Vở chèo "Người chế tác Ngai Vàng": Bản “chế tác” đẹp về hình tượng của những nghệ nhân tài hoa

15:58 23/12/2020

Thôn Bảo Hà xưa gọi là làng Linh Động, thuộc địa phận xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng - cái nôi của nghề tạc tượng cả nước, nơi có nhiều nghệ nhân nổi tiếng tạo nên dấu ấn riêng của các sản phẩm điêu khắc gỗ và sơn mài. Ngợi ca tài năng và đức độ của nghệ nhân Tô Phú Vượng - người có bàn tay khéo léo trong nghề trạm khắc triều đại nhà hậu Lê, Sân khấu truyền hình Hải Phòng số 15 xây dựng vở chèo “Người chế tác Ngai Vàng” đã khắc họa rất đẹp về hình tượng của những người thợ tài hoa, đức độ ấy.

Trong hoàn cảnh khó khăn nhất, nghệ nhân Tô Phú Vượng vẫn không ngừng sáng tạo những tác phẩm để đời

 Vở chèo “Người chế tác Ngai Vàng” được thực hiện bởi Tiến sĩ Trần Đình Ngôn viết kịch bản, đạo diễn Lại Đình Ngọc, nhạc sĩ Trịnh Đăng Toàn, biên đạo múa NSƯT Lê Thị Hồng Minh, họa sĩ Ngô Thắng… cùng các nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Chèo Hải Phòng.

Vở chèo là tác phẩm ca ngợi tài năng và đức độ của nghệ nhân Tô Phú Vượng, người có bàn tay khéo léo trong nghề chạm khắc triều đại nhà hậu Lê, thời vua Lê Dụ Tông (1720-1729). Chuyện kể rằng, vua Lê Hiển Tông, (1740-1786) tổ chức cuộc thi chế tác Ngai Vàng.

Vở chèo ngợi ca những con người tài hoa của mảnh đất "Hải tần phòng thủ"

Vượt qua các nghệ nhân điêu khắc gỗ và sơn mài nổi tiếng của cả nước, anh thợ làng Tô Phú Vượng đã thắng cuộc và được chọn làm người chế tác Ngai Vàng.

Vì lòng tham lam, đố kị, ghen ghét của người bạn đồng môn cùng dự kỳ thi năm ấy, lại thêm một số lộng thần tiếp tay, bày hãm hại, lừa Tô Phú Vượng ngồi lên Nga Vàng để… thử trước khi dâng lên vua, Tô Phú Vượng bị bắt vì “Khi quân phạm Thượng”, bị kết tội tử hình và bị tống vào ngục chờ thi hành án.

Song trong hoàn cảnh khó khăn nhất, nghệ nhân Tô Phú Vượng vẫn không ngừng sáng tạo, để hiến dâng cho cuộc đời với tác phẩm chạm khắc đàn voi lên hạt gạo.

Với tài năng, sự sáng tạo không ngừng nghỉ, lại được những quan liêm chính, trọng tài giúp đỡ nên ông đã được giải oan. Bằng tài năng và đức độ, ông đã được phong tước “Kỳ tài Hầu”, đến đời vua Lê Hiển Tông ông còn được phong là “Hoàng tín đại phu, sự viện kỳ tài hầu”. Nhờ đó, nhân dân thôn Bảo Hà, xã Đồng Minh thời bấy giờ được nhà vua miễn thuế trong một năm.

Qua câu chuyện về cuộc thi tài thợ chạm ở kinh thành, chọn ra người giỏi nhất để chế tác Ngai Vàng cho Vua, vở chèo thể hiện tư tưởng xuyên suốt từ xưa đến nay của nước Nam ta là luôn lấy dân làm gốc “Dĩ quốc dân vi bản”.

Xây dựng, phát triển và bảo vệ, giữ gìn đất nước đều phải cậy vào sức dân, mọi việc đều bắt nguồn từ dân, bài học lớn ấy được đúc kết suốt chiều dài lịch sử của dân tộc vẫn còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay và mãi về sau.

Vở chèo mang đậm chất chèo truyền thống với lối diễn, lời ca trầm ấm, truyền cảm của các nghệ sĩ Đoàn Chèo Hải Phòng  như NSƯT Văn Mởn (vai Tô Phú Vượng), Thanh Bình (vai Vua Lê Hiển Tông), Thùy Dung (vai Sái Thị)… đã cuốn hút người xem từ đầu đến cuối vở.

Qua vở diễn, ê kip thực hiện cùng các nghệ sĩ, diễn viên đoàn Chèo đã rất thành công khi đã làm nổi bật tư tưởng từ bao đời nay của dân tộc ta là lấy dân làm gốc “Dĩ quốc dân vi bản”.

NSƯT Văn Mởn chia sẻ: Việc tin tưởng được giao nhiều vai diễn chính là điều vô cùng may mắn đối với người nghệ sĩ. Nhưng đây cũng là một thách lớn khi người nghệ sĩ luôn phải tự thoát mình, thoát các vai diễn để bước vào một vai diễn hoàn toàn khác với một tính cách mới. Vì thế, với mỗi vai diễn người nghệ sĩ luôn đau đáu cùng ăn, cùng ngủ để có nhiều sáng tạo nhất. Vai diễn Tô Phú Vượng cũng là một thử thách lớn đối với anh. Nhưng với sự giúp đỡ của ekip thực hiện, sự hỗ trợ của các bạn diễn, sự tìm tòi, học hỏi của bản thân thì anh cũng thể hiện được vai diễn một cách tốt nhất.

Với nhân vật Tô Phú Vượng là một danh nhân của mảnh đất Hải Phòng, anh đi vào tìm tòi, đào sâu thể hiện nổi bật sự tài hoa của người nghệ sĩ-nghệ nhân dân gian, với tính cách chất phác, thật thà, hiền lành nhưng vô cùng tài năng đức độ. Chèo là tả ý cho nên thủ pháp của chèo đòi hỏi diễn viên có lối diễn cách điệu, hoa trương, từ ánh mắt, nét mặt, giọng nói đều phải tập trung làm toát lên phẩm cách của nhân vật.

“Người tài hoa không từ bỏ tài hoa. Dẫu có sống một ngày cũng không uổng phí. Xin trời hãy ban cho con được bình tâm sáng trí, xin gửi lại cho đời một chút kỳ công”, câu nói ấy của nhân vật Tô Phú Vượng trong hoàn cảnh đau khổ nhất đã thể hiện cái tâm, cái tầm của một nghệ nhân tài hoa. Đó cũng là tâm huyết của người nghệ sĩ nói chung và người nghệ nhân nói riêng.

Bằng nghệ thuật chèo truyền thống, với lối diễn điêu luyện, tài năng của các nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Chèo Hải Phòng, vở chèo “Người chế tác Ngai vàng” không chỉ là một bản “chế tác” đẹp về những người nghệ nhân tài hoa mà còn khắc họa vô cùng ấn tượng về con người của mảnh đất “Hải tần phòng thủ”.

Xuân Hạ

 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông