Về Lập Lễ nghe kể chuyện săn cá giữa đại dương

16:22 05/10/2013

Về xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên một ngày đầu thu giữa ánh nắng cheo veo, thấy ngỡ ngàng khi đường làng ngõ xóm đông đúc, nhà cao tầng mọc san sát. Nhiều người bảo Lập Lễ chẳng khác đô thị là mấy, do có nghề truyền thống đánh bắt cá biển mang lại thu nhập nên có lẽ kinh tế cũng khá hơn…
Về xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên một ngày đầu thu giữa ánh nắng cheo veo, thấy ngỡ ngàng khi đường làng ngõ xóm đông đúc, nhà cao tầng mọc san sát. Nhiều người bảo Lập Lễ chẳng khác đô thị là mấy, do có nghề truyền thống đánh bắt cá biển mang lại thu nhập nên có lẽ kinh tế cũng khá hơn…

Chinh phục “hung thần”

Hỏi chuyện ông Vũ Văn Cự, Trưởng tập đoàn đánh cá Nam Triệu thì được ông phân trần: “Gì chứ, nghề đánh cá của địa phương đã có từ hàng thế kỷ nay”. Rồi ông Cự bảo, ngay cả nhũng người như ông cũng chỉ là lớp “truyền nhân” hậu duệ của nghề cá. Bắt đầu từ nghề xăm đáy, rồi nào là nghề lưới cước từ những người Việt gốc Hoa kiều du nhập để hình thành nghề lưới đối, lưới mòi… là những lưới đánh bắt cá đầu tiên. Cứ thế, giai đoạn sau, một số ngư dân Lập Lễ “phát minh” ra lưới nhám, lưới sủ chuyên để đánh bắt loài cá to bằng cả mình người. Hóa ra là vậy, nghề săn cá dữ, cá quý ở Lập Lễ là những câu chuyện có thật chứ chẳng phải “huyền thoại”…

Qua giới thiệu của ông Cự, chúng tôi tìm đến nhà ông Đinh Ngọc Bút, ngư phủ một thuở nức tiếng. Năm nay đã bước vào tuổi 80, ông Bút vẫn tráng kiện, giọng nói sang sảng. Hiểu biển tường tận đến nỗi không chỉ nhớ những con nước, mùa gió, mùa cá mà ở vịnh Bắc Bộ vị trí nào, độ sâu bao nhiêu, ông Bút đọc cứ vanh vách. Từ năm đầu 80, ông Bút đã cùng một số ngư dân dong thuyền buồm đến vùng biển Hòn Mai, Hòn Mác (Quảng Ninh), phát hiện nhiều cá mập, nhất là từ đảo Cô Tô trở ra khoảng 30 hải lý, nước sâu không dưới 50 mét. Trở về, ông bàn bạc cùng một số trai tráng có kinh nghiệm đi biển quyết thu phục loài cá vẫn được mệnh danh là “hung thần” biển cả này.

Theo lời ông Bút, mỗi thuyền câu nhám mập thường cần ít nhất từ ba đến năm người, gồm một lái, một thả câu và một người gỡ cá. Lương thực, nhu yếu phẩm dự trữ sẵn trong khoang cho chừng mươi ngày. Cước để câu cá mập thuộc loại ngoại cỡ với những chiếc lưỡi được gia cố bằng thép đặc biệt. Dàn câu thường có đến hàng trăm lưỡi, cứ hơn chục mét lại móc một lưỡi, tính ra cả dàn dài vài cây số. Còn mồi câu là nhệch sống hoặc cá hố, những loại có máu tanh vào hạng nhất, cực quyến rũ nhám mập - loài có khứu giác thính nhạy đáng nể…

                        

Ông Bút nhớ lại: Mỗi khi cá mập cắn câu thì tựa như “trâu điên” bị dây thừng buộc cọc, ngư dân phải mất nhiều công sức mới đưa được con cá lên thuyền. Cuộc chiến với loài cá được mệnh danh là “hung thần” của biển cả bắt đầu với đủ mọi biện pháp, lúc cương, lúc nhu. Cá lôi căng dây thì ngư phủ thả, cá để chùng dây thì ngư phủ kéo, nghĩa là phải để nó mệt nhoài. Khi cá mập được lôi vào sát mạn thuyền, liên tiếp những cái đọc (xiên lao) được phóng ra từ bàn tay cơ bắp của các ngư dân vào lưng cá nghe ngọt sớt. Xin nói thêm rằng, đọc là dụng cụ cán làm bằng tre hoặc gỗ, một đầu gắn với lưỡi lao có ngạch kiểu mũi tên, đầu kia buộc với sợi dây thừng bện chặt dài hàng trăm mét.

Thế là con vật khổng lồ bị trúng đọc tưởng kiệt sức bỗng bừng tỉnh, lại càng hăng máu hơn. Sợi dây đọc to như ngón tay cái làm bằng nylon bện chắc bị kéo căng như dây đàn, lôi theo cả chiếc thuyền phía sau phóng đi vèo vèo. Cứ thế, người và cá dữ “quần” nhau đến hàng giờ. “Nhám mập còn khỏe hơn cả trâu mộng, khi ghì vào sát thuyền vẫn không thể kéo được, phải dùng mấy tấm đòn bẩy mới bẩy được lên. Có con hung hăng, dù bị nhiều đọc đâm trúng nhưng chỉ cần nó quẫy đuôi là thuyền tròng trành như gặp phải gió to sóng lớn…”, ông Bút kể lại.

Những con cá nhám mập câu được, bé thì cũng nặng từ 50-80kg, có những con nặng tới vài tạ. Thủa đó chưa có đá lạnh, ngư dân Lập Lễ mổ bụng cá, vứt ruột xuống biển, cắt vây phơi khô, xắt thịt thành từng tảng rồi ướp muối. Khi thuyền cập bến, bà con đem về sân nhà phơi khô rồi cắt thành từng miếng nhỏ bán. Còn phần vây, sau nhúng vào nước sôi để đánh bỏ phần ngoài còn lại phần vi nhỏ, mới trắng như sợi cước là loại đặc sản. Ngày đó, trên vùng biển Mai, Mác và Bạch Long Vĩ, có ba loại cá mập phổ biến là mập búa, mập cát và mập xám, trong đó cá mập xám da ít cát, màu hơi đen là ngon nhất.

Câu cá mập không cần nói cũng biết là nguy hiểm, nhiều lúc phải đánh đổi cả sinh mạng của mình. Có người suýt rơi vào hàm cá mập, về sau sợ phải bỏ nghề. Sơ sảy cái, dây đọc mà cứa vào tay với sức mạnh và tốc độ của con cá mập vài tạ thì chẳng khác gì một lưỡi dao sắc ngọt, đứt phăng cả bàn tay. Về sau, ngư dân Lập Lễ chuyển sang đánh bắt bằng bủa lưới vây nên có phần an toàn hơn. Người “khai sinh” ra nghề lưới cá mập là lão ngư Đinh Khắc Vuông, ở thôn Bảo Kiếm. Thu phục cá dữ bằng cách này, lưới được ngâm biển để qua một đêm, hôm sau mới vớt nên đa phần nhám mập mắc lưới không thở được, càng giãy càng bị quấn chặt. Nước bắn tung tóe, cá đuối sức, mồm há to như chiếc dậm đánh tôm trông rất gớm ghiếc.

Trên thuyền, nhóm thợ ngư phủ chia làm hai tốp, hò nhau kéo bẩy mất hơn nửa ngày. Cũng có khi cả đoàn bạn thuyền của ông Vuông sững người khi vớt lên tấm lưới bỗng thấy một mảng lưới thủng to bằng cái giường, ngang với kích cỡ thân cá trốn thoát. Thời hưng thịnh, ông Vuông mỗi chuyến ra khơi thường đem về cả bao tải vây cá mập. Chỉ tội mỗi điều thịt cá khi ấy bán với giá khá rẻ, còn bộ vây cũng ít ai mua, đến sau này giá trị mới tăng vọt…

Mẻ lưới thu gần một tấn cá sủ vàng

Ráng chiều buông xuống trên bến cảng cá Mắt Rồng, trong ngôi nhà bằng gỗ khang trang của mình, lão ngư Nguyễn Đức Kiến năm nay đã gần 60 tuổi dõi ánh mắt xa xăm nhìn khơi xa. Ông hồi tưởng về một thời trai trẻ ăn sóng nằm gió, ánh mắt chất chứa niềm hân hoan và cả nuối tiếc những tháng ngày đã qua. Theo cha anh ra biển từ thuở mười bảy, bao nhiêu cá trên biển ông Kiến đều thuộc cả, nhưng niềm tự hào hơn là người dân nơi đây vẫn gọi ông là “vua sủ vàng”. 

                          

                   Ông Kiến và kỷ niệm mẻ lưới thu gần 1 tấn cá sủ vàng

Ông Kiến bảo, cũng như nhiều ngư dân địa phương, ban đầu ông chủ yếu đánh bắt thủ công bằng thuyền hai buồm đánh cá nhụ, cá thu ở khu biển Đồ Sơn, rồi có lúc thuyền chạy sang cả Hòn Sòng, Hòn Gội (Quảng Ninh). Một thời gian sau, ông lại chuyển thắp bóng đèn để rọi mực, thường ở khu vực biển Bạch Long Vĩ. Và rồi bắt đầu từ những năm đầu 90 của thế kỷ trước, ông mới quay về đánh bắt cá sủ vàng, có điều hiểu tường tận về loài cá này như ông thì không nhiều người…

“Loài cá sủ vàng sinh sống ở biển, đến mùa đẻ (tháng 1-4 và 9-10 âm lịch) sẽ vào các vùng cửa sông nước lợ cặp đôi và đẻ. Cá con ngược lên vùng nước ngọt sâu trong đất liền sống và sau khoảng 1, 2 năm sẽ dần tìm ra biển…”, ông giải thích. Trong ký ức ông Kiến, vào năm 1990, đã có một vài lần ông ra khơi kéo lưới bắt được loài cá này.

Nhưng kỷ niệm mãi không quên là “trận đánh” do ông chỉ huy bủa lưới quây đàn cá sủ vàng đang nô đùa như đám trẻ giữa dòng nước cuồn cuộn. Hôm đó là ngày 13-9-1991, buổi sáng thời tiết rất đẹp, giữa ngày nước kém “sáng Bấc hôm Nồm”, ông Kiến cùng mấy ngư phủ thong dong thả lưới ở vùng cửa biển Hoàng Châu (Cát Hải). Sau bữa cơm chiều, mặt trời ngả mát, ông cùng nhóm thợ bắt đầu kéo lưới. Vừa nổi lên mặt nước, sát mạn thuyền là hàng chục con sủ vàng kép giãy đành đạch. Con nào con nấy to như bao thóc, mình vàng óng ánh, kêu khụt khịt. Đếm tất thảy 39 con cá sủ vàng kép, con to nhất ước chừng trên 60kg, con nhỏ hơn 20kg, đặt lên cân ngót gần một tấn. “Mừng quá, tôi ra lệnh cho anh em trên thuyền nhổ neo, thu lưới dong thuyền về luôn.

Vừa về đến bến, nghe tin bà con trong làng đổ ra xem đứng chật cả bến cá…”, ông Kiến nhớ lại. Sau đó, số cá sủ vàng trên được ông Kiến bán cho một thương lái ở nội thành được gần 150 triệu đồng, tính ra cả vụ năm đó ông Kiến thu hoạch hơn 300 triệu đồng. Theo ông Kiến, khi ấy số tiền trên có giá trị rất lớn nhưng giá bán cá sủ vàng vẫn rẻ, mỗi cân thương lái chỉ trả trên dưới 150 nghìn đồng chứ không đắt đỏ và quý hiếm như bây giờ.

Cũng nằm trong số những ngư dân may mắn đánh bắt được nhiều cá sủ vàng còn có ông Tần, người cùng xã. Năm ấy, ông Tần và mấy người trong gia đình hay chạy thuyền ra khúc sông gần cửa biển Cát Bà rồi buông lưới. Đến tối, khi lần đến những mét lưới cuối cùng, tự nhiên ông Thành thấy nặng tay đột ngột, có vật gì đó giật mạnh từ phía dưới. Như có linh tính mách bảo, ông hò mấy ngư phủ tập trung lại cất lưới lên và niềm vui đột ngột vỡ òa.

Ông Tần kể rằng: “Ban đêm, ánh trăng rọi vào lớp vảy màu vàng trên thân cá sáng rõ và rất đẹp, vừa đưa lên khỏi nước tôi đã biết chắc đó là cá sủ vàng rồi. Bóng con cá sủ vàng giờ trị giá hàng trăm triệu, thấy bảo để làm chỉ tự tiêu trong phẫu thuật, nhưng hồi đó mỗi con cá khi đó có giá vài triệu đồng nhưng cũng bằng cả một gia tài. Con sủ vàng lớn nhất mà tôi từng bắt được nặng đến 50kg…”.



MINH HƯƠNG - ANH THƯ


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông