18:45 29/06/2016
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tuy hệ thống chính quyền cơ sở được củng cố nhanh chóng nhưng tình hình an ninh chính trị có nhiều diễn biến phức tạp: phản động tiếp tục hoạt động chống phá chính quyền; Fulro phát triển mạnh ở các tỉnh khu V và Nam Trung Bộ… Trong bối cảnh đó, phản động quốc tế cho rằng thời cơ lật đổ chính quyền đã đến, chúng ráo riết tiến hành “chiến tranh phá hoại nhiều mặt”, chủ yếu là “trong nổi dậy, ngoài đánh vào”; tăng cường đưa gián điệp biệt kích, vũ khí, phương tiện vào trong nước, móc nối với các tổ chức phản động, xây dựng mật cứ để tiến hành bạo loạn cướp chính quyền. Để đối phó, ở miền Bắc, lực lượng An ninh triển khai đồng bộ nhiều mặt công tác nghiệp vụ, tổ chức đấu tranh với các loại đối tượng; tham mưu cho Đảng củng cố vững chắc an ninh chính trị; truy bắt bọn gián điệp do Mỹ - Ngụy đánh ra Bắc trong kế hoạch hậu chiến theo phương thức P86 và mạng lưới gián điệp cài lại; thẩm tra, xử lý số đối tượng nội gián; bảo đảm an ninh chính trị nội bộ; trấn áp các tổ chức phản động; phong tỏa bọn gián điệp núp danh nghĩa nhân viên các tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế; chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống bạo loạn… Qua đấu tranh, lực lượng An ninh đã khám phá hàng chục vụ án, bắt hàng trăm tên gián điệp do cơ quan đặc biệt nước ngoài đưa vào hoạt động, góp phần bảo đảm an ninh chính trị ở miền Bắc. Tại các tỉnh phía Nam, lực lượng An ninh tập trung đấu tranh với Fulro, các tổ chức phản động, nhen nhóm phản động và bọn phản động lưu vong xâm nhập về nước hoạt động. Từ năm 1976 đến 1986, lực lượng An ninh đã khám phá 1.182 tổ chức và nhen nhóm phản động, có tổ chức đã hình thành bộ khung chính quyền tại 17 tỉnh, thành phố với hàng chục ngàn người tham gia. Thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 2-2-1977 của Ban Bí thư về “Tiếp tục phát động quần chúng, xây dựng cơ sở chính trị, truy quét Fulro, bảo vệ an ninh chính trị ở Tây Nguyên và Nam khu V cũ”, lực lượng An ninh tăng cường hàng nghìn lượt cán bộ vào Tây Nguyên, tổ chức đấu tranh hàng chục chuyên án, trong đó có 6 chuyên án lớn, bắt hầu hết đối tượng cầm đầu, làm tan rã bộ khung chính quyền Fulro từ cấp quân khu tới cơ sở. Đến năm 1992, chúng ta cơ bản giải quyết xong vấn đề Fulro, tình hình an ninh chính trị ở Tây Nguyên từng bước được ổn định. Từ năm 1980 đến 1989, lực lượng An ninh phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang sử dụng đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ, huy động các đơn vị trinh sát triển khai nhiều chiến dịch phản gián dài ngày trên địa bàn rộng; tổ chức đón bắt hàng chục chuyến xâm nhập của các tổ chức phản động lưu vong do các tên Võ Đại Tôn, Đặng Văn Thanh, Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh, Hoàng Cơ Minh, Trần Quang Đô… cầm đầu, bắt và diệt toàn bộ số biệt kích xâm nhập, thu hàng trăm tấn vũ khí, phương tiện chúng chuyển vào nội địa. Trong kế hoạch KHCM12 (1981-1984), lực lượng An ninh đã điều khiển trung tâm chỉ huy của địch ở nước ngoài đưa hết số biệt kích được huấn luyện về nước để bắt, gồm 18 chuyến xâm nhập bằng tàu biển cùng 148 tên, hơn 300 tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh, 14 tấn tiền giả. Chuyên án HM29, lực lượng An ninh phối hợp với quân đội Lào đón đánh các cuộc hành quân “Đông tiến 1”, “Đông tiến 2”, “Đông tiến 3” của tổ chức phản động lưu vong “Mặt trận Quốc gia giải phóng Việt Nam” do Hoàng Cơ Minh và Trần Quang Đô cầm đầu tiến hành, diệt và bắt 269 tên. Đồng thời, lực lượng An ninh còn trấn áp thành công các tổ chức phản động trong nội địa. Bằng những đòn đánh đúng, đánh trúng, đánh hiểm, lực lượng An ninh đã đập tan hướng tấn công chủ yếu của cuộc “chiến tranh phá hoại nhiều mặt” do bọn phản động quốc tế phát động; cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của tô quốc ở biên giới Tây Nam và phía Bắc, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, tạo môi trường thuận lợi để Đảng và nhà nước triển khai đường lối đối nội và đối ngoại, đưa nước ta ra khỏi tình trạng khủng hoảng, bước vào thực hiện công cuộc đổi mới đất nước. Minh Phương - Thu Ninh |