Về nguồn cùng đoàn cán bộ, chiến sỹ Thanh tra CATP: Chiến khu xưa - Địa chỉ đỏ hôm nay

18:52 22/04/2017

Lán Nà Nưa, nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ cuối tháng 5 đến ngày 22 - 8 - 1945

Nhân dịp kỉ niệm 50 năm Ngày truyền thống ngành Thanh tra CAND (28-5-1967 * 28-5-2017), nhóm phóng viên chúng tôi có dịp được cùng đoàn công tác của Phòng Thanh tra CATP về thăm chiến khu Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang - “thủ đô kháng chiến” của cả nước. Với những người lính trẻ chúng tôi, chuyến đi là cả một trải nghiệm và cảm xúc vô cùng thú vị. Đây là hoạt động có ý nghĩa đặc biệt trong giáo dục CBCS lịch sử dân tộc, truyền thống của ngành CAND.

Khởi hành từ 5h sáng, sau gần 4 giờ chạy xe, chúng tôi có mặt tại chiến khu Tân Trào, thuộc thôn Tân Lấp, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Điểm đến đầu tiên của đoàn là một chiếc lán đơn sơ nằm sau khu rừng tre tĩnh mịch. Đó là Lán Nà Nưa, nơi ở và làm việc của Bác Hồ, từ cuối tháng 5 đến 22-8-1945 để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng 8. Nơi đây cũng được ví như “Phủ Chủ tịch” bằng tre nứa giữa chiến khu Việt Bắc. Ngày 4-5-1945, Bác Hồ bắt đầu cuộc hành trình 18 ngày đêm từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang). Lúc đó, đồng chí Võ Nguyên Giáp được tin, lên đón Người ở Chợ Đồn (Bắc Kạn). Người yêu cầu, cần phải chọn ngay trong vùng Tuyên Quang hoặc Thái Nguyên một địa điểm có dân tốt, địa hình tốt làm trung tâm liên lạc giữa miền xuôi, miền ngược, ra nước ngoài.

Tiếp đó, theo chỉ đạo của Tổng bộ Việt Minh, ngày 4-6-1945, Hội nghị cán bộ toàn khu được tổ chức tại Tân Trào đã quyết định thành lập Khu giải phóng và chọn Tân Trào là “Thủ đô lâm thời” của kháng chiến. Cũng từ đây, địa danh Lán Nà Nưa gắn liền với nhiều quyết định lịch sử mà trong đó có câu nói nổi tiếng của Hồ Chủ tịch: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.

Cách Lán Nà Nưa không xa là cây đa Tân Trào, trước khi giới thiệu, hướng dẫn viên khu di tích có đọc tặng đoàn công tác hai câu ca để nói về vùng đất này: “Kim Long cảnh đẹp như tiên/ Ai mà đến đó thì quên đường về”.

Cây đa Tân Trào được trồng trước nhà ông Hoàng Trung Dân (nơi đồng chí Võ Nguyên Giáp ở và làm việc từ 21-5 đến 16-8-1945), tại làng Kim Long (rồng vàng), nay thuộc thôn Tân Lập, xã Tân Trào. Đây là một vùng đất có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Cũng chính vẻ “sơn thủy, hữu tình” đó mà làng Kim Long có một vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về mặt quân sự, thuận lợi cho phong trào cách mạng phát triển. Cũng từ ngày cách mạng về đây, nhân dân Tân Trào có thêm câu ca: “Kim Long đất hiểm tứ bề/ Kẻ địch muốn chết thì về Kim Long”.

Dưới tán cây đa Tân Trào, chiều 16-8-1945, Việt Nam giải phóng quân làm lễ xuất quân trước sự chứng kiến của bà con thôn Tân Lập và 60 đại biểu toàn quốc về dự Quốc dân Đại hội. Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đọc Bản Quân lệnh số 1. Từ đây, lệnh tổng khởi nghĩa được truyền đi khắp nơi trong cả nước. 

Để tìm hiểu và tham quan hết được những chứng tích lịch sử nơi đây có lẽ phải mất đến hàng tháng trời. Theo chỉ dẫn của nhân viên khu di tích, đoàn chúng tôi đến khu du tích Nha Công an Trung ương - địa danh gắn liền với những ngày đầu đầy khó khăn, gian khổ của lực lượng CAND. Tại tượng đài Bảo vệ an ninh tổ quốc, đoàn công tác đã dâng những nén hương thơm để tưởng nhớ đến công lao, sự hy sinh của các anh hùng, liệt sỹ CAND đã ngã xuống vì sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ sự bình yên cho cuộc sống của nhân dân. Gần ngay đó là Bảo tàng Công an nhân dân Việt Nam. Nơi đây được coi là một kho tư liệu khổng lồ của lực lượng CAND qua các thời kì, với trên 2.000 hiện vật. Từ trong các cao trào cách mạng 1930-1931, 1936-1939, 1939-1945, các tổ chức như: Đội tự vệ, Đội Danh dự Việt Minh, Đoàn hộ lương diệt ác, Đội trinh sát… tiền thân của lực lượng CAND đã lần lượt ra đời. Cách mạng tháng 8 thành công cũng chính là lúc CAND Việt Nam chính thức được thành lập (19-8-1945).

Ở Bắc Bộ thành lập Sở Liêm phóng, ở Trung bộ thành lập Sở Trinh sát, ở Nam bộ thành lập Quốc gia Tự vệ cuộc. Tuy tên gọi có khác nhau nhưng đều có chung nhiệm vụ trấn áp phản cách mạng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ nhân dân. Đây là những tổ chức đầu tiên của CAND Việt Nam và cũng là lực lượng an ninh đầu tiên trực tiếp bảo vệ an toàn tuyệt đối lễ Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội) ngày 2-9-1945 và các cuộc mít-tinh mừng độc lập ở các địa phương trong cả nước.

Đứng trước những bức ảnh đen trắng, những kỉ vật đã nhuốm màu thời gian, chúng tôi như được trở lại với những năm tháng lịch sử oai hùng của lực lượng CAND Việt Nam. Mỗi tấm hình nơi đây đều ghi dấu những chiến công, những hy sinh thầm lặng của biết bao thế hệ CBCS - CAND. Nhưng ấn tượng và níu chân chúng tôi lâu nhất có lẽ là khu vực trưng bày những kỷ vật của CATP Hải Phòng.

Được bố trí ngay lối vào tầng 1 của Bảo tàng nên không khó để bắt gặp những bức ảnh quý gắn liền với các giai đoạn lịch sử của CATP, như: bức ảnh chụp các chiến sỹ PCCC chiến đấu với “giặc lửa” bảo vệ kho xăng dầu Thượng Lý trong cuộc oanh tạc của máy bay Mỹ (năm 1972); ảnh chụp các lực lượng Công an Hải Phòng bảo vệ đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất BCHTW Đảng Cộng sản Việt Nam về thăm thành phố (15-3-1975)… cùng nhiều kỷ vật có giá trị lịch sử khác. Trung tá Đào Trọng Bình, Đội trưởng Đội tham mưu, Phòng Thanh tra CATP chia sẻ, được về thăm các địa danh lịch sử, cội nguồn của cách mạng Việt Nam, CBCS đơn vị như được sống lại trong không khí cách mạng cách đây hơn 70 năm của nhân dân và đồng bào cả nước.

Qua các tư liệu, hiện vật được trưng bày, những người lính trẻ lại càng thêm khâm phục ý chí quật cường của thế hệ CBCS đi trước đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử vẻ vang của dân tộc, giữ vững độc lập, tự do của Tổ quốc. Qua chuyến đi lần này, tập thể CBCS Phòng Thanh tra CATP cảm thấy rõ được vai trò và trách nhiệm của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhằm tiếp nối truyền thống vẻ vang của thế hệ cha ông.

Kết thúc chuyến đi, đoàn chúng tôi có dịp trò chuyện cùng Đại úy Lương Ngọc Tuyến, cán bộ khu di tích. Anh đã dẫn chúng tôi đi thăm lại món quà của CATP năm xưa. Đó là 100 cây phượng vĩ trồng dọc theo con đường 19-8 dẫn vào khu di tích đến nay đã hơn 10 năm tuổi, tỏa bóng mát xum xuê. Anh Tuyến cho hay, hàng phượng không chỉ mang lại bóng mát cho du khách thập phương, góp phần tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp mà còn là kỷ vật rất ý nghĩa đang ngày ngày tô điểm và làm giàu thêm những giá trị lịch sử cho mảnh đất nơi đây.

Đoàn công tác tham quan nơi trưng bày những kỉ vật kháng chiến tại Bảo tàng Công an nhân dân Việt Nam

Ghi chép của TRƯỜNG GIANG

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông