Bẫy chuột bằng điện - hậu quả khôn lường

10:17 14/09/2017

Mặc dù chính quyền địa phương đã có công văn nghiêm cấm việc dùng điện để bẫy chuột. Tuy nhiên, tại một số địa phương người dân vẫn vô tư bẫy chuột bằng điện, điển hình 2 vụ tử vong do điện xảy ra liên tiếp trong vòng mấy ngày tại huyện Tiên Lãng. Vậy đâu là nguyên nhân của thực trạng trên?

Bẫy chuột… “bẫy người”

Gần đây, tại một số huyện như: Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Dương đã “tái xuất” tình trạng người dân sử dụng điện để bẫy chuột dẫn đến các vụ chết người thương tâm, mặc dù chính quyền huyện đã có công văn khẩn gửi các địa phương nghiêm cấm hành vi nguy hiểm này.

Nhiều vụ dùng điện bẫy chuột gây chết người - Ảnh Khắc Đoàn 

Điều đáng nói, không chỉ do nhận thức và trình độ hiểu biết pháp luật kém, một số người dân vẫn bất chấp dùng điện đánh chuột còn với tâm lý diệt được chuột tận gốc, nhàn và hiệu quả cao, song đã gây ra những hệ lụy đau lòng.

Cụ thể, trong các ngày 29-8 và 2-9, tại địa bàn thị trấn Tiên Lãng và xã Tiên Thắng, huyện Tiên Lãng đã xảy ra 2 vụ tử vong do điện giật từ bẫy chuột. Nạn nhân là ông Ngô Văn Lũy, ở thôn Sơn Đông, xã Tiên Thắng và bà Phạm Thị Hạng, ở khu Đồng Nội, thị trấn Tiên Lãng.

Chuột chết người cũng chết theo (ảnh sưu tầm) 

Theo ông Phạm Văn Gót - Chủ tịch UBND xã Tiên Thắng, ông Ngô Văn Lũy tử vong với nhiều vết bỏng trên người, nguyên nhân do bị điện giật ngay tại ruộng lúa nhà mình. Đây là công dân thứ 3 tại xã bị thiệt mạng từ chính bẫy điện do mình tạo ra kể từ 2 năm nay. Điều đáng nói, nhiều lần xã đã gọi ông Lũy lên nhắc nhở, yêu cầu chấm dứt ngay việc đánh chuột bằng điện, bản thân ông Lũy là Phó trưởng khu dân cư và cả xã duy chỉ có thôn Sơn Đông vẫn sử dụng diệt chuột thủ công bằng điện.

Vì đâu nên nỗi

Người nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, mọi chi tiêu đều trông chờ vào mấy sào ruộng nên việc bà con tìm mọi cách để bảo vệ ruộng đồng mình, ngay cả việc dùng bẫy điện để đối phó với chuột bọ cũng không phải là điều khó hiểu. Thế nhưng, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân chưa tốt chưa quyết liệt và cụ thể cộng với thói quen làm bừa, làm ẩu bất biết hậu quả xảy ra của không ít bà con ta đã vô tình đẩy những người nông dân chân chất phải đối mặt với “Tội giết người”.

Người viết bài đã có những cuộc gặp gỡ tìm hiểu một số nông dân ngoại thành Hải Phòng, đặc biệt tại huyện Tiên Lãng nơi vừa xảy ra 2 vụ tử vong liên quan đến bẫy chuột bằng điện nói trên.

Lý do người dân đưa ra để biện minh cho hành động vi phạm pháp luật đó của mình do tình trạng trộm mèo và hoạt động kém hiệu quả của các tổ dịch vụ của xã trong công tác phòng ngừa và diệt chuột tại một số thôn không hiệu quả. Bà con nông dân vì thế đã không đóng góp thuế (ngân sách địa phương) cho khoản ấy, dẫn đến tổ diệt chuột bị giải tán.

Ngoài ra, việc đánh bắt chuột thủ công, dùng thuốc diệt chuột thành phố cấp hiệu quả không cao. Nhiều hộ dân xót của nhìn tài sản mình bị chuột phá hoại nên nhắm mắt làm liều, vẫn biết như thế là vi phạm pháp luật (!?).

Còn Chủ tịch UBND thị trấn Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng Phạm Văn Thía cho rằng: “Tại địa phương có 7 tổ đội sản xuất, do không đem lại hiệu quả nên đến nay 3 đơn vị đã tự giải tán do các hộ dân không đóng góp khoản kinh phí để duy trì”. Đây là thực trạng chung đối với các địa phương khối ngoại thành trên địa bàn thành phố.

Giải pháp nào?

Bất luận thế nào thì người dân cần phải thay đổi ngay nhận thức, tuyệt đối không được tùy tiện sử dụng điện để bẫy chuột, gây nguy hại đến tính mạng mình và người xung quanh. Thực tế cho thấy, tại một số địa phương, trước vấn nạn chuột tàn phá ruộng đồng vẫn có giải pháp tốt, hiệu quả trong việc phòng chống chuột. 

Hiện trường vụ tử vong do điện tại cánh đồng thuộc thị trấn Tiên Lãng- Ảnh Khắc Đoàn 

Mấy năm trước người dân xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng trong các đợt tiếp xúc cử tri đều kiến nghị chính quyền có giải pháp quyết liệt trong việc diệt chuột. Hậu quả của việc chuột phá hoại nhiều hộ dân trắng tay vài vụ lúa, nhiều sào ruộng bị bỏ hoang.

Trước tình hình trên, ông Lương Thanh Sắc - Chủ tịch UBND xã sau nhiều lần tìm cách chống chọi với lũ chuột theo cách thủ công không hiệu quả, đã giao HTX nông nghiệp trực tiếp ký hợp đồng với đơn vị doanh nghiệp Công ty Nông nghiệp Xanh (trụ sở Hà Nội) chuyên bắt chuột xử lý gọn “đám giặc” này. Kết quả, sau một thời gian triển khai, đến nay tình trạng chuột phá hoại lúa, rau màu không còn. Nhiều diện tích ruộng hoang hóa đã được người dân canh tác trở lại. 

Cách làm này cũng được UBND thị trấn Vĩnh Bảo, huyện Vĩnh Bảo triển khai đem lại hiệu quả cao. Ngoài việc tham gia đánh bắt chuột, nếu chuột cắn chỗ nào doanh nghiệp đền chỗ đó. Đến nay, theo đánh giá của các địa phương có ký hợp đồng với doanh nghiệp, tình trạng chuột phá hoại lúa đã không còn. 

Việc bảo vệ tài sản ruộng lúa mình tránh bị chuột phá hoại là việc làm chính đáng. Thế nhưng, việc sử dụng điện để bẫy chuột là điều tuyệt cấm. Để tránh tình trạng người dân không vướng vào vòng lao lý, chính quyền các địa phương cần nghiên cứu việc chọn ký hợp đồng với đơn vị chuyên bắt chuột.

TRUNG KIÊN   

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích