Về Tú Đôi xem người chạy chợ

23:23 21/04/2017

Đặc sản tôm rảo nước lợ Tú Đôi

Từ trung tâm thị trấn Núi Đối, xuôi theo tuyến lộ 402 khoảng 3km về phía Tây Nam, có một địa danh khá nổi tiếng của huyện Kiến Thụy mang tên Tú Đôi. Vốn dĩ là vùng đất thuần nông, nhưng mấy năm gần đây người làng Tú giàu lên nhiều nhờ nghề chạy chợ. Có điều rất lạ, dẫu sản phẩm nào, cứ “tráng” qua Tú Đôi là trở thành thương phẩm.

Chân chỉ từ mảnh đất mặn mòi

Về thăm anh bạn ở Tú Đôi, anh chỉ tôi xem một tòa nhà cao gần chục tầng, tráng lệ nằm ngay ở đầu chợ. Anh nói: “Đấy là nhà Biết - Liễu, đi lên từ buôn bán thủy sản đấy…”. Rồi anh giải thích thêm, người Tú Đôi hay gọi tên ghép của chồng và vợ, hoặc tên con gắn với tên bố, chẳng cần “chủ - vị” rườm rà, lâu dần trở thành tập quán, nghe qua tưởng rất chỏng lỏn nhưng chẳng ai giận ai bao giờ.

Cũng từ anh bạn giới thiệu, biết thêm Tú Đôi thuộc xã Kiến Quốc, theo hành chính cổ thì cả xã chỉ có một làng duy nhất. Mấy năm trước, xã được chia thành các thôn theo thứ tự chữ số, nhưng người địa phương vẫn quen với sự nổi tiếng của “Làng Tú Đôi”. Thời gian gần đây, Tú Đôi càng được biết đến, khi nhiều sản phẩm nông nghiệp đã trở thành những món ẩm thực hấp dẫn mang đậm nét văn hóa vùng miền.

Thịt chuột luộc thì có tiếng từ lâu, kể đến rắn, lươn, nhệch, ếch, cá, tôm, cua cáy… hay rau cải bẹ xanh, rút, cần, dền, hồng, cam chua đồng bãi… cứ gắn thêm cái đuôi Tú Đôi phía sau, dường như tăng thêm độ thú vị, râm ran trong mỗi câu chuyện trên bàn nhậu của dân sành ăn đất Hải Phòng.

Nhưng thương hiệu “Tú Đôi” thực ra là cả một quá trình, do người dân nơi đây xây dựng lên chứ không phải tự nhiên mà có. Bà Nguyễn Thị Nhàn - cán bộ hội phụ nữ xã cho biết, cả xã có diện tích đất nông nghiệp khoảng 730 ha, thì trong đó vùng sâu trũng quanh năm ngập lợ tới gần 200 ha. Sức hấp dẫn chính là ở chỗ này, bởi vùng nước lợ là ngư trường sinh trưởng của những loại thủy sản đặc biệt, nổi nhất là rươi, tôm rảo, tôm chà, cá tráp, cá nhòng, cá mòi, cà ra, rạm trôi, cáy gọng đỏ…

 Mà nghe đồn rằng, cũng giống loài ấy nhưng không giống nơi nào ngon bằng, nên người làng Tú ngoài việc đem bán thứ mình có, còn bán “hộ” cả hàng hóa cho người nơi khác, cứ thế rồi hình thành thương hiệu.

Nói thì nói vậy, chứ theo đánh giá của dân trong vùng, người làng Tú cực giỏi nghề khai thác thủy sản nước lợ. Chả thế mà suốt dọc hai triền sông Văn Úc, dù của huyện Kiến Thụy hay Tiên Lãng, hễ nhắc đến thầu mặt nước lợ là có bóng dáng của những người dân làng Tú. Khi chính sách có nhiều thay đổi, người làng Tú không còn được trực tiếp tham gia thuê thầu khoán ở xã khác thì họ lại tìm mọi cách để chuyển nhượng lại cái quyền ấy của dân bản địa. Nên mới có những cánh đồng chỉ thuê mỗi mặt nước mà cũng đến tiền tỷ mỗi năm và những tỷ phú nông dân ngày đêm xoay trần be bờ, khơi nải, dụ giống thủy sản về ươm lớn trong đồng, chờ ngày thu hoạch để đem ra chợ.

Thế thôi nhưng nguồn lợi lớn lắm. Mùa tôm rảo thu về một tấn đã có gần hai trăm triệu đồng, đến mùa rươi trúng vụ thêm vài trăm triệu đồng nữa, mỗi kg rạm trôi bán được 100 nghìn đồng, mỗi kg cáy 70.000 đồng. Rồi cá tôm tạp cho đến cả khoảng không bẫy được chim cũng có tiền.

Giỏi giang “trên từng cây số”

Giỏi nghề đầm áng là một nhẽ, người làng Tú còn giỏi nhiều nghề khác. Đơn giản như cây rau rút, vốn dĩ không chịu được giá rét mùa đông, nên cứ đầu mùa hè, lại có người làng Tú vào tận phía Nam đem giống về trồng, nhân trên diện tích rộng cung cấp khắp thành phố. Rau cần cũng vậy, “năng nhặt chặt bị” mà gom góp lớn thành người “khổng lồ”. Vì thế khi hỏi những người bán buôn rau trong phố, rằng rau cần, rau rút ở đâu, đa phần người hỏi sẽ nhận ngay được câu trả lời: “Đó là của làng Tú Đôi”.

Giỏi nghề, nhưng người làng Tú còn giỏi hơn trong cách tiếp thị sản phẩm của mình đến các nơi khác. Là phóng viên thị trường lâu năm, tôi đã thử khảo sát một đợt tại các chợ nội thành. Kết quả là cứ hỏi 10 người bán tôm nước lợ có tới 7 người đến từ Tú Đôi. Tỷ lệ này đối với người bán cá nước lợ là 5/10, chưa kể thời gian gần đây có thêm cả đội ngũ bán thịt lợn, giò chả, rau quả… cũng là người làng Tú. Theo Chủ tịch UBND xã Đào Xuân Lập, cả xã có gần 1 vạn dân với khoảng 2.500 hộ, trong đó lượng người liên quan đến nghề buôn bán, dịch vụ chiếm khá đông.

Nghề chạy chợ đang góp phần làm giàu cho người dân nơi đây, cứ người này rủ theo người kia, bán món này rồi nghĩ thêm món khác, người làng Tú vốn chân chỉ, nhưng cũng không kém phần sáng tạo là thế.

Thoạt tiên, như đã nói ở trên, chợ thủy sản chỉ phục vụ nhu cầu tiêu thụ sản phẩm địa phương, rồi tiếng tăm mở ra, người làng Tú thu gom thêm hàng hóa ở những nơi khác. Không chỉ thủy sản nước lợ, mà cả sản vật nước mặn ngoài Đồ Sơn, Cát Bà cho đến tôm cá nước ngọt sâu trong vùng lục địa cũng đổ về. Trước kia gần như chỉ “nhà Biết - Liễu” làm đầu mối, giờ đây mấy trái nhà lá của “vợ chồng Biết - Liễu” (gọi theo cách người Tú Đôi) đã biến thành tòa siêu thị, lại có thêm nhiều nhà khác cũng đầu tư nuôi giấc mơ làm giàu.

5 năm trở lại đây, chợ thủy sản Tú Đôi phát triển mở rộng, ngày hai buổi vào khoảng 2h đêm và 1h trưa, kéo dài vài trăm mét dọc tràn đường, với hàng chục chiếc ô tô đưa đón hàng hóa, hàng trăm chiếc thùng nhựa, thùng xốp cực lớn treo sục sủi tăm, chứa đầy tôm, cua, cá, cáy...

Anh Đào Văn Sơn, người đã chạy chợ được gần chục năm tâm sự: “Cứ 1h sáng, em xuống bến Đồ Sơn mua hải sản về đây giao, còn vợ em thì đem tôm cá nước lợ ra chợ Bốt Tròn (Lê Chân) bán, lấy công làm lãi mỗi ngày hai vợ chồng cũng kiếm được gần một triệu đồng”. Có tiền, cái “máu” buôn bán của người làng Tú theo đó mà bay xa. Giờ đây, khi đã trở thành một trong những chợ đầu mối lớn nhất thành phố, Tú Đôi còn kéo cả những người chạy chợ ở nhiều vùng miền khác tìm về. Có thể nói, kinh tế chợ đang làm thay đổi diện mạo nông thôn xã Kiến Quốc, dù đó là đánh bắt thủy sản, chạy chợ hay làm thuê, nghề nào cũng kiếm được tiền.

 Đơn cử như vào mùa tháng 9, tháng 10 âm lịch, bình quân chợ Tú Đôi bán ra khoảng 3 tạ thịt chuột, tương ứng khoảng 45 triệu đồng, nếu tính trong hai tháng rộ vụ, riêng thịt chuột đã đem lại cho người làng Tú gần 3 tỷ đồng. Còn nếu tính bình quân cả năm, hiện mỗi ngày chợ đầu mối Tú Đôi trao đổi khoảng 15 tấn hàng hóa các loại, con số thặng dư chắc chắn không hề nhỏ.

Về làng Tú giờ đây, những con đường mới mở thênh thang lao ra cánh đồng tít tắp, mỗi năm lại có thêm hàng chục căn biệt thự mọc lên. Dẫu còn nhiều nhọc nhằn nhưng có một điều chắc chắn là người làng Tú không nghèo như xưa nữa. Thời gian khổ thành câu ca xưa: “Trai tài đánh dậm đùi đen kít/ Gái đảm việc nhà rốn mọc rêu” hay: “Tú Đôi anh hùng nuôi chuột đỏ/ Khoai lang bóc vỏ ghém với chuột non…” giờ đã đi vào dĩ vãng.

Gia Lê

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông