mình, phát hiện những vấn đề xung đột, từ đó báo cáo, đề xuất Bộ Tài nguyên - Môi trường, UBND thành phố điều chỉnh cho phù hợp. Trong tương lai, Văn phòng đăng ký đất đai phải nỗ lực phấn đấu để tự chủ về tài chính trên cơ sở thu phí từ các dịch vụ cung cấp thông tin về đất đai cho các tổ chức, cá nhân, qua đó tạo sự năng động, chủ động cho đội ngũ người làm nghề. PV: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện! KIM OANH thực hiện
|
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết