Vơi đi nỗi đau da cam

17:15 28/08/2016

 

 

Ông Ký chăm sóc con gái bị di chứng da cam
Ông Ký chăm sóc con gái bị di chứng da cam

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ năm 1961, khi đế quốc Mỹ rải chất độc da cam xuống chiến trường miền Nam, nỗi đau da cam vẫn còn nguyên vẹn, biến các nạn nhân da cam cùng gia đình của họ trở thành những người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ…

Theo chân bác Vũ Trọng Tâm, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Thuỷ Nguyên, chúng tôi đến thăm gia đình bà Phạm Thị Tuý, sinh năm 1954, ở thôn 1A, xã Lưu Kiếm - một trong những gia đình phải gánh chịu nỗi đau tột cùng của thảm hoạ da cam. Bao nhiêu năm nay, cứ nhắc đến chuyện này là bà Tuý không cầm được nước mắt. Chồng bà Tuý, ông Nguyễn Viết Lam, sinh năm 1950, là một cựu chiến binh chống Mỹ. Ông Lam nhập ngũ năm 1967, sau thời gian huấn luyện đã lập tức lên đường theo đơn vị là Tiểu đoàn 25, Trung đoàn 102, Sư đoàn 308 thuộc Quân đoàn Ba anh hùng vào Nam chiến đấu ở mặt trận Quảng Trị và đường 9 Nam Lào trong những năm tháng ác liệt nhất. Sau 1975, hoà bình trở lại, anh bộ đội Nguyễn Viết Lam may mắn còn sống trở về, cho dù trên mình mang nhiều thương tật 2/4.

Năm 1976, ông Lam cưới vợ là bà Tuý và lần lượt sinh được 3 người con. Ngoại trừ người con gái lớn may mắn chỉ ảnh hưởng nhẹ, 2 người con trai sau của ông bà: Nguyễn Viết Công, sinh năm 1979 và Nguyễn Viết Văn, sinh năm 1985, đều mang dị tật bẩm sinh, mắc bệnh tâm thần do di chứng da cam từ khi chào đời. Nhà có con bị bệnh hiểm nghèo, bản thân thì thương tật đầy mình, chèo chống trong gia cảnh khó khăn, thiếu thốn, đến năm 1995 thì ông Lam qua đời, để lại người vợ goá bụa cùng 2 người con trai không bao giờ biết khôn lớn. Bà Tuý không nhớ nổi đã bao ngày đằng đẵng, bao đêm dài thức trọn canh 2 đứa con bệnh tật oái oăm.

Hàng ngày bà Tuý chăm sóc con trai Nguyễn Viết Văn
Hàng ngày bà Tuý chăm sóc con trai Nguyễn Viết Văn

Bà Tuý kể, Nguyễn Viết Công tính nết lầm lỳ, cả ngày không nói câu nào, chỉ quanh quẩn trong nhà dưới bếp, lúc ăn thì mẹ phải xúc cho ăn; còn Nguyễn Viết Văn thì ngược lại, khi lên cơn thì hung hãn, co giật, hay bỏ đi lang thang… Bà Tuý đã nhiều lần phải gạt nước mắt, nhờ bà con làng xóm đi tìm Văn về, rồi phải nhốt con trong buồng, khoá lại để Văn không đi nữa. Bà Tuý giờ đã cao tuổi, ốm đau liên miên, cả nhà chỉ còn trông vào 2 sào ruộng khoán và suất trợ cấp ít ỏi của 2 đứa con tật nguyền. Ông Nguyễn Đình Khoa, Phó chủ tịch UBND xã Lưu Kiếm cho biết: Xã có 327 gia đình liệt sỹ, 147 gia đình thương bệnh binh, trong đó có hộ bà Tuý. Mặc dù đã hết sức cố gắng, song do địa phương còn nhiều hạn chế về điều kiện kinh tế nên cũng chỉ chăm lo được phần nào…

Rời nhà bà Tuý, chúng tôi đến thăm gia đình cựu chiến binh Tô Đình Ký, 74 tuổi, ở thôn 12, xã Thiên Hương. Ông Ký từng là bộ đội Trường Sơn, nhập ngũ tháng 4-1965, là chiến sỹ Tiểu đoàn pháo binh Kim Thanh - Quân khu Ba, chiến đấu tại chiến trường Buôn Mê Thuột và khắp mặt trận Tây Nguyên từ năm 1968.

Tháng 12-1975, ông Ký giải ngũ về quê hương và kết hôn với bà Hoàng Thị Bốn, cô công nhân Xí nghiệp ngói An Hồng thuở trước. Những tưởng cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ hạnh phúc, rộn rã tiếng cười con trẻ nhưng nỗi đau da cam đeo bám gia đình ông cho đến tận ngày nay. Trong 3 đứa con của ông Ký ảnh hưởng bởi di chứng da cam thì 1 đứa đã qua đời từ lúc còn nhỏ, đứa thứ 2 bị tật nặng nề, ông phải cắn răng gửi con lên Trung tâm nuôi dưỡng nạn nhân da cam ở huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.

Ở nhà còn một người con khác là chị Tô Thị Thuỷ, sinh năm 1980, cũng bị dị tật từ tấm bé, sức khoẻ ngày một yếu dần, chân tay co quắp, di chuyển rất khó khăn. Năm 2014, bà Bốn bị bệnh ung thư qua đời. Vậy là trong nhà chỉ còn 2 bố con trông nom lẫn nhau. Tuổi thất thập cổ lai hy nhưng ông Ký vẫn phải hàng ngày cặm cụi vừa làm việc nhà vừa chăm sóc con gái. Cho đến giờ, người cựu chiến binh già ấy vẫn còn nguyên sự lạc quan đầy chất lính.

Ông bảo, từng nhiều lần thoát chết trong gang tấc, sau chiến tranh, việc ông còn sống trở về, lấy vợ sinh con đã là một may mắn lớn. Gặp gỡ mọi người, ông ít nói về hoàn cảnh của mình mà thường kể về những kỷ niệm không quên những năm bom đạn, với những người đồng đội đã ngã xuống vì độc lập tự do của tổ quốc. Thế nhưng, trong lòng người lính già vẫn canh cánh một nỗi niềm: Tôi nay tuổi cao rồi, đến lúc ông Trời cho về với tổ tiên thì số phận con Thuỷ sẽ ra sao?

Thấu hiểu và sẻ chia với nỗi đau da cam của gia đình các nạn nhân, trong những năm qua, đã có không ít các tổ chức, cá nhân hảo tâm chung tay xoa dịu nỗi đau da cam. Theo Chủ tịch Hội nạn nhân da cam/dioxin huyện Thuỷ Nguyên, việc giúp đỡ nạn nhân da cam trên địa bàn huyện luôn có sự góp sức của CLB Tình nguyện Hoa Sen (thuộc Hội LHTN Hải Phòng).

Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc, thành phố Hải Phòng ghi nhận 17.057 người hoạt động kháng chiến cùng các con, cháu của họ bị nhiễm hoặc nghi nhiễm chất độc hoá học. Trong đó, 10.393 người hoạt động kháng chiến, 6.664 người là con đẻ, 371 cháu bị các khuyết tật khác nhau do ảnh hưởng chất độc da cam, hiện đang sinh sống  trên địa bàn thành phố.

Tuy mới được thành lập, phần đông thành viên là cán bộ công chức, lực lượng vũ trang trên địa bàn, công việc bận rộn nhưng anh chị em Tình nguyện Hoa Sen vẫn thường xuyên thăm hỏi, động viên các gia đình.

Thành viên CLB Tình nguyện Hoa Sen đến thăm hỏi gia đình ông Ký
Thành viên CLB Tình nguyện Hoa Sen đến thăm hỏi gia đình ông Ký

Anh Nguyễn Văn Hà - Chủ nhiệm CLB Tình nguyện Hoa Sen cho biết: Từ khi thành lập (năm 2015) đến nay, CLB đã khảo sát, giúp đỡ 350 hộ gia đình nạn nhân da cam trên địa bàn các quận: Hồng Bàng, Hải An và các huyện: Thuỷ Nguyên, Vĩnh Bảo. Anh chị em tổ chức bán tranh pha lê, tranh thêu và kêu gọi quyên góp ủng hộ cho các nạn nhân da cam trên 122 triệu đồng, trợ cấp hàng tháng cho 3 hộ gia đình đặc biệt khó khăn…

Hy vọng rằng, bằng những việc làm đầy nhân ái và thiết thực, nhiều gia đình đang phải gánh chịu nỗi đau chất độc da cam sẽ được cộng đồng sẻ chia, cảm thông và giúp đỡ nhiều hơn, để nỗi đau da cam sẽ ngày một vơi bớt đi trong cuộc sống hôm nay.

Thế Khoa


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông