Vay tiền trực tuyến – cẩn trọng không thừa

08:51 11/08/2019

Ở Việt Nam, những năm gần đây, bên cạnh các ngân hàng, các công ty tài chính, đã có sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng, rộng rãi của các mô hình cho vay trực tuyến (online), thường được biết đến với tên gọi như: “Vay tiền nhanh online”; “Vay tiền không thế chấp”, “Vay tiền không cần gặp mặt”… Các mô hình này thường được giới thiệu là công ty thực hiện hỗ trợ, tư vấn và kết nối giữa người đi vay và người cho vay (công ty tư vấn). Tuy nhiên, nhiều cơ quan chức năng đã lên tiếng cảnh báo người vay cần cẩn trọng với dịch vụ này...

Thực ra về bản chất, cho vay trực tuyến là mô hình tối ưu giúp người khó tiếp cận dịch vụ vay tiêu dùng của ngân hàng có thể vay online, vay không thế chấp một cách tiện lợi, nhanh chóng, đem đến trải nghiệm tài chính văn minh, hiện đại. Hình thức này giúp giảm chi phí giao dịch, áp dụng tốt thành tựu của công nghệ 4.0, mang lại lợi ích cho cả nền kinh tế, đa dạng dịch vụ tín dụng. Tuy vậy, bên cạnh những đơn vị hoạt động nghiêm túc, minh bạch, đem lại giá trị cho cộng đồng vẫn tồn tại không nhỏ những tổ chức trá hình, hoạt động núp bóng làm tín dụng đen thậm chí là lừa đảo dựa trên khung pháp lí còn chưa rõ ràng.

Cần cẩn trọng đối với hình thức cho vay trực tuyế

Qua tìm hiểu một số trang cho vay trực tuyến như R… Cho vay…, người vay dễ dàng choáng ngợp trước những điều kiện hấp dẫn và thủ tục đơn giản đến mức không ngờ như: “Chỉ mất 10 phút là quý khách đã có thể nhận được khoản vay 2.000.000 đồng vào tài khoản, Các thủ tục cho vay đều được thực hiện online, ngay tại nhà của quý khách, Không cần người bảo lãnh, chứng từ hoặc tài sản sản thế chấp”. Hay “Duyệt vay siêu tốc, không cần tài sản đảm bảo, không cần chứng minh thu nhập, đăng ký và duyệt vay chỉ trong vài phút, Lãi suất hấp dẫn 2.33% - 5%, thời gian vay linh hoạt trong 12 - 36 tháng từ ngân hàng và công ty tài chính hàng đầu”... Hay tại các trang dichvu…, vay… sẵn sàng “giải cứu” tất cả hồ sơ bị ngân hàng từ chối hoặc đang nợ xấu vẫn còn cơ hội vay tín chấp.

Đối tượng khách hàng tiếp cận vốn vay tại các trang này không giới hạn, có thể là doanh nghiệp, hộ sản xuất, cá nhân... có nhu cầu vay; kể cả các trường hợp công việc không ổn định hoặc chưa có việc làm, kinh doanh không có giấy phép... Hạn mức cho vay của các kênh này khá linh hoạt trong khoảng vài triệu đến vài chục triệu đồng...

Rõ ràng với thủ tục nhanh gọn, đơn giản như vậy thì dịch vụ cho vay trực tuyến quả là hấp dẫn người tiêu dùng. Nhất là trong bối cảnh vay vốn tại ngân hàng, có một số yêu cầu mà một số trường hợp khách hàng khó đáp ứng được như chứng minh tài sản, thu nhập... Tuy nhiên, tìm hiểu kỹ về điều khoản cho vay tại nhiều trang, thời gian vay tối đa thường bị giới hạn. Đặc biệt lãi suất cho vay tính chi tiết, cụ thể cao hơn nhiều so với lãi suất vay tại các ngân hàng. Đơn cử, nếu vay ở trang vay..., người vay phải trả lãi suất khoảng 9-10%/tháng, tức là khoảng 108-110%/năm. Tại trang dichvu…, mức lãi suất còn cao hơn tùy theo thời gian vay ngắn hoặc dài.

Trước chiều hướng có phần phức tạp này, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã lưu ý người tiêu dùng cần cẩn trọng khi cung cấp thông tin để đăng ký khoản vay. Cụ thể, do phần lớn các giao dịch được thực hiện online nên phạm vi thu thập và mục đích sử dụng thông tin của các công ty là rất lớn. Trong đó, có một số mục đích sử dụng đặc thù, ví dụ như để kiểm tra thông tin về người đi vay thông qua các mạng xã hội mà người đi vay đăng ký (facebook, zalo…), hoặc để liên hệ thực hiện nhắc/thu nợ khi phát sinh nợ quá hạn (điện thoại của người thân, của đồng nghiệp…). Mặt khác, bên cho vay thường có thể có mối quan hệ với xã hội đen và có thể thuê đối tượng này đến tận nhà đòi nợ theo hướng bạo lực khi người vay chưa trả hoặc mất khả năng trả nợ.

Vì thế, theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, trước khi vay tiền, người vay cần tìm hiểu bên cho vay là ai, thủ tục giải ngân như thế nào. Nhất là khi một số công ty tư vấn tài chính hợp tác với các đơn vị cầm đồ, người vay phải ký hợp đồng cầm đồ với đơn vị liên quan để thực hiện giải ngân, lãi suất cho vay theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Nhưng thực tế, các công ty này sẽ tính thêm các chi phí khác, như phí tư vấn, phí quản lý khoản vay… dẫn đến lãi suất và phí lên tới vài trăm %/năm.

Ngoài ra, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người vay tìm hiểu và yêu cầu bên cho vay cung cấp tài liệu xác nhận về thời hạn được hủy giải ngân, quy định về chi phí và cách thức gia hạn khoản vay để có thể chủ động, kịp thời xử lý khi có nhu cầu; chủ động tìm trên website hoặc đề nghị công ty tư vấn cung cấp mẫu hợp đồng và toàn bộ các điều kiện giao dịch kèm theo để nghiên cứu trước khi xác nhận giao dịch…Sau khi ký, người tiêu dùng nên yêu cầu công ty gửi bản hợp đồng đã ký để lưu giữ và đối chiếu, sử dụng khi có phát sinh tranh chấp. Trường hợp phát hiện nội dung hợp đồng không đúng như nội dung tư vấn, quảng cáo, người tiêu dùng nên sử dụng các hình thức phản ánh, khiếu nại có lưu vết tới công ty, như gửi email, gửi qua bưu điện có xác nhận chuyển phát. Cuối cùng, cơ quan chức năng cũng lưu ý người dân dù là vay các khoản có giá trị nhỏ nhưng người tiêu dùng nên có tính toán cụ thể, chắc chắn để đảm bảo khả năng trả nợ đúng hạn, tránh tình trạng phát sinh các chi phí cao và không cần thiết.

Mới đây, Ngân hàng nhà nước (NHNN) Việt Nam cũng có văn bản khuyến cáo các tổ chức tín dụng về việc liên kết với các tổ chức, công ty trong thực hiện cho vay trực tuyến. Theo đó, NHNN khuyến cáo các TCTD thận trọng trong việc ký kết và thực hiện các thỏa thuận hợp tác với các công ty cho vay ngang hàng (P2P Lending), tránh rủi ro và không ảnh hưởng đến hoạt động uy tín của TCTD, cũng như uy tín, an toàn của hệ thống ngân hàng.

Theo NHNN, P2P Lending có thể góp phần phổ cập tài chính, mở rộng khả năng và tạo thêm kênh tiếp cận nguồn lực tài chính, cách thức cho vay đối với nền kinh tế nhất là với các đối tượng yếu thế trong xã hội. Từ đó, có thể góp phần đẩy lùi tình trạng “tín dụng đen”. Tuy nhiên, hoạt động này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, như rủi ro cho vay, rủi ro thông tin, rủi ro phòng chống rửa tiền và rủi ro an ninh mạng. Có thể tác động bất lợi, bất ổn đến an sinh xã hội...

Một số đối tượng có thể lợi dụng mô hình này thực hiện hành vi bất hợp pháp (hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, cho vay cầm đồ biến tướng, hoạt động tài chính đa cấp…) và đưa ra quảng cáo sai sự thật, hứa hẹn lợi nhuận cao, lãi suất cạnh tranh để lừa đảo, chiếm dụng vốn của người dân. Từ đó gây tác động tiêu cực tới cuộc sống của người dân, gây bất ổn an ninh kinh tế và ổn định xã hội. Ngoài ra, một số công ty P2P Lending lợi dụng việc thiếu thông tin, thiếu hiểu biết của người dân để quảng cáo và đưa ra thông tin không rõ ràng, sai lệch dẫn đến nhà đầu tư hiểu nhầm về việc các hoạt động đầu tư/cho vay qua các nền tảng của công ty P2P Lending để được bảo hiểm rủi ro.

Bởi vậy, NHNN khuyến cáo các TCTD cần nghiên cứu, tìm hiểu nắm rõ các rủi ro phát sinh từ hoạt động P2P Lending để hướng dẫn, thông báo trong nội bộ các TCTD (bao gồm cả các công ty con, công ty thành viên của TCTD) về các rủi ro tiềm ẩn của hoạt động cho vay ngang hàng…

Bùi Hạnh (tổng hợp)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích