Viêm màng não vì ăn ốc tái chanh

00:14 21/12/2016

Bắt chước người lớn, không ít em nhỏ đã tự bắt ốc rồi vắt chanh, muối tiêu để… lai rai ăn. Hậu quả, các em bị ngộ độc, chẩn đoán viêm màng não do nhiễm ký sinh trùng.
 
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp cho biết, đã cấp cứu 4 bệnh nhi bị ngộ độc do ăn ốc nhiễm ký sinh trùng. Theo lời người thân kể lại, trong lúc vui đùa với nhau, bốn em cùng xuống kênh đi bắt ốc bươu vàng. Sau đó bắt chước người lớn, các em vào bếp, lấy chanh và muối tiêu làm món ốc tái để ăn sống nên mới bị ngộ độc.
 
Tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp, các bệnh nhi được chẩn đoán viêm màng não, tăng bạch cầu ái toan do nhiễm ký sinh trùng. Trong số này, một bệnh nhi có dấu hiệu liệt dây thần kinh số 6, gây ra hiện tượng lác mắt (lé), một bệnh nhi khác yếu chi. Sau khi điều trị bằng thuốc kháng giun, tình trạng của các em đã được cải thiện. BS Nguyễn Thị Hồng Thắm, Trưởng khoa Nhiễm (Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp) chia sẻ: "Nhiều người lầm tưởng rằng khi tái chanh, con ốc đã chín vì đục màu đi. Tuy nhiên, điều này chỉ làm biến tính protein chứ không giết chết được ký sinh trùng".
 
 Ảnh chỉ mang tính minh họa
Ảnh chỉ mang tính minh họa
Cách đây không lâu, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) cũng điều trị cho một bệnh nhân tên T.V.D (12 tuổi, ở Long Xuyên, Long An) bị viêm màng não tăng tế bào ái toan do ký sinh trùng trong “ốc ma” (loại ốc to hơn ốc sên, vỏ dày hay bò ngoài các cánh đồng) gây nên. Bệnh nhi cho hay, do thấy người lớn cũng bắt loại ốc này để ăn nên em cùng nhóm bạn bắt chước. Em đã ăn 5 lần nhưng những lần trước nướng chín, riêng lần này lại để sống vắt chanh vào rồi chấm muối ăn. Khoảng một ngày sau khi ăn, D bị buồn nôn và chóng mặt dữ dội. Bệnh nhi được đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 sau 15 ngày điều trị ở địa phương không khỏi. Mẹ bệnh nhi D cũng chia sẻ, tại quê chị, nhiều người ăn “ốc ma” vì cho rằng ốc này chữa bệnh đau lưng. Tuy nhiên, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi Đồng 1) cho biết, ốc ma không hề có tác dụng chữa bệnh.
 
Hiện tại, ở Khoa Nhiễm – Thần kinh (Bệnh viện Nhi Đồng 1) cũng đang tiếp nhận một cháu bé 15 tháng tuổi và một cháu bé 7 tuổi bị viêm màng não do ký sinh trùng được cho là loại ở trong con ốc sên hay còn gọi là ốc ma. May mắn, cả hai cháu bé chưa hôn mê, các bác sĩ đang điều trị tích cực cho các bệnh nhân nhi. Theo BS Trương Hữu Khanh, mỗi năm Khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi Đồng 1) tiếp nhận vài chục ca bệnh nhi bị viêm màng nào do ký sinh trùng từ ốc, các loại hải sản cùng họ với ốc ăn tái và bị nhiễm ký sinh trùng.
 
Gặp họa vì ham ăn đồ tái
 
Theo BS Trương Hữu Khanh, không chỉ không có tác dụng chữa bệnh gì, nếu chế biến không kỹ, ký sinh trùng trong ốc dễ gây viêm màng não hoặc các chứng khác nguy hiểm đến tính mạng.
 
Ký sinh trùng ở ốc (ốc sên, ốc bươu vàng), hải sản hay thịt bò, thịt heo, rau sống khi vào cơ thể người sẽ đi khắp nơi trong cơ thể. Sán, ký sinh trùng trú ngụ, làm tổ tại chỗ nào của cơ thể thì gây bệnh chỗ đó. Chúng có thể di chuyển ra da, gan cơ, mắt... Tại não, sán có thể gây tình trạng phù não, co giật và nguy hiểm hơn là gây viêm màng não. Bệnh nhân không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, có thể gặp nguy hiểm, thậm chí tử vong.
 
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, BS Nguyễn Trung Cấp, phụ trách Khoa Cấp cứu của Bệnh viện cho biết, cũng vì ăn đồ tái sống, tiết canh, nem chạo, rau sống … mỗi năm, Khoa Cấp cứu tiếp nhận hàng chục ca sán não. Ví dụ như trường hợp của bệnh nhân tên Đ (ở Thái Thịnh, Hà Nội). Trước khi vào viện, ông Đ thường bị đau bụng, tiêu chảy, người luôn buồn nôn, có những đường ngoằn ngoèo xuất hiện dưới làn da và bị sụt đến 13kg. Ông Đ nhập viện trong tình trạng suy kiệt. Bác sĩ xác định, ông bị nhiễm ấu trùng giun lươn, do ông Đ khi làm việc ở quán hải sản thường dùng món hàu sống, tôm sống tái mù tạt.
 
Nói về các trường hợp nhiễm sán do ăn đồ tái, tiết canh... các bác sĩ cảnh báo, nhiều bệnh nhân bị nhiễm sán mà không biết. Ban đầu, do chỉ thấy chóng mặt, buồn nôn, nhiều người tự mua các loại thuốc giảm đau về dùng. Họ không đi kiểm tra để tìm hiểu tận gốc những cơn đau đầu đó. Chỉ đến khi cơn đau kéo dài, tình trạng trầm trọng hơn kèm nôn mửa, hôn mê thì người bệnh mới nhập viện và biết mình bị nhiễm sán.
 
Từ trường hợp trên, các chuyên gia khuyên người dân nên tránh ăn thức ăn sống, không hợp vệ sinh, đặc biệt không nên ăn “ốc ma” vì loại ốc này sống trong môi trường bẩn và rất dễ mang ký sinh trùng. Trong trường hợp sau khi ăn và thấy có dấu hiệu đau đầu chóng mặt thì nên đến bác sĩ khám, đồng thời khai rõ để bác sĩ có hướng điều trị chính xác.
 
Rau nhà trồng chưa hẳn là rau sạch
 
TS Lê Thị Hải, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, không ít người dân Việt Nam có thói quen dùng nguồn nước ô nhiễm, nước thải sinh hoạt để tưới rau. Đây là lý do khiến không chỉ rau rửa ở nguồn nước ô nhiễm, các loại rau thủy sinh dễ nhiễm các loại vi sinh vật gây bệnh đường ruột, mà ngay cả rau trồng trên cạn, không rửa cũng có nguy cơ nhiễm nếu người nông dân dùng nguồn nước ô nhiễm tưới rau.
 
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, khi mua rau, người tiêu dùng nên mua ở các cửa hàng có nguồn gốc xuất xứ. Dù là rau thủy sinh hay rau trên cạn đều cần rửa rau dưới vòi nước chảy để loại bỏ trứng giun sán, ký sinh trùng trên rau. Trước khi rửa dưới vòi nước, có thể ngâm 5 - 10 phút trong chậu để làm tan đất, bụi bẩn, ki sinh trùng bám trên rau, rửa sạch rồi rửa dưới vòi nước.
 
Tuy nhiên, việc rửa rau cũng không thể loại bỏ hoàn toàn các kí sinh trùng, vi sinh vật nguy hiểm bám trên rau. Vì thế, việc nấu chín là vô cùng quan trọng để tiêu diệt các tác nhân vi sinh vật gây bệnh đường ruột nguy hiểm này.
 
Theo Quỳnh An (Gia đình xã hội)


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông