Áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC là yêu cầu bắt buộc

17:11 31/08/2017

Trong quá trình hướng dẫn, kiểm tra các điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy (PCCC) tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố, nhiều cơ sở thực hiện tốt các quy định của pháp luật về PCCC, song không ít cơ sở không đảm bảo an toàn PCCC, không thực hiện các yêu cầu về an toàn PCCC theo quy định của pháp luật vì lý do xây dựng công trình trước khi có tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC được ban hành. Những vướng mắc đó xuất phát từ một số quan điểm trái chiều nhau về tính hồi tố hoặc không hồi tố của các tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC và các quy định pháp luật khác liên quan đến lĩnh vực PCCC.

Quy định áp dụng  tiêu chuẩn, quy chuẩn

Hiệu lực hồi tố là hiệu lực áp dụng văn bản pháp luật để điều chỉnh một quan hệ nhất định đã xảy ra trước khi văn bản đó được có hiệu lực. Nguyên tắc chung của pháp luật nước CHXHCN Việt Nam là luật không có hiệu lực hồi tố. Một văn bản quy phạm pháp luật được ban hành chỉ điều chỉnh các quan hệ xã hội xuất hiện kể từ khi văn bản đó có hiệu lực, không áp dụng quyền và nghĩa vụ pháp lý đối với các trường hợp xảy ra trước đó.

Nguyên tắc này thể hiện tính dân chủ và nhân đạo, nhằm đảm bảo quyền của công dân và củng cố ổn định của trật tự pháp luật. Một văn bản quy phạm pháp luật nào đó có hiệu lực hồi tố chỉ trong trường hợp phù hợp với lợi ích chung của xã hội và được quy định trực tiếp trong văn bản đó. Cụ thể, Bộ luật hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.1986, cho nên mọi hành vi phạm tội xảy ra từ ngày 1.1.1986 trở về sau đều bị xử lí theo quy định của Bộ luật hình sự, ngược lại những hành vi nào mà Bộ luật hình sự không quy định là tội phạm thì không được đưa ra truy tố xét xử.

Được biết, Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành 2 Luật này đã quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong việc thực hiện các quy định về PCCC.

Theo đó, các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy phải tuân thủ các tiêu chuẩn của Việt Nam về phòng cháy và chữa cháy, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phòng cháy và chữa cháy. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn của Việt Nam về phòng cháy và chữa cháy, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phòng cháy và chữa cháy là bắt buộc kể từ ngày các tiêu chuẩn, quy chuẩn này có hiệu lực áp dụng.

Đơn cử như: TCVN 3890:2009 được ban hành năm 2009 không có quy định về việc loại trừ đối tượng áp dụng của tiêu chuẩn này là nhà và công trình được xây dựng trước thời điểm TCVN 3890:2009 được ban hành nên về nguyên tắc, TCVN 3890:2009 vẫn được áp dụng đối với nhà và công trình được xây dựng trước thời điểm TCVN 3890:2009 có hiệu lực áp dụng.

Đây không được coi là trường hợp áp dụng hiệu lực trở về trước của văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại điều 152 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

 Kiểm tra và hướng dẫn an toàn PCCC các phương tiện thủy trên cảng máy chai, quận Ngô Quyền

Xử lý tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm

Theo quy định hiện hành, trường hợp cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có hành vi vi phạm quy định về PCCC (bao gồm việc không tuân thủ các tiêu chuẩn của Việt Nam, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phòng cháy và chữa cháy) thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Trong đó, việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy sẽ được thực hiện theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy (hiện áp dụng Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình).

Riêng đối với các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy chữa cháy năm 2001 có hiệu lực, thì việc xử lý được thực hiện theo quy định tại khoản 33, điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy năm 2013.

Đối với trường hợp nhà và công trình được xây dựng sau khi có Luật PCCC năm 2001 và trước thời điểm các tiêu chuẩn của Việt Nam về phòng cháy và chữa cháy, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phòng cháy và chữa cháy được ban hành mà hiện nay vẫn không tuân thủ các tiêu chuẩn, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phòng cháy và chữa cháy thì chủ đầu tư, chủ cơ sở cần phải thực hiện nghiêm túc các quy định về PCCC mà Tiêu chuẩn, quy chuẩn đã quy định nhằm đảm bảo an toàn tính mạng của người dân, người lao động và tài sản của chính chủ cơ sở.

Nếu cố tình vi phạm thì cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm để bắt buộc chủ đầu tư, chủ cơ sở phải thực hiện các yêu cầu PCCC vì lợi ích chung của cộng đồng xã hội.

Hạ Trắng 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích