Về Đồ Sơn thăm các di tích quốc gia

17:12 20/10/2019

Nằm trong tuyến du lịch trọng điểm của quận Đồ Sơn, Tháp Tường Long – Bến Nghiêng – Bến K15 – Đảo Dấu là các điểm đến được nhiều du khách lựa chọn khi về với Đồ Sơn.

 

Tháp Tường Long hiện lên đầy uy nghi, tráng lệ trên đỉnh núi Ngọc (phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn) (Ảnh: Trần Sơn)

Từ trung tâm quận Đồ Sơn, men theo con đường Lý Thánh Tông rồi rẽ vào một con đường dẫn lên chùa Tháp (thuộc phường Ngọc Xuyên), du khách sẽ được đắm mình trong khung cảnh thiên nhiên đầy thơ mộng và không khí vô cùng trong lành, xa xa là ngọn tháp Tường Long hiện ra đầy uy nghi, tráng lệ. Theo sử sách ghi lại, cùng với tháp Báo Thiên ở Kinh đô Thăng Long, tháp Tường Long là một trong hai ngọn tháp cao nhất, được xây dựng kỳ công nhất, hùng vĩ nhất thời Lý. Ngày nay, cụm chùa tháp được xây dựng lại trên diện tích khoảng 2.000m2 gồm: Tòa tháp 9 tầng, phần chân hình vuông có 4 lối lên xuống, bên trong đặt pho tượng A-di-đà ngồi trên toà sen bằng đá.

Chùa Tháp có Tam quan ngoại được thiết kế theo lối kiến trúc mở, với bốn trụ cổng bằng đá đục chạm hoa văn tinh xảo. Tam quan nội và tường lan can có 3 cửa chính và khung bằng gỗ lim hài hoà cùng tam bảo với tiền đường gồm 5 gian. 20 pho tượng đồng nặng hơn 20 tấn được đặt trong nhà tam bảo. Đặc biệt, chuông chùa nặng 1 tấn mô phỏng chuông chùa Vân Bản của Đồ Sơn, được đúc trực tiếp trên đỉnh núi Ngọc từ sự đóng góp công của hàng nghìn tăng, ni, phật tử. Cạnh tháp Tường Long là nhà che bia và che hố khảo cổ 2 tầng, nơi lưu giữ nhiều hiện vật vô cùng giá trị với các chi tiết, nguyên liệu, hoa văn… làm từ gỗ, đá, ngói, gạch thời Lý.

Đến với tháp Tường Long, đứng trên đỉnh núi Ngọc, du khách còn có dịp được chiêm ngưỡng vẻ đẹp “sơn thủy hữu tình” của Đồ Sơn với biển rộng mênh điểm xuyết những con tàu ra khơi đánh bắt, những cánh đồng bạt ngàn hương sắc, cùng những ngôi nhà nhỏ nhấp nhô đầy màu sắc.

 

Bến Nghiêng – niềm tự hào của người dân miền biển (Ảnh: Trần Sơn)

Rời tháp Tường Long, di chuyển đến phía cuối bãi tắm khu 2 (thuộc phường Vạn Hương), du khách sẽ có dịp ghé thăm bến Nghiêng – một chứng tích lịch sử đánh dấu sự thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Pháp vĩ đại của dân tộc. Lịch sử ghi lại, tháng 5-1955, tại đây, một chiếc tàu quân sự kiểu há mồm đã đợi sẵn để đón đoàn quân thất trận của thực dân Pháp trở về nước, trả lại hòa bình cho Hải Phòng và miền Bắc.

Sự kiện lịch sử này đã trở thành minh chứng cho sự thất bại hoàn toàn của cuộc chiến tranh phi nghĩa kéo dài 9 năm. Còn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Bến Nghiêng một lần nữa đóng vai trò quan trọng trong việc phục vụ vận tải tiếp tế hàng hóa cho cuộc chiến đấu bảo vệ đảo đèn Hòn Dáu – mắt ngọc của Tổ quốc. Ngày nay, dấu ấn của di tích bến Nghiêng còn lại là bến tàu nhỏ được xây dựng bằng xi măng, cốt thép có kiểu dáng nằm nghiêng; cùng biểu tượng của bến Nghiêng được thành phố xây dựng vào năm 2005.

Hiện, di tích Bến Nghiêng tọa lạc trong một khung cảnh hữu tình. Sau lưng là ngọn núi vươn mình ra biển thuộc dải Cửu Long tạo thành một vụng nhỏ mang hình tay ngai. Phía trước mặt bến là bãi tắm khu II trông ra cửa biển Ba Lộ, nơi vua Lý Thánh Tông vào thế kỷ XI đã tựng ngự du để thị sát bảo vệ bờ cõi rồi cho xây dựng tháp Tường Long.

 

Bến K15- Điểm xuất phát đường Hồ Chí Minh trên biển (Ảnh: Trần Sơn)

Tiếp tục hành trình từ bến Nghiêng, di chuyển trên con đường ven biển mang tên Yết Kiêu, hiện ra trước mắt du khách là  khách sạn Vạn Hoa (nay là Casino Đồ Sơn). Điều đặc biệt hơn cả, nép mình dưới khách sạn Vạn Hoa chính là bến K15  – điểm xuất phát đường Hồ Chí Minh trên biển.

Cách đây hơn 55 năm, chính tại nơi đây, chiếc tàu gỗ đầu tiên mang mật danh “Phương Đông I” chở theo hàng hóa, vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam chống Mỹ cứu nước rời bến. Sau 5 ngày lênh đênh trên biển, tàu Phương Đông I hoàn thành sứ mệnh của mình, khai thông con đường vận tải chiến lược trên biển Đông “Đường Hồ Chí Minh trên biển”.

Bắt đầu từ đây, hàng trăm lượt tàu của đoàn 125 hải quân xuất phát, vận chuyển hàng nghìn tấn vũ khí phương tiện và hàng trăm cán bộ, chi viện cho chiến trường, góp phần giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, tạo nên trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Ngày nay, bến K15 không chỉ được nhắc đến như một bản anh hùng ca rất đáng tự hào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của người dân Đồ Sơn mà nơi đây còn là điểm đến tham quan, học tập để cùng tìm hiểu về lịch sử dân tộc.

 

Một góc đảo Hòn Dấu rợp bóng mát với hệ thống rừng nguyên sinh hàng trăm năm tuổi (Ảnh: Trần Sơn)

Điểm cuối trong chuyến hành trình về thăm các di tích quốc gia của Đồ Sơn, đó chính là đảo Hòn Dấu. Cách đất liền khoảng gần 2km, với diện tích gần 14ha, đảo Hòn Dấu không phải là một hòn đảo lớn trên khu vực biển Đông, song đây thực sự là một hòn đảo chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa độc đáo.

Đảo Hòn Dấu được nhiều người biết đến bởi nơi đây hiện còn bảo tồn được các di tích phản ánh truyền thống tín ngưỡng của cư dân miền biển qua ngôi đền thờ Nam Hải Đại Thần Vương; truyền thống đấu tranh chống đế quốc Mỹ qua ngọn hải đăng Hòn Dấu hàng trăm năm tuổi.

Không những vậy, nơi đây còn được biết đến với cảnh quan thiên nhiên đầy hoang sơ, cổ kính với hàng ngàn cây đa, cây si và nhiều loại cây cổ thụ có từ cách đây hàng trăm năm; cùng những bãi đá cổ nhấp nhô quanh đảo. Với những nét giá trị độc đáo đó cùng sự yên tĩnh hiếm có giữa biển Đông trập trùng sóng võ, đảo Hòn Dấu đã trở thành một điểm du lịch văn hóa tâm linh cũng như nghỉ ngơi, thư giãn lý tưởng của nhiều du khách.

Hải Ngân

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông