15:48 19/05/2023 Các nhà phân tích cho rằng quyết định rút ngắn chuyến công du tới châu Á – Thái Bình Dương của Tổng thống Mỹ Joe Biden để giải quyết vấn đề trần nợ sẽ làm lu mờ những cam kết của Washington với khu vực này.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, kể từ khi nhậm chức vào năm 2021, ông Biden đã liên tục nhấn mạnh với các đồng minh và đối tác châu Á rằng “nước Mỹ đã trở lại”. Đây là dấu hiệu cho thấy ý định khôi phục quan hệ kinh tế và chiến lược của Washington, đối trọng với Trung Quốc và đảo ngược chính sách “Nước Mỹ trên hết” dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa.
Tuy nhiên, sự thay đổi kế hoạch đột ngột như một lời nhắc nhở nghiêm túc rằng đảng Dân chủ cũng phải đối mặt với những trận chiến trong nước.
Trong thông báo về quyết định rút ngắn chuyến thăm châu Á hôm 16/5, ông Biden giải thích với tư cách là Tổng thống, ông phải giải quyết tất cả vấn đề quan trọng cùng một lúc và ông tự tin sẽ có những bước tiến trong nỗ lực “tránh vỡ nợ và hoàn thành trách nhiệm của nước Mỹ với tư cách là một nhà lãnh đạo trên trường thế giới”.
Theo lịch trình, Tổng thống Mỹ sẽ đến Hiroshima ngày 18/5 để gặp gỡ các thành viên Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7). Tuy nhiên, ông Biden sẽ bỏ qua chuyến thăm dự kiến tới Papua New Guinea và hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ Tứ (Quad) ở Sydney để tham dự các cuộc đàm phán với các đối thủ của đảng Cộng hòa về vấn đề trần nợ.
Bình luận về động thái này, hầu hết các nhà quan sát chính sách đối ngoại đều đồng ý rằng sự thay đổi kế hoạch đột ngột đã đặt ra câu hỏi về cam kết lâu dài của Washington đối với khu vực châu Á.
Ông Chong Ja Ian, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết: “Ngay cả khi Chính quyền của ông Biden muốn tăng cường ảnh hưởng ở châu Á, vẫn có hoài nghi về sự sẵn sàng và khả năng của Mỹ trong việc thực hiện điều đó”.
Ông Ian Hall, Giáo sư tại Đại học Griffith của Australia, mô tả diễn biến này cho thấy sự lúng túng của Chính quyền ông Biden. Ông Harsh V Pant, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học King's College London, nhận định những khó khăn trong nước đã làm làm lu mờ chiến lược của Mỹ ở khu vực châu Á.
Chuyên gia về các vấn đề Mỹ tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc Lu Xiang đã đưa ra một đánh giá tương tự: “Ngoài việc làm dấy lên nghi ngờ về những cam kết của ông Biden về hệ thống tài chính và nền kinh tế của Mỹ, chuyến thăm bị rút ngắn còn là một đòn giáng mạnh vào những nỗ lực của Mỹ trong việc nâng cấp nhóm Bộ tứ (QUAD) và cuộc chiến của Washington nhằm tái khẳng định vị thế ở Nam Thái Bình Dương để đối trọng với Trung Quốc”.
Hội nghị G7 trở thành điểm sáng
Trong bối cảnh đó, theo các nhà quan sát khác, sự hiện diện của ông Biden tại Hội nghị thượng đỉnh G7 – với sự tham gia của các nhà lãnh đạo Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản – sẽ trở thành điểm sáng trong chuyến công du lần này.
Chuyên gia Dylan Loh tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, cho biết ông tin rằng cuối cùng, những thay đổi trong kế hoạch của Tổng thống Mỹ “sẽ không phải là yếu tố chính làm xói mòn lòng tin” vì ông Biden vẫn đang nỗ lực có mặt tại hội nghị G7.
Sự chú ý tại hội nghị thượng đỉnh dự kiến sẽ tập trung vào việc liệu ông Biden và các nhà lãnh đạo khác của nhóm Bộ tứ – Ấn Độ, Australia và Nhật Bản – có gặp gỡ riêng hay không. Nhóm Bộ tứ được coi là “chìa khóa” cho hy vọng của ông Biden trong việc tăng cường quan hệ với các cường quốc ở châu Á - Thái Bình Dương để đối phó với ảnh hưởng khu vực của Trung Quốc.
Theo ông Stephen Nagy, giáo sư chính trị và nghiên cứu quốc tế tại Đại học Công giáo Quốc tế Tokyo, trong khi cuộc họp với nhóm Bộ tứ vào tuần tới tại Sydney đã bị hủy bỏ, 4 nhà lãnh đạo dự kiến tiến hành các cuộc đàm phán chung ở Hiroshima và thể hiện quyết tâm “làm việc cùng nhau để hạn chế hành vi quyết đoán hơn của Trung Quốc trong khu vực”.
Song ông Richard Maude, Giám đốc điều hành chính sách tại Asia Society Australia, lại cho rằng “hiệu quả và giá trị của nhóm Bộ tứ sẽ không chỉ được quyết định bởi một cuộc họp đơn lẻ”.
Đưa ra một quan điểm trái ngược, ông Hugh White, Giáo sư nghiên cứu chiến lược danh dự tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng của Đại học Quốc gia Australia ở Canberra, cho hay không cần thiết phải lo lắng khi cuộc họp của nhóm Bộ tứ bị hủy bỏ.
“Thực tế là nhóm Bộ tứ có rất ít ý nghĩa chiến lược quan trọng, bởi 4 thành viên có ít sự liên kết về lợi ích và mục tiêu chiến lược hơn nhiều so với những gì mà các nhà lãnh đạo đưa ra”, ông White nói.
Papua New Guinea thất vọng, Ấn Độ nắm bắt cơ hội
Một số nhà quan sát cho rằng Papua New Guinea sẽ là bên thất vọng nhất sau động thái thay đổi kế hoạch của ông Biden.
Chuyến thăm theo kế hoạch của ông Biden sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Mỹ đương nhiệm tới quốc gia Thái Bình Dương, trong bối cảnh cả Washington và Bắc Kinh đang tăng cường ảnh hưởng trong khu vực.
Marc Lanteigne, Phó giáo sư tại Đại học Tromso ở Na Uy, cho biết “Mỹ có thể đánh mất động lực mà nước này đã tạo dựng khi cố gắng khởi động lại quan hệ với nhiều chính phủ chủ chốt ở Thái Bình Dương, như một biện pháp chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực này”.
Trong khi đó, nhà lãnh đạo có thể vô tình hưởng lợi từ diễn biến mới nhất là Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, người dự kiến sẽ tiến hành cuộc gặp các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương tại Port Moresby (Papua New Guinea) vào ngày 21 – 22/5 tới.
Ông Modi sẽ có mặt tại Hiroshima để tham dự các cuộc đàm phán G7 với tư cách là khách mời của nước chủ nhà - Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Sau đó, ông dự kiến sẽ tiếp tục đến Australia để hội đàm với Thủ tướng Anthony Albanese, mặc dù cuộc họp nhóm Bộ tứ đã bị hủy bỏ.
Giám đốc Trung tâm RAND về Chính sách Châu Á - Thái Bình Dương có trụ sở tại Mỹ Rafiq Dossani cho biết sự vắng mặt của ông Biden là cơ hội “tốt cho Thủ tướng Modi vì nhà lãnh đạo Ấn Độ có thể tạo dựng được sự chú ý”. Dẫu vậy, chuyên gia này cho rằng tác động của chuyến thăm Thái Bình Dương của ông Modi sẽ còn phụ thuộc vào các đề nghị viện trợ kinh tế xã hội đã cam kết trong 2 ngày ở Port Moresby.
Theo TTXVN