21:36 23/04/2014
Đã tròn 6 thập kỷ trôi qua, với bao biến cố thăng trầm của lịch sử, nhưng những hình ảnh về năm tháng “ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, những ngày giành giật với địch từng tấc đất, từng đoạn chiến hào diễn ra trên cánh đồng Mường Thanh, rồi những tiếng reo vang ngày đại thắng… vẫn vẹn nguyên trong ký ức thiếu tá Hoàng Kỳ Điều, 84 tuổi, ở thôn Đồng Quang, xã Đặng Cương, An Dương. Trong chiến dịch “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ấy, ông là người lính bộ binh xung kích thuộc Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 89, Đại đoàn 316. Sinh ra và lớn lên tại thôn Đồng Quang, xã Đặng Cương, một vùng quê thuần nông của huyện An Dương, năm 17 tuổi, ông Điều tham gia đội dân quân du kích chiến đấu ở địa phương. Năm 1952, ông lên đường tòng quân và huấn luyện ở Trung đoàn 55 tại Thanh Hóa, sau đó được bổ sung vào Trung đoàn 89, Đại đoàn 316 giải phóng Tây Bắc. Ông Điều xúc động kể: “Sau khi tiêu diệt địch, giải phóng Lai Châu, Đại đoàn 316 tiến về áp sát Điện Biên Phủ và tổ chức ngay trận tập kích pháo binh vào sân bay Mường Thanh, tiêu diệt 1 máy bay địch, buộc chúng phải vội vã sơ tán số máy bay còn lại. Tiếp đó, trong các trận chiến đấu ác liệt kéo dài 32 ngày đêm phòng ngự Đồi Xanh, cán bộ và chiến sĩ tiểu đoàn 1, Trung đoàn 98 đã lập công xuất sắc: đánh bại 6 lần tiến công của địch, tiêu diệt 63 tên, bắn rơi 2 máy bay, bắn hỏng 1 xe tăng của chúng. Trận chiến đấu diễn ra rất ác liệt. Chúng tôi đã mưu trí, dũng cảm đánh địch ngay trên chiến hào, tiêu diệt gần 1 đại đội địch. Chúng tôi đã được tặng thưởng 15 huân chương cho tập thể và cá nhân ngay trên trận địa. Chiến thắng Đồi Xanh đã chấm dứt cố gắng cuối cùng của địch hòng nới rộng vòng vây xung quanh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ…”.
Sau khi giải phóng đồi Xanh, ông Điều cùng đồng đội tiếp tục đánh chiếm đồi A1, một cứ điểm kiên cố được quân Pháp thiết kế nhiều tầng giao thông hào. Bộ đội ta xác định đây là cứ điểm khó đánh nhất trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ông Điều nhớ lại: “Ngày 31-3, tại đồi A1, vào lúc 4h sáng, quân ta đã chiếm 2/3 cứ điểm. Lúc này, quân địch dựa vào một phần còn lại hầm ngầm kiên cố tiếp tục chống cự kịch liệt với ta. Khi đánh giáp lá cà, giữa ta và địch phải tranh nhau từng mét đất. Lúc đó quân ta dùng lưỡi lê và báng súng đánh địch quyết liệt. Đến ngày 4-4, quân ta bị thương vong nên Bộ chỉ huy mặt trận quyết định rút quân để củng cố lực lượng và tìm cách đánh khác, đó là đào giao thông hào, cách trung tâm đồi A1 400m. Trong quá trình đào hào phải giữ bí mật. Đến ngày mồng 6-5, quân ta đã đào xong đường ngầm để đưa 1 tấn thuốc nổ đặt bộc phá vào dưới hầm ngầm của địch và một hào giao thông cắt ngang đồi A1 với A3, cô lập cứ điểm A1 với khu trung tâm của địch. Sau khi đào xong, mỗi chiến sỹ chỉ mang 20kg thuốc nổ và khi đã đủ 1 tấn, quân ta quyết định châm ngòi nổ”. Về phía ta, bộ chỉ huy hạ quyết tâm mở đợt tiến công thứ ba với nhiệm vụ đánh chiếm các điểm cao và các cứ điểm của địch còn giữ ở phía Đông, một số cứ điểm ở phía tây…, tiêu diệt thêm một bộ phận sinh lực địch, phát triển trận địa tiến công và bao vây vào sâu hơn nữa, phát huy hiệu quả tất cả các loại hỏa lực đánh phá trung tâm của địch, khống chế không phận còn lại của chúng, chuẩn bị điều kiện chuyển sang tổng công kích. Lúc này, quyết tâm của chiến sỹ ta đánh chiếm đồi A1 còn cao hơn núi. Ông Điều cho biết: “Đại đoàn 316 lúc này được tăng cường 2 khẩu DKZ 75 ly, đêm 1-5 tiêu diệt địch ở cứ điểm C1, phát triển đánh lấn sang C2, tổ chức đánh chiếm những lô cốt quan trọng ở cứ điểm A1. Đêm mồng 6-5, khi quả bộc phá trên đồi A1 được giật nổ, quân địch còn dưới hầm A1 hầu hết bị thương vong lớn do sức ép. Hầm Đờ-cát cách đồi A1 hơn 200m cũng ầm ầm rung chuyển. Sau khi khối bộc phá phát nổ, bộ đội ta xung kích từ ba hướng xung phong, trận chiến đấu diễn ra ác liệt. Đến 4 giờ 30 phút ngày 7-5, ta tiêu diệt hai đại đội dù lê dương, làm chủ đồi A1. Cùng thời gian này, Trung đoàn 98 (Đại đoàn 316) được tăng cường Tiểu đoàn 375 (Trung đoàn 9, Đại đoàn 304) tiến công cứ điểm C2. Sau nhiều lần xung phong, đánh chiếm từng đoạn hào, ụ súng, đến 9h ngày 7-5, ta làm chủ trận địa, bắt sống 600 tên địch… Đợt tiến công thứ ba đã giành được thắng lợi quyết định, địch có dấu hiệu bỏ chạy và tuyệt vọng. Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định: Không cần chờ đến tối 7-5 như đã dự định, chuyển ngay sang tổng công kích, thời cơ tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm giành thắng lợi hoàn toàn cho chiến dịch đã xuất hiện. Đến 22h ngày 7-5, ta bao vây bắt gọn 2.000 tên địch…” - ông Điều hồi tưởng lại. Những trận đánh ác liệt trên đồi A1, C1 còn in đậm và vang vọng mãi chiến công của Trung đoàn 98, Đại đoàn 316 và được ghi vào lịch sử chiến đấu của quân đội ta như là một mẫu mực của lòng quả cảm, đức hy sinh và tinh thần sáng tạo vượt mọi khó khăn để giành thắng lợi. Trong trận đánh này, Đại đoàn 316 đã có nhiều đóng góp hy sinh to lớn. Đại đoàn 316 đã cùng với các đơn vị bạn chiến đấu kiên cường, anh dũng trong suốt 56 ngày đêm của chiến dịch, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, biến tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mà giặc Pháp khoe khoang là “pháo đài không thể công phá” nhanh chóng trở thành “chảo lửa” thiêu đốt tất cả những tham vọng cùng những nỗ lực cố gắng cuối cùng của đội quân xâm lược, lập nên một chiến thắng “Điện Biên Phủ chấn động địa cầu”. Lúc là lực lượng phối hợp, lúc là lực lượng chủ công, khi là nghi binh chiến lược, ở đâu và nhiệm vụ nào, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 89 đều nêu cao quyết tâm vượt mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, hoàn thành nhiệm vụ. Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung đoàn 98 vinh dự được nhận cờ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Điều vinh dự được Đảng, nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba vì có thành tích khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Giở lại những bức ảnh năm xưa, người lính già Hoàng Kỳ Điều không giấu được những cảm xúc về một thời hoa lửa. Trong số những bức ảnh được ông nâng niu như “báu vật” vô giá của cuộc đời mình, có nhiều tấm ảnh về lãnh tụ Hồ Chí Minh, đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau khi giải phóng Điện Biên, ông Điều tiếp tục công tác trong quân đội đến năm 1986 thì về hưu. Với cương vị là trưởng ban liên lạc Hội truyền thống chiến sỹ Điện Biên Phủ của huyện An Dương, mặc dù đã bước sang tuổi 84 nhưng ông Điều vẫn rong ruổi đạp xe đến thăm hỏi, động viên các hội viên đau yếu, tâm sự buồn vui lúc tuổi già. Song niềm vui lớn nhất của ông vẫn là được kể cho hàng xóm, bạn bè và con cháu về những trận đánh hào hùng của quân đội ta trên mảnh đất Điện Biên Phủ lịch sử. Qua đó, ông muốn nhắc nhở tuổi trẻ hôm nay hãy phát huy tinh thần, hào khí Điện Biên Phủ, xây dựng đất nước giàu đẹp, văn minh để xứng đáng với sự hy sinh xương máu của ông cha đã ngã xuống cho nền độc lập của tổ quốc hôm nay. Hồng Hải |